Đầu năm, rộn ràng trẩy hội du xuân

      Mùa xuân, khi trời đất giao hòa, lòng người hân hoan cũng là lúc tiếng trống hội xuân từng bừng, rộn rã trên các miền quê mời gọi, hướng lòng người đến với những mái chùa, ngôi đền, sân đình bằng những nghi thức tôn nghiêm, cầu mong một năm mới “quốc thái dân an”, mùa màng tươi tốt.

 

 Nô nức, tấp nập thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội những ngày đầu xuân Quý Tỵ 2013 (Ảnh: HNV)

Là một quốc gia đã có hàng nghìn năm lịch sử, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam có một nền văn hóa mang bản sắc riêng. Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam, sinh hoạt lễ hội là vùng văn hóa rất đặc trưng. Lễ hội là sinh hoạt văn hóa dân gian hầu như có mặt ở khắp mọi miền đất nước. Nhiều lễ hội ra đời cách đây hàng nghìn năm đến nay vẫn được duy trì. Lễ hội ở Việt Nam bao giờ cũng hướng tới một đối tượng thiêng liêng cần suy tôn là nhân thần hay nhiên thần. Đó chính là hình ảnh hội tụ những phẩm chất cao đẹp nhất của con người. Giúp con người nhớ về nguồn cội, hướng thiện và nhằm tạo dựng một cuộc sống tốt lành, yên vui.

Trong số các lễ hội Việt Nam thì phải kể đến những lễ, hội chi phối hầu hết các gia đình trên mọi miền tổ quốc, đó là Tết Nguyên đán, lễ Vu Lan và tết Trung thu. Gần đây, một số lễ hội được nhà nước và nhân dân quan tâm như: Lễ hội đền Hùng, Giáng sinh, Phật đản… Một số lễ hội ảnh hưởng cả một vùng rộng lớn, tiêu biểu như: hội Gióng, hội Lim (xứ Kinh Bắc), hội đền Hùng (Xứ Đoài), lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, lễ hội bà chúa Xứ (An Giang), Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng…

Ngay từ sáng 15/2/2013 (tức mùng 6 tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013), Lễ hội chùa Hương 2013, lễ hội lớn kéo dài 3 tháng với chủ đề “Nét đẹp truyền thống văn hóa Việt”, chính thức khai hội tại sân Thiên Trù, chùa Hương, huyện Mỹ Đức – Hà Nội. Thống kê của Ban Quản lý chùa Hương cho thấy, chỉ riêng trong 5 ngày đầu năm, danh thắng chùa Hương đã đón hơn 70.000 lượt du khách về trẩy hội và lễ chùa. Dự kiến lượng khách đến lễ hội chùa Hương năm nay sẽ tăng khoảng 8% so với năm ngoái, tức khoảng 1,5 triệu lượt người. Đây cũng là lễ hội mở màn cho chuỗi sự kiện hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng trên địa bàn thủ đô với điểm nhấn là chương trình văn hóa văn nghệ, múa rồng, múa lân, bên cạnh đó là lễ phóng sinh trên suối Yến, triển lãm ảnh “Những ngôi chùa Việt cổ” cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.

Cùng ngày, tại sân Trung tâm hội nghị văn hóa tỉnh Điện Biên đã diễn ra Giao lưu Hội xuân các dân tộc tỉnh Điện Biên với sự tham dự của gần 300 nghệ nhân và 12 đoàn Văn hóa thể thao quần chúng của 9 thành phố, thị xã và huyện trong toàn tỉnh. Sau khi tổ chức Lễ diễu hành văn hóa đường phố qua nhiều tuyến phố của thành phố Điện Biên Phủ, chân Tượng đài Chiến Thắng về Trung tâm hội nghị văn hóa tỉnh, các đoàn Văn hóa thể thao quần chúng đã tham gia biểu diễn một chương trình văn nghệ đặc sắc mang đậm bản sác văn hóa của dân tộc mình, các trò chơi dân gian như tung còn, ném Pa Pao, nhảy sạp với vòng xòe cộng đồng; thi tài trong các môn: thi giã bánh dày của dân tộc Mông, Tù lu, kéo co, đẩy gậy, múa khèn, chế biến ẩm thực…

Cũng trong ngày mùng 6 tết, đông đảo tăng ni, phật tử, khách thập phương ở trong và ngoài nước đã về dự khai hội chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình – ngôi chùa có lịch sử hơn 1.000 năm tuổi, là nơi Đinh Tiên Hoàng lập đàn tế trời cầu cho mưa thuận, gió hòa; vua Quang Trung cũng đã chọn nơi đây để thực hiện nghi lễ tế cờ, động viên quân sĩ trước khi tiến ra Thăng Long đại phá quân Thanh xâm lược.

Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 6 Tết hàng năm, người dân Thái Nguyên lại đổ về huyện Phú Lương để tham dự Lễ hội Xuân Đền Đuổm. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên tưởng nhớ và tôn vinh Danh nhân lịch sử Dương Tự Minh – người có công lao to lớn trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ vững chắc biên cương phía Bắc của Tổ quốc Đại Việt dưới các triều vua Lý. Hội Đền Đuổm năm nay được tổ chức thành hai phần gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ do người dân trong huyện đảm nhiệm. Đúng 8 giờ sáng, đoàn dâng lễ khăn áo chỉnh tề đội cỗ, hương, hoa… dâng từ thủy Đền lên đến Đền chính. Ngay sau phần lễ là đến phần hội với nhiều trò vui sôi nổi được diễn ra như tung còn, kéo co, trình diễn trang phục dân tộc, bắt lươn trong chum, biểu diễn văn nghệ… Ngoài những nghi lễ và trò chơi dân gian, hội Đuổm năm nay còn có thêm các gian trưng bày sản vật của 16 xã, thị trấn trong huyện như: bánh chưng, gạo nếp, gạo tẻ, chè, nấm, mật o­ng… thu hút đông đảo người đến tham quan và mua sắm.

Mùng 6 tết cũng ghi nhận sự kiện khai hội chùa Hương Tích, mở đầu Năm du lịch Hà Tĩnh 2013; Lễ hội kỷ niệm 586 năm Chiến thắng Xương Giang, tưởng nhớ công ơn to lớn của các nghĩa sỹ trong trận chiến lịch sử Chi Lăng – Xương Giang (Bắc Giang) và Lễ hội truyền thống Cổ Loa (Hà Nội) với sự tham gia của cụm tám làng (ngày trước gọi là Bát xã) gồm: Ðài Bi, Sàn Dã, Cầu Cả, Mạch Tràng, Văn Thượng, Thư Cưu, Cổ Loa, Xép nhằm tưởng nhớ Thục Phán An Dương Vương – Người có công xây thành và dựng nước.

 

 Du khách thập phương và người dân địa phương thành kính tại Đền thờ bà thủy tổ quan họ Bắc Ninh (Ảnh: HNV)

Có một lễ hội hiện cũng đang rất thu hút sự quan tâm của du khách thâp phương, đó là lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh). Khác với thường lệ, Lễ hội xuân Yên Tử 2013 được khai mạc vào ngày 18/2 (tức 9 tháng giêng âm lịch) – sớm hơn 1 ngày so với mọi năm (thường là mùng 10 tháng giêng âm lịch mới khai hội). Lý giải cho việc khai hội sớm hơn này, Ban Tổ chức lễ hội cho biết muốn gắn khai hội với lễ đón nhận bằng di tích quốc gia đặc biệt của Thủ tướng cho Di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử – “cõi linh thiêng Yên Tử” – từng được coi là Trung tâm Phật giáo Việt Nam, với Thiền phái Trúc Lâm nổi tiếng do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập và cũng là đệ nhất sư tổ. Trước đó, từ 1 đến mùng 6 tết năm Quý Tỵ 2013, di tích linh thiêng Yên Tử đã đón trên 150.000 khách – tăng khoảng 10% so với cùng kỳ 2012…

Những lễ hội xuân đang rộn ràng khắp chốn, hứa hẹn một đời sống văn hóa tinh thần phong phú và đa dạng đang chờ đợi các du khách thập phương thưởng ngoạn và khám phá. Vài ngày nữa thôi, một loạt các lễ hội độc đáo và đặc sắc sẽ khai hội, như: Hội Lim Bắc Ninh (khai hội 13 tháng giêng), khai ấn đền Trần Nam Định (15 tháng giêng)… Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui chung trẩy hội du xuân, chúng ta cũng phải luôn ý thức giữ gìn môi trường cảnh quan chung của lễ hội, đồng thời đảm bảo tiến độ công việc ngay từ đầu năm, sắp xếp, bố trí thời gian công tác hợp lý, hiệu quả để niềm vui xuân được trọn vẹn./.