Chương trình giải trí ngày tết : Ca nhạc và hài kịch tại Hà Nội
Táo cười đón xuân là chương trình hài kịch diễn ra tối 15.2 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô, do các nghệ sĩ Đoàn kịch II – Nhà hát Tuổi Trẻ thực hiện. Các nghệ sĩ tham gia chương trình: MC Xuân Bắc, NSƯT Chí Trung, Sĩ Tiến, Anh Tuấn, Quỳnh Dương, Tuấn Anh, Thanh Bình…
Lắng nghe mùa xuân về, chương trình ca nhạc – hài kịch diễn ra lúc 20 giờ tối 17.2 tại Cung văn hóa hữu nghị Việt – Xô. Diva Hà Trần sẽ gặp lại khán giả Hà Nội cùng với diva Thanh Lam, ca sĩ Tùng Dương và Quang Dũng. Không gian âm nhạc rộn ràng các ca khúc mùa xuân, những bản tình ca của Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Hoàng Quý, Trịnh Công Sơn, Dương Thụ, Đức Trí, Ngọc Châu… Nhóm hài của NSƯT Chí Trung cũng sẽ góp mặt trong chương trình.
|
Mùa xuân sắc môi em hồng là chương trình ca nhạc – hài kịch sẽ diễn ra tối 15.2 tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Những khúc ca mùa xuân và những vũ điệu sôi động được các nghệ sĩ của nhà hát Tuổi Trẻ như Lưu Thiên Hương, Ánh Tuyết, Hoài Phương, NSƯT Hải Yến, Thùy Dương, Anh Tuấn, Hoàng Nga… và dàn diễn viên múa gửi tới khán giả. Đoàn kịch I và Đoàn kịch II của nhà hát với những gương mặt như Anh Tuấn, Nguyệt Hằng, Thanh Bình, Thu Hương, Anh Thơ, Duy Anh, Thanh Tú… sẽ mang đến các tiểu phẩm hài mang chủ đề phê phán những thói tật xấu và tệ nạn xã hội trong đời sống: Ghen ngược, Du lịch thông sinh thái, Bà mẹ họ Hứa…
Trình diễn âm nhạc truyền thống, chương trình diễn ra chiều thứ hai hằng tuần từ nay đến ngày 28.2, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, được thực hiện với mục đích bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa phi vật thể của Việt Nam. Khán giả được lắng nghe nhiều thể loại âm nhạc truyền thống như xẩm, hát chèo, hát văn, trình diễn đàn bầu, sáo…
8 điểm bắn pháo hoa tại TP.HCM
TP.HCM tổ chức bắn pháo hoa tại 8 điểm, gồm một điểm tầm cao và 7 điểm tầm thấp. Từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 10.2, điểm bắn pháo hoa tầm cao sẽ diễn ra tại đầu đường hầm Thủ Thiêm (đường hầm sông Sài Gòn, P.Thủ Thiêm, Q.2).
Cùng thời điểm trên, 7 điểm khác sẽ bắn pháo hoa tầm thấp gồm: công viên Lịch sử – Văn hóa dân tộc (P.Long Bình, Q.9), Đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (H.Củ Chi), công viên văn hóa Đầm Sen (Q.11), công viên Văn hóa Gò Vấp, sân bóng đá H.Cần Giờ, Khu tưởng niệm liệt sĩ Ngã Ba Giồng (H.Hóc Môn) và Khu di tích Lịch sử Láng Le – Bàu Cò (H.Bình Chánh).
Tụ điểm ca nhạc
Sân khấu 126: Chương trình ca múa nhạc mừng xuân Quý Tỵ chủ đề Xuân họp mặt sẽ diễn ra vào 19 giờ 50 từ ngày 10.2 đến ngày 19.2 (tức từ mùng 1 đến 10 tết).
Sân khấu Trống Đồng: Mừng xuân với chương trình ca nhạc hài kịch diễn ra từ 19 giờ 30 đến 22 giờ 30 từ ngày 10 đến 15.2 (tức từ mùng 1 đến mùng 6 tết).
