Hơn 83.860 lượt khách vào thăm di tích Cố đô Huế

     Ngày 18/2, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết trong chín ngày, từ 9-17/2 (tức 30 tháng Chạp đến mồng 8 Tết Quý Tỵ) đã có hơn 83.860 lượt khách vào thăm di tích Cố đô Huế; trong đó có gần 29.000 khách nước ngoài, với tổng doanh thu bán vé vào cửa đạt hơn 4 tỷ đồng, tăng khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong dịp Tết Nguyên đán, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, vui chơi giải trí và các trò chơi cung đình và dân gian; trình diễn thư pháp, trình diễn võ thuật, biểu diễn lân sư rồng… tại khu vực Đại Nội để thu hút du khách.

 

 Khách du lịch nước ngoài tham quan Lăng Tự Đức.
(Ảnh: Quốc Việt/Vietnam+)

Nhiều hoạt động mới, được tổ chức hết sức công phu như lễ dựng cây Nêu (lễ Thướng Tiêu dưới triều Nguyễn), một nghi lễ đầy ý nghĩa trong đời sống tâm thức của người Việt được tái hiện tại cửa Hiển Nhơn đến Thế Miếu, gây sự chú ý đặc biệt cho du khách.

Chị Nguyễn Thị Thảo từ Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan Đại Nội cho biết ngoài việc được chiêm ngưỡng vẻ đồ sộ của thành quách cố đô, chị còn hết sức thích thú bởi lần đầu được chứng kiến các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế tổ chức buổi lễ đổi gác, tái hiện một đám rước nhỏ gồm quan và lính ngự đi từ cửa Hiển Nhơn ra cửa Ngọ Môn thực hiện nghi thức đổi phiên gác.

Nhiều hoạt động khác như biểu diễn lân sư rồng, tại sân điện Thái Hòa; sân khấu Quảng trường Ngọ Môn cũng hết sức phong phú, thu hút và làm say lòng khách thập phương.

Trong tiến trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Huế, ngoài việc bảo tồn các giá trị vật thể về các công trình kiến trúc thì việc khôi phục lễ dựng cây Nêu, hoặc các hoạt động trong cung cấm của triều Nguyễn xưa trong những ngày Tết đến Xuân về, ngoài ý nghĩa thu hút khách tham quan, còn góp phần vào việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của vùng đất Cố đô.

Ngoài ra, Trung tâm còn phục chế một số trang phục quan, lính để thực hiện một phiên lễ đổi gác, hoặc trang phục áo, mão Trấn thủ Bát dật Võ và áo, mão Giao lĩnh Bát dật Văn để biểu diễn Nhã nhạc phục vụ cho công tác nghiên cứu và biểu diễn tại nhà hát Duyệt Thị Đường – Đại Nội Huế, nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị về Nhã nhạc cũng được phục dựng hết sức công phu, trước khi đưa lên sân khấu phục vụ công chúng.

Ông Hồ Tấn Phan, nhà nghiên cứu văn hóa Huế chia sẻ như vậy…./.