Khai mạc phiên họp thứ 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Sáng 15/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khai mạc phiên họp thứ 10 với nhiều nội dung quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: quochoi.vn)
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, diễn ra trong 3 ngày làm việc (từ 15-17/5), tại phiên họp này UBTVQH sẽ xem xét, thảo luận, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV.
UBTVQH sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu chỉnh lý (lần 3) dự án Luật bổ sung, sửa đổi một số điều của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) số 100/2015/QH13 và dự thảo nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và quyết toán ngân sách nhà nước 2015.
UBTVQH cho ý kiến về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào về việc sửa đổi điểm khởi đầu của đường biên giới quốc gia Việt Nam- Lào; việc phê chuẩn Nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
UBTVQH sẽ cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
UBTVQH cho ý kiến về báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội; dự thảo Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân và xem xét để trình ra Quốc hội.
UBTVQH cũng cho ý kiến về tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành Tiểu dự án để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Các thành viên UBTVQH sẽ thảo luận về việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Võ Kim cự- đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh.
Cũng tại phiên họp này, UBTVQH sẽ cho ý kiến về dự thảo Nghị định của chính phủ quy định một số cơ chế chính sách Tài chính- Ngân sách đặc thù đối với thành phố Hải phòng.
Ngay sau khai mạc, UBTVQH thảo luận về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; đánh giá tình hình triển khai những tháng đầu năm nay.
Báo cáo của Chính phủ đánh giá: năm 2016, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm; trong bối cảnh ngành khai khoáng sụt giảm mạnh và nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề, tăng trưởng kinh tế tuy không đạt kế hoạch nhưng duy trì mức tăng trưởng cao hơn các nước đang phát triển ở châu Á và khu vực Đông Nam Á. Động lực tăng trưởng chung của nền kinh tế tiếp tục được hội tụ từ đà tăng trưởng tốt của công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ. Tín dụng tăng trưởng khá, dự trữ ngoại hối tăng đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Thu ngân sách nhà nước đạt mục tiêu đề ra. Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh nhờ môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc, lần đầu tiên có trên 110.100 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 891 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay…
Báo cáo cũng nêu rõ, tình hình kinh tế – xã hội 4 tháng đầu năm 2017 đã có nhiều cải thiện. Kinh tế diễn biến theo chiều hướng tích cực, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; tín dụng tăng cao; lãi suất ngân hàng được giữ ổn định. Tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục phục hồi, nhất là sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu tăng nhẹ so với Quý 1/2017; dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực; du lịch có khởi động tốt cho những tháng cao điểm. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng khá cao; môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện…
Để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm 2017, báo cáo của Chính phủ nêu rõ cần tập trung vào các giải pháp nhanh như: Thực hiện việc tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước, nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu.
Khẩn trương rà soát tất cả các dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động, các dự án đang còn vướng mắc (như dự án Formosa) nhằm tập trung xử lý dứt điểm, chủ động tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để nhanh chóng đưa dự án vào hoạt động; tạo điều kiện về mặt thủ tục, đất đai, lao động… để các dự án đã đăng ký nhanh chóng giải ngân, đưa vốn vào nền kinh tế.
Khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện các dự án lớn, trọng điểm của quốc gia, tạo cú huých trong đầu tư và tăng trưởng như dự án Cao tốc Bắc – Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự án chống ngập Thành phố Hồ Chí Minh, đường ven biển… đây là các dự án có tính lan tỏa lớn, cần sớm được triển khai để thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân và FDI.
Thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng cho vay nông nghiệp công nghệ cao, một phần đưa thêm vốn đầu tư vào nền kinh tế, một phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, gắn công nghệ cao với tiến bộ quản lý, quy mô sản xuất và giải quyết tốt vấn đề thị trường…
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến tán thành kết quả đạt được trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 trên các lĩnh vực như báo cáo Chính phủ đã nêu, song nhiều ý kiến đánh giá kinh tế – xã hội nước ta vẫn bộc lộ nhiều khó khăn, thách thức.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu thẳng thắn nêu rõ tình hình kinh tế – xã hội còn một số bất cập. Theo ông, “báo cáo của Chính phủ chưa tính toán được tác động của câu chuyện giá thịt lợn đến GDP, chưa tính toán được đầy đủ những mất mát, thiệt hại của người nông dân. Phải xác định được nông nghiệp trong giai đoạn tới là nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm sạch, an toàn thân thiện với môi trường, nông nghiệp cạnh tranh chứ không phải kiểu nông nghiệp “cò bay thẳng cánh” như cách đây 80 năm”.
Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng cho rằng, giải cứu là hành động đương nhiên của Chính phủ để giúp dân vượt qua khó khăn trong những hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên nếu Chính phủ giải cứu quá nhiều, giải cứu trong những trường hợp thông thường (không phải là giải cứu trong những tình huống đột xuất như do tác động của thiên tai, chiến tranh, thảm họa…) thì chưa đúng tầm do đó cần phải xem xét lại trong điều hành kinh tế vĩ mô, chúng ta đã thực hiện tốt công tác dự báo tình hình hay chưa.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị, báo cáo của Chính phủ cần có đánh giá thêm về lĩnh vực xã hội. “Các lĩnh vực y tế, giáo dục, an sinh xã hội… thời gian qua có rất nhiều thành tựu. Bên cạnh đó cũng còn những mặt hạn chế, yếu kém người dân chưa hài lòng cần đánh giá đầy đủ, có giải pháp khắc phục” – Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu ý kiến./.
Nguồn ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.