Nhà văn hóa Thanh niên: Chương trình ca nhạc tổng hợp Chào xuân lúc 19 giờ ngày 9.2 (tức 29 tết) tại sân 4A; ca nhạc Khúc ca xuân vào 20 giờ ngày 10.2 (tức mùng 1 tết) cũng tại sân 4A; 18 giờ ngày 11.2 (tức mùng 2 tết) giải cầu mây truyền thống; lúc 20 giờ ca nhạc tạp kỹ Mừng tết đến; 18 giờ ngày 12.2 (mùng 3) biểu diễn cờ người; chương trình Sắc màu tuổi trẻ chủ đề Xuân họp mặt lúc 20 giờ; 18 giờ và 20 giờ ngày 13.2 (mùng 4) giải cầu mây truyền thống tiếp tục và ca nhạc Nghệ sĩ chào xuân.
|
Phòng trà Đồng Dao: Chương trình Thu Minh, Đức Tuấn (mùng 1), Tuấn Ngọc (mùng 2), Đoan Trang, Hà Anh Tuấn, Phương Linh (mùng 3), Quang Dũng (mùng 4), Đàm Vĩnh Hưng, Dương Triệu Vũ (mùng 5).
Tiếng Xưa: Đêm nhạc Ý Lan chủ đề Mùa xuân yêu em (mùng 1), đêm nhạc Từ Công Phụng với tiếng hát Mỹ Hạnh (mùng 2), NSƯT Hồng Vân, Lam Giang, Tòng Sơn, nhóm Đồng Xanh, Mây Lang Thang… (mùng 3, 4, 5).
Phòng trà Da Vàng: Ca nhạc hài kịch Xuân yêu thương (mùng 1); chương trình tổng hợp (mùng 2), Quang Hà, Hoài Lâm, Tố Như, nhóm hài Trung Dân, quái kiệt Mai Đình Tới… (mùng 3); cải lương phòng trà với live show Vũ Luân (mùng 4); đêm nhạc Hoa xuân ca (mùng 5).
Phòng trà Không Tên: Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên, Dương Triệu Vũ (mùng 1, 2), Minh Tuyết – Lệ Quyên (mùng 3), Quang Lê – Lệ Quyên (mùng 4).
Phòng trà We: Đêm nhạc Mộng chiều xuân với sự tham gia của các ca sĩ quen thuộc phòng trà (mùng 1 tết), mini show của Thu Minh (mùng 2), Đàm Vĩnh Hưng (mùng 3, 4); chương trình Xuân tình nhân (mùng 5).
Kịch xiếc thú
Từ mùng 1 đến mùng 8 Tết Quý Tỵ (tức 10.2 đến 17.2), đoàn xiếc thú Hồng Lộc đến từ thủ đô Hà Nội sẽ biểu diễn chương trình kịch xiếc Cuộc giải cứu kỳ diệu quy tụ 16 nghệ sĩ xiếc, ảo thuật cùng 12 loài thú tham dự như trăn, khỉ, chó, mèo, cá sấu, gấu… Mỗi ngày đoàn có hai suất diễn vào 16 giờ và 20 giờ tại Rạp xiếc TP.HCM (tọa lạc trong công viên Gia Định, đường Hoàng Minh Giám, Q.Gò Vấp).
|
Sân khấu kịch
Nhà hát kịch sân khấu nhỏ TP.HCM: Mùng 1: Hạnh phúc? Ở đâu?!.. (20 giờ 30); Mùng 2: Hạnh phúc? Ở đâu?!.. (16 giờ 30), Nơi tình yêu bắt đầu (20 giờ 30); Mùng 3: Chia tay hoàng hôn (16 giờ 30), Hạnh phúc? Ở đâu?!.. (20 giờ 30).
Sân khấu kịch IDECAF: Mùng 1: Miêu nữ hí miêu gia (15 giờ, 17 giờ 30, 20 giờ 30); Mùng 2: Xóm vịt trời (15 giờ, 17 giờ 30, 20 giờ 30).
Nhà hát Bến Thành: Hồn bướm mơ điên (mùng 1, mùng 3: 17 giờ, 20 giờ 30), Hương tình (mùng 2, mùng 4: 17 giờ, 20 giờ 30).
|
Sân khấu Trần Cao Vân: Mặt nạ bong bóng (mùng 1, mùng 3: 17 giờ, 20 giờ 30).
Kịch Phú Nhuận: Mùng 1: Số đào hoa (16 giờ), Trăng máu (18 giờ 15), Tôi là gay (20 giờ 30); Mùng 2: Số đào hoa (16 giờ), Cậu Tèo về nước (18 giờ 15), Tâm bệnh (20 giờ 30); Mùng 3: Số đỏ (16 giờ), Tâm bệnh (18 giờ 15), Trăng máu (20 giờ 30).
