Nông nghiệp Tiền Giang tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế

Ảnh Duy Bằng.
                                              Ảnh: Duy Bằng.

           Trong cuộc họp trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành Nông nghiệp trong năm 2013 vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Trong tình hình khó khăn hiện nay, nông nghiệp tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế”. Với Tiền Giang, là tỉnh thuần nông, sự khẳng định đó càng xác lập đúng đắn. Nông nghiệp Tiền Giang trong năm qua tiếp tục góp công lớn vào kim ngạch xuất khẩu, duy trì tốc độ tăng trưởng cho nền kinh tế của  tỉnh.

NỖ LỰC VÀ KẾT QUẢ

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 890 triệu USD, tăng 9,7% so với năm 2011. Trong đó, xuất khẩu nông, thủy sản chiếm 50% trong cơ cấu ngành, nghề xuất khẩu của tỉnh. Đây là kết quả đáng trân trọng trong kiều kiện sản xuất nông nghiệp đã vượt qua nhiều khó khăn do mưa lũ kéo dài; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; sự biến động của tăng giá vật tư đầu vào sản xuất…

Trong sản xuất lương thực, tình hình dịch bệnh trên cây lúa không đáng kể, sản xuất tiếp tục đảm bảo với sản lượng cả năm đạt 1,37 triệu tấn, bằng 102,8% năm 2011. Đối với cây ăn trái, ngoài cây nhãn đang bị dịch “chổi rồng” hoành hành, tình hình sản xuất các loại cây ăn trái khác vẫn phát triển tốt với sản lượng trái thu hoạch tăng 7,4 % so với năm 2011.

Ngành Chăn nuôi có một năm không “dễ thở” do bệnh tai xanh trên heo vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số nơi; bệnh lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Mặt khác, đầu năm, trước thông tin chất tăng trọng trong thịt heo dẫn đến người tiêu dùng “tẩy chay”, trong khi giá cả thức ăn đầu vào liên tục tăng và ở mức cao, nhiều người nuôi thua lỗ phải “treo” chuồng. Thế nhưng, càng về cuối năm, ngành Chăn nuôi dần có dấu hiệu phục hồi nên sản lượng cả năm tăng so với năm trước.

Lao đao nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Những tháng đầu năm, dịch bệnh trên tôm bùng phát trên diện rộng (chủ yếu bệnh gan tụy, bệnh đốm trắng) với diện tích bị thiệt hại lên đến 841 ha, chiếm 31,8% diện tích nuôi, ước tính tổn thất trên 54 tỷ đồng. Chính sách hỗ trợ chưa đến được phần lớn người nuôi do những vướng mắc về thủ tục, nông dân thiếu vốn sản xuất. Ngoài ra, giá cả vật tư đầu vào, thức ăn chăn nuôi thủy sản liên tục tăng ảnh hưởng đến giá thành sản xuất.

Dù vậy, do công tác phòng, chống được tập trung, thực hiện đồng bộ các giải pháp đã làm giảm thiệt hại đến mức thấp nhất và khôi phục dần lại sản xuất trong những tháng còn lại của năm. Từ đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản vẫn duy trì phát triển ổn định với diện tích nuôi tăng 2,7%. Sản lượng khai thác tuy không đạt kế hoạch đề ra nhưng nhờ sản lượng nuôi trồng tăng dẫn đến tổng sản lượng thủy sản cả năm vẫn tăng 1,74% so với cùng kỳ năm trước.

Từ đó cho thấy, những nỗ lực của ngành Nông nghiệp và nông dân mang lại kết quả đáng khích lệ, góp phần tăng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư nghiệp 5,8%, đóng góp rất lớn vào nền kinh tế của tỉnh.

