Mừng thọ đầu Xuân – nét đẹp văn hóa Việt

Mừng thọ đầu xuân là biểu hiện của nét văn hóa kính già, trọng lão trong đạo lý sống của người Việt Nam ta.

Dù trời mưa, nhưng tất cả con cháu của cụ bà Phạm Thị Mai, thôn Cộng Hòa, xã Đông quang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vẫn tề tựu đông đủ để tổ chức mừng thọ cụ. Cụ Mai có 6 người con, nhưng 5 con của cụ đều phương trưởng ở nơi xa, cụ ở quê nhà với người con trai trưởng. Ở tuổi 95, cụ có 14 cháu, và 12 chắt, Các cháu của cụ đều trưởng thành.

Mừng cụ được đại thọ, tất cả con cháu từ Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh đều về từ sớm, mỗi người một việc từ quét dọn nhà cửa, chuẩn bị phông bạt, bàn ghế, chuẩn bị bữa cơm gia đình để lễ mừng thọ cụ được tươm tất. Không mâm cao, cỗ đầy, sang trọng, xa hoa, nhưng tiếng cười nói vui vẻ và những lời chúc tốt đẹp của con cháu xa gần đã làm không khí Xuân trở nên ấm áp lạ thường.

Đối với bà Vũ Minh Hiền, người con thứ 3 của cụ thì đây là dịp để con báo hiếu ông bà, cha mẹ, nhắc nhở các thế hệ cháu con không ngừng phấn đấu, sống có trách nhiệm để các cụ luôn sống vui, sống khỏe, làm chỗ dựa tinh thần cho con cháu.

Việc mừng thọ đầu năm được tổ chức trang trọng, đầm ầm ở nhiều gia đình, khu dân cư, xã, phường (ảnh minh họa: internet)

Dù đã gần 100 tuổi, nhưng cụ Phạm Thị Mai vẫn còn rất minh mẫn. Cụ vẫn tự nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa mà chưa cần phải con cháu phục vụ. Đến giờ, cụ vẫn là chỗ dựa tinh thần khi là người truyền dạy kho kinh nghiệm sống cho con cháu. Nụ cười móm mém khi nhận lời chúc phúc của cháu con cho thấy niềm hạnh phúc viên mãn thể hiện “Đại hồng phúc” của toàn gia đình như đặc ân mà người xưa thường gọi là trời ban tặng. Đối với cụ, tấm lòng của con cháu là món quà tinh thần vô giá.

Thời điểm đầu Xuân này, tại nhiều địa phương, chính quyền các cấp cũng quan tâm tổ chức mừng thọ cho những người cao tuổi. Đây đã trở thành nét văn hóa kính già, trọng lão trong đạo lý sống của người dân Việt Nam. Tại Thái Bình, việc mừng thọ được tổ chức trang trọng đầm ấm tại nhiều huyện, xã, phường. Không tổ chức lễ nghi, tốn kém, lễ mừng thọ người cao tuổi tại các địa phương đơn giản nhưng trang trọng, đầm ấm thể hiện tấm lòng hiếu thảo, sự kính trọng của con cháu đối với các bậc cao niên.

Ông Bùi Quang Vượng, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Đông Quang, huyện Đông Hưng cho biết hàng năm xã vẫn tổ chức mừng thọ cho các cụ ở độ tuổi 70 ,75, 80, 85, 90, 95, 100 và trên 100. Năm Quý Tỵ xã có 92 cụ được mừng thọ, cao tuổi nhất là 102 và 104. Lãnh đạo xã và gia đình tỏ tấm lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, tôn vinh người cao tuổi làm sao các cụ sống vui, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Khi người già có mặt trong nhà với con cháu đó là niềm hạnh phúc lớn, là một kho kinh nghiệm sống để lưu lại cho con cháu. Ngày nay, khi lễ mừng thọ trở thành tục lệ thì hình thức mừng thọ nhiều nơi thay đổi ít nhiều, có khi biến tướng theo tính thương mại.

Tuy nhiên, lòng hiếu thảo không căn cứ vào mâm cao, cỗ đầy hay giá trị vật chất mà đặt lên trên hết là tình cảm gia đình, giáo dục con cháu bổn phận ăn ở có trước, có sau, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, hiếu lễ với ông bà, cha mẹ, nhân lên nét đẹp văn hóa “kính già, trọng lão” trong cộng đồng./.