Super Bowl: Mùng 1: 2-4-6 (16 giờ), 3-5-7 (18 giờ 15), Người vợ ma (20 giờ 30); Mùng 2: 2-4-6 (16 giờ), 3-5-7 (18 giờ 15), Thứ sáu ngày 13 (20 giờ 30).
Sân khấu Hoàng Thái Thanh: Mùng 1: Tái sinh (16 giờ), 6 tháng, Anh và Em (20 giờ); Mùng 2: 6 tháng, Anh và Em (16 giờ), Tái sinh (20 giờ); Mùng 3: Tình nhân đến với tình nhân (16 giờ), 6 tháng, Anh và Em (20 giờ).
Nhà hát Thế Giới Trẻ: Mùng 1: Thần tiên cũng phát điên (17 giờ 30), Hợp đồng yêu đương (20 giờ 30); Mùng 2: Thần tiên cũng phát điên (14 giờ 30, 20 giờ 30), Hợp đồng yêu đương (17 giờ 30); Mùng 3: Bí mật nhà xác (14 giờ 30, 17 giờ 30), Thần tiên cũng phát điên (20 giờ 30).
Hội tết miền Trung
Đà Nẵng: Hội hoa xuân tại công viên 29.3 (Q.Thanh Khê, TP.Đà Nẵng) rất đặc biệt bởi đây là dịp kỷ niệm 30 năm Hội hoa xuân kể từ năm 1983. Vào đêm 29 tết, Nhà hát Trưng Vương sẽ biểu diễn chương trình nghệ thuật đêm giao thừa tại phía đông cầu Sông Hàn từ 22 giờ đến 24 giờ. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh tổ chức chương trình nghệ thuật truyền thống Chào xuân Quý Tỵ phục vụ khán giả. Vào mùng 1, 2, Nhà hát Trưng Vương sẽ tổ chức chương trình ca múa nhạc – trích đoạn cải lương với sự góp mặt của các nghệ sĩ tên tuổi như danh hài Bảo Quốc, Ưng Hoàng Phúc, Quách Ngọc Ngoan, Đông Nhi… Các ngày mùng 4, 5, 6, chương trình xiếc tổng hợp do Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn sẽ diễn ra tại Trung tâm văn hóa thành phố. Các bảo tàng cũng sẽ mở cửa phục vụ khách trong suốt dịp nghỉ tết.
Đường hoa Bạch Đằng diễn ra trong 8 ngày, từ 19 giờ ngày 7.2 (27 âm lịch) đến 22 giờ ngày 14.2 (mùng 5 âm lịch) năm nay sẽ trở thành tâm điểm thu hút khách đến thưởng thức trong dịp tết.
Hội An (Quảng Nam): Hội Tết Quý Tỵ dành hai ngày 6 và 7.2 (nhằm 26 và 27 tháng chạp Nhâm Thìn) tổ chức Ngày hội bánh tết vì người nghèo. Hội hoa xuân Quý Tỵ trên đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ và Hoàng Diệu diễn ra từ ngày 4 – 9.2 (tức từ 24 – 29 tháng chạp).
Các hoạt động vui tết tập trung ở Vườn tượng An Hội bên sông Hoài. Tại đây, từ ngày 7.2 (27 tháng chạp) khai mạc cuộc thi hoa viên, thi câu đối (9.2), tiếng hót chim chào mào (16.2).