NHÂN RỘNG NHỮNG ĐIỂM SÁNG

Song song với khắc phục khó khăn, đảm bảo năng suất sản xuất, ngành Nông nghiệp không ngừng quan tâm triển khai các mô hình sản xuất theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững. Trong đó, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nông dân đầu tư cơ giới vào sản xuất; nông dân quan tâm nhiều đến sử dụng giống lúa nguyên chủng, xác nhận, áp dụng các biện pháp kỹ thuật sạ thưa; sử dụng giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản có nguồn gốc sạch bệnh…mang lại hiệu quả tốt.

Đặc biệt trong năm, mô hình “Cộng đồng sử dụng công nghệ sinh thái để quản lý rầy nâu, bệnh virus trên lúa” tiếp tục được triển khai và nhân rộng lên 37 mô hình ở khắp các huyện, thị, thành trong tỉnh với diện tích 663 ha. Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” được thực hiện và nhân rộng mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân.

Thu hoạch tôm - xã Tân Phú Đông. Ảnh: Nhất An
Thu hoạch tôm – xã Tân Phú Đông. Ảnh: Nhất An

Nhiều mô hình GAP trên cây trồng tiếp tục được xúc tiến và một số mô hình trong số đó đã được chứng nhận như thanh long (Chợ Gạo); xoài cát Hòa Lộc (Cái Bè); chôm chôm Java, nhãn tiêu da bò (Cai Lậy) và rau (TX. Gò Công) đạt chứng nhận VietGAP… Một số mô hình đạt chứng nhận GAP đã tìm được đầu ra, nông dân rất phấn khởi. Hiện nay, Chi cục Bảo vệ thực vật đang triển khai tiếp 1 mô hình sản xuất thanh long an toàn theo hướng GAP với quy mô 5 ha ở xã Đồng Sơn (Gò Công Tây); trồng ngò gai theo hướng an toàn VietGAP ở xã Phú Kiết (Chợ Gạo). Trong thủy sản, các mô hình tôm-lúa hiệu quả tiếp tục được nhân rộng với quy mô lên đến hàng trăm ha, tập trung nhất là ở huyện Tân Phú Đông.

Từ những kết quả đạt được và những khó khăn đang đối mặt, ngành Nông nghiệp định hướng trong năm 2013 cũng như những năm tiếp theo là phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, ngành chú trọng công tác giống; nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn; cung cấp nguyên liệu cho ngành Công nghiệp chế biến để hình thành chuỗi giá trị  kết nối với các vùng, cả nước đối với các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như lúa gạo, trái cây, con tôm…

Các giải pháp áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, công nghệ sinh học; xuống giống tập trung né rầy… tiếp tục duy trì và đẩy mạnh. Tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa việc đẩy mạnh cơ giới hóa trước, trong và sau thu hoạch; triển khai, nhân rộng mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” theo tiêu chuẩn GAP, mở rộng gắn kết với doanh nghiệp từ đầu tư đến bao tiêu sản phẩm.

Đối với cây ăn trái, hướng chủ yếu là tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh bằng giải pháp sinh học; nhân rộng các mô hình hiệu quả, trong đó chú trọng đến các cây trồng chủ lực của tỉnh. Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc tái cấu trúc lại ngành theo hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại, an toàn sinh học là ưu tiên hàng đầu.

Còn thủy sản, công tác trọng tâm là nâng cao ý thức người dân trong khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản và đánh bắt xa bờ; đồng thời đa dạng hóa các đối tượng nuôi trồng; khuyến khích phương thức nuôi công nghiệp, áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng tốt.

Theo dự báo, trong năm 2013, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Nông nghiệp sẽ tiếp tục là “giá đỡ” cho nền kinh tế. Thực hiện nhiệm vụ này, ngành Nông nghiệp Tiền Giang đề ra mục tiêu phấn đấu tăng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, ngư từ 5 – 5,5% so với năm 2012. Với hướng đi đó cho thấy ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải càng có ý nghĩa với Tiền Giang: Nông nghiệp tiếp tục là trụ cột của nền kinh tế.