Thủ tướng: Cách mạng công nghệ không chỉ là việc riêng của Chính phủ
“Các Bộ trưởng nhận thức rõ, tránh tình trạng chỗ nào cũng nói 4.0, nhưng hỏi làm gì cho bản thân Bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 sáng 3/4, Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ và đại diện Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam trình bày báo cáo chuyên đề về cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư, hay còn gọi là cuộc cách mạng 4.0. Trong đó nêu ra các thách thức và cơ hội đối với Việt Nam, đề xuất các chính sách và giải pháp để tận dụng các cơ hội này.
Về phần nội dung này, một số chuyên gia kinh tế, lãnh đạo Tập đoàn lớn về công nghệ là Viettel, FPT đã được mời phát biểu ý kiến, nêu quan điểm, góc nhìn, đề xuất chính sách để tận dụng cơ hội, lợi thế đối với cuộc cách mạng 4.0.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, nói về cuộc cách mạng 4.0 thì Việt Nam không bi quan, vì có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng cần làm rõ xem các lợi thế, các thời cơ và thách thức đó là gì mới có thể tham gia cuộc cách mạng này thành công. Do vậy, nhiệm vụ đầu tiên là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Các cấp, ngành, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí, kể cả các tập đoàn, doanh nghiệp, cần làm tốt công tác truyền thông để tăng cường hiểu biết về cuộc cách mạng 4.0. Qua đó làm cho từng người dân, doanh nghiệp, mọi cơ quan, tổ chức đều biết thời cơ và thách thức để có tư duy và biện pháp phù hợp.
4.0 không phải chỉ là việc của riêng Chính phủ hay việc riêng của các viện nghiên cứu, mà đây là việc của toàn xã hội, tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, kể cả chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, an ninh.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Các Viện nghiên cứu, trước hết là hai Viện hàn lâm, các chuyên gia, nhà khoa học, mọi doanh nghiệp và người dân cùng chung tay tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng 4.0, để đổi mới sáng tạo, có nhiều tư duy, sáng tạo mới để đưa đất nước có bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội đất nước”.
Thủ tướng cũng yêu cầu Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh cần có nhận thức toàn diện, chủ động, tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng 4.0; kịp thời đưa ra các cơ chế chính sách liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 một cách đồng bộ, xuyên suốt và mang tính liên ngành trong chính sách tổng thể phát triển kinh tế xã hội.
Cho rằng nòng cốt của công nghiệp 4.0 là công nghệ thông tin, do đó Thủ tướng giao cho Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin thêm một nhiệm vụ là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp nhằm phát huy những ưu thế của công nghệ thông tin, tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp 4.0. Nhất là công nghệ thông tin là thế mạnh của nước ta.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng, các tập đoàn phải đi đầu, tận dụng cơ hội của 4.0 để phát triển đất nước.
Đối với các thành viên Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai các nhiệm vụ một cách quyết liệt và chủ động. Trong đó có việc đánh giá hiện trạng, rà soát, lồng ghép các nội dung triển khai liên quan đến 4.0 trong chiến lược phát triển của bộ, ngành mình; xây dựng chính sách pháp luật, quy hoạch phát triển, lựa chọn đề xuất sản phẩm chiến lược.
Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục – Đào tạo và Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cần đào tạo để có đội ngũ chuyên gia giỏi, đáp ứng yêu cầu 4.0; đào tạo nghề, chủ động chuyển đổi nghề để công nhân không bị thất nghiệp trong bối cảnh cách mạng 4.0.
“Tôi đề nghị các Bộ trưởng cần nhận thức rõ, tập trung hơn vào việc này, tránh tình trạng chỗ nào cũng nói 4.0, nhưng hỏi làm gì cho bản thân bộ mình, ngành mình thì không ai biết rõ ràng”, Thủ tướng nói.
Trong quá trình thực hiện 4.0 cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ về thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế cùng phát triển để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Vinasa, các tập đoàn lớn theo dõi tình hình triển khai; hàng năm xây dựng báo cáo kết quả thực hiện, kể cả việc đôn đốc, đề xuất thể chế, đặc biệt là cùng các viện, tập đoàn đề xuất xử lý các vấn đề bức xúc hiện nay trong công cuộc cách mạng 4.0 mạnh mẽ, quyết liệt. Cuối năm nay sẽ có những tổng kết, đánh giá xem việc triển khai cách mạng 4.0 đã đạt được gì và cần tiếp tục có những biện pháp để triển khai hiệu quả./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.