Đặc biệt, Hội đèn lồng lần 5 khai mạc trong đêm giao thừa. Năm nay TP.Hội An tiếp tục bắn pháo hoa đón năm mới tại Vườn tượng An Hội và Quảng trường Sông Hoài…
TP.Huế: Chương trình nghệ thuật lễ hội giao thừa diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn (Đại nội – Huế) từ 22 giờ ngày 9.2 đến 0 giờ 15 phút ngày 10.2. Bắn pháo hoa tại hai điểm Kỳ Đài (TP.Huế) và thị trấn Sịa (H.Quảng Điền). Trung tâm vui xuân Huế cũng sẽ diễn ra tại 3 điểm: công viên Thương Bạc, Cung An Định và Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh với các chương trình Hội hoa xuân (trình diễn hoa, cây cảnh), thư pháp, các trò chơi dân gian…
Ngoài ra còn có chợ phiên Quảng Ngạn (mùng 1, 3 tết), chợ quê ngày hội làng Vinh Mỹ (mùng 1 – 3); hội bài chòi tại cầu ngói Thanh Toàn (từ 29 tháng chạp đến mùng 5), hội bài chòi tại H.Phú Lộc (từ mùng 1 – 3), lễ hội cầu ngư và đua ghe tại thị trấn Lăng Cô (mùng 6 tết)…
|
Quảng Trị: Lễ hội chợ Đình Bích La (xã Triệu Đông, H.Triệu Phong) sẽ diễn ra đêm mùng 2, rạng sáng mùng 3; Lễ hội đua thuyền tại thị trấn Cửa Tùng (H.Vĩnh Linh), Hội cướp cù tại làng An Mỹ (xã Gio Mỹ, H.Gio Linh) vào mùng 4, Hội cướp cù tại làng Cẩm Phổ (xã Gio Mỹ, H.Gio Linh) mùng 7.
Quảng Ngãi: Các hoạt động diễn ra từ đêm 29 tháng chạp. Trong đó, tập trung ở 3 điểm chính là TP.Quảng Ngãi, H.Trà Bồng và huyện đảo Lý Sơn với chương trình nghệ thuật Đêm hội giao thừa và bắn pháo hoa. Riêng huyện đảo Lý Sơn, đây là lần đầu tiên trong đêm giao thừa người dân trên quê hương đội hùng binh Hoàng Sa được thưởng thức màn pháo hoa tầm thấp trong khoảng thời gian 15 phút do Đội pháo hoa Đà Nẵng trình diễn.
Đồng bằng sông Cửu Long
Cần Thơ: Trụ sở UBND TP được mở cửa từ mùng 1 đến mùng 4 phục vụ khách du xuân trong ngoài nước đến tham quan, vui chơi, quay phim, chụp ảnh. Bên cạnh đó, Đường đèn nghệ thuật chạy dài 835 m hai chiều thuộc đại lộ Hòa Bình và 30.4 (Q.Ninh Kiều) với 2 sắc hoa chủ đạo là hoa mai, hoa đào. Chương trình nghệ thuật khai diễn lúc 20 giờ ngày 9.2 (29 tết) tại công viên Lưu Hữu Phước (Q.Ninh Kiều). Tại đây, trong hai đêm mùng 2 và 3, các văn nghệ sĩ của Đoàn ca múa kịch Lưu Hữu Phước, Đoàn cải lương Tây Đô sẽ công diễn nhiều tiết mục đặc sắc phục vụ người xem, mùng 4 tết có chương trình của Đoàn nghệ thuật QK9.
An Giang: Tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp, thời lượng 15 phút tại TP.Long Xuyên, TX.Châu Đốc (bắt đầu từ 21 giờ 30) và TX.Tân Châu (lúc 22 giờ 30) cùng chương trình tổng hợp múa lân – sư – rồng ở các địa phương.
Đồng Tháp: Bắn pháo hoa ở TP.Cao Lãnh, TX.Sa Đéc, TX.Hồng Ngự và H.Tam Nông. Cầu truyền hình đón giao thừa sẽ tổ chức tại TX.Sa Đéc; lễ hội hoa xuân Sa Đéc (từ 25 tháng chạp đến mùng 3 Tết) quy tụ nhiều loài hoa kiểng và sẽ xác lập kỷ lục “lẵng hoa cúc mâm xôi” lớn nhất Việt Nam do các nghệ nhân Sa Đéc thực hiện với hơn 1.000 chậu hoa.
Cà Mau: Tại lễ hội đón giao thừa, Cà Mau sẽ tổ chức bắn pháo hoa ở 6 địa điểm là TP.Cà Mau, và các huyện: Thới Bình, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi. Tại Khu tưởng niệm Bác Hồ (P.1) diễn ra nhiều hoạt động, phục vụ nhân dân đến dâng hương xuyên suốt trong những ngày tết. Trên 340 câu lạc bộ đờn ca tài tử, các đội văn nghệ quần chúng của huyện, xã tổ chức biểu diễn, sinh hoạt, giao lưu văn nghệ tại các điểm sinh hoạt văn hóa của các địa phương trong tỉnh…
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.