Đoàn khảo sát Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Tỉnh ủy Tiền Giang
Sáng ngày 13-3, Đoàn khảo sát Ban Tuyên giáo Trung ương do ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Tiền Giang về việc khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13-4-2007 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập…
Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Võ Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Trần Kim Trát, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ; Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Khuyến học tỉnh.
Quang cảnh buổi làm việc. |
Nội dung khảo sát tập trung vào công tác tổ chức, triển khai, quán triệt thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, Thông tri số 12-TT/TU ngày 28-5-2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, Nghị quyết 11-NQ/TU ngày 1-10-2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2007 – 2010 và định hướng đến năm 2015, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh về thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW. Cụ thể, khảo sát việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai, kết quả thực hiện các nội dung Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị trong 10 năm qua; việc thực hiện các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của cấp ủy cấp trên; những kiến nghị, đề xuất của địa phương.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, nhận thức của các tầng lớp nhân dân chuyển biến sâu sắc, đúng đắn đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của cấp ủy Đảng, chính quyền đã thể hiện sự tập trung cao, sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể được tăng cường gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, tạo thêm động lực thúc đẩy xã hội tham gia thực hiện xã hội hóa công tác khuyến học, khuyến tài.
Đến nay, toàn tỉnh có 2 trung tâm giáo dục thường xuyên, 4 khoa giáo dục thường xuyên trong trường trung cấp chuyên nghiệp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên cấp huyện và 173/173 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng. Hội Khuyến học cấp tỉnh có 11 hội cấp huyện, 171 hội cấp xã, phường, thị trấn và 1.774 chi hội, ban khuyến học cơ sở, với 293.850 hội viên, chiếm tỷ lệ 16,67% dân số; có 395.215 gia đình học tập, 87 dòng học học tập, 407 cộng đồng học tập, 389 đơn vị học tập.
Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; phổ cập giáo dục trung học cơ sở đạt chuẩn mức độ 1; có 11/11 huyện, thị, thành với 173/173 xã, phường, thị trấn tiếp tục đạt chuẩn về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; có 84,02 % người lao động nông thôn tham gia học tập cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao khoa học – công nghệ sản xuất và nghề ngắn hạn có việc làm; có 45% công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng…
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được còn một số hạn chế như: Nhận thức một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở về xây dựng xã hội học tập có lúc, có nơi còn chậm, nhất là những năm đầu thực hiện kế hoạch; hoạt động khuyến học, khuyến tài phát triển chưa đều; sự phối hợp của các thành viên trong Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền một số nơi chưa được cơ sở quan tâm đúng mức; một bộ phận người lao động chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời…
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Thế Đức, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao những kết quả của tỉnh đạt được trong thời gian qua, các chỉ tiêu hoàn thành năm sau cao hơn năm trước, đồng thời ông yêu cầu cần bổ sung thêm mục tiêu xây dựng xã hội học tập, nhiệm vụ, giải pháp; cần tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Đề nghị Ban Tuyên giáo phối hợp Ban Dân vận, các ngành liên quan hàng năm có báo cáo sơ kết, nhằm tạo bước đột phá trong công tác khuyến học, khuyến tài, cung cấp nguồn nhân lực phục vụ yêu cầu địa phương và có những đề xuất, kiến nghị để sau khi Trung ương Tổng kết Chỉ thị có những văn bản chỉ đạo phù hợp hơn.
Ông Võ Văn Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy cho rằng hiện tại nguồn nhân lực, hệ thống chính trị địa phương cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, trình độ học vấn của người dân ngày càng phát triển. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành trong đào tạo, bồi dưỡng nghề chưa được chặt chẽ. Trong thời gian tới, yêu cầu các ngành phối hợp tham mưu giúp Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành văn bản nhằm chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW.
Chiều cùng ngày, đoàn đã đến làm việc với Huyện ủy Gò Công Đông
Nguồn Báo Ấp Bắc
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.