Chia sẻ kinh nghiệm phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam
Trong chương trình làm việc của Hoàng hậu Hà Lan Maxima, Đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ về phát triển tài chính toàn diện (UNSGSA) tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức cuộc tọa đàm “Chiến lược quốc gia về phát triển tài chính toàn diện” vào chiều 1/6.
Ảnh: VGP/Huy Thắng |
Hoàng hậu Hà Lan Maxima và Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đồng chủ trì buổi toạ đàm.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, Việt Nam quan tâm triển khai nhiều giải pháp chính sách phát triển tài chính toàn diện. Việt Nam cũng đang thực hiện thành công công cuộc giảm nghèo; luôn gắn liền tăng trưởng kinh tế với nỗ lực giảm tỷ lệ nghèo đói. Nhưng Việt Nam vẫn còn tỷ lệ tương đối cao người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa chưa tiếp cận được tài chính toàn diện. Do đó, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm thúc đẩy tài chính toàn diện với vai trò điều phối của NHNN.
Việt Nam đang bắt đầu xây dựng và triển khai tài chính toàn diện vì lĩnh vực này có vai trò quan trọng trong việc giúp xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội và tăng trưởng bền vững. Tài chính toàn diện có ý nghĩa cụ thể, thiết thực đối với nhiều lĩnh vực trọng tâm ưu tiên hiện nay của Việt Nam như tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện đời sống cho người nghèo nông thôn, tăng cường vai trò của phụ nữ trong nền kinh tế…
NHNN đã triển khai nhiều hoạt động liên quan đến tài chính toàn diện như tín dụng vi mô, tín dụng nông nghiệp công nghệ cao, tín dụng chính sách. Trong quá trình NHNN cùng các bộ, ngành liên quan đang xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, thì việc tiếp thu học hỏi kinh nghiệm quốc tế rất quan trọng.
Hiện tại, NHNN đang tích cực tham gia các chương trình, diễn đàn hợp tác về tài chính toàn diện của Quỹ Đầu tư phát triển LHQ (UNCDF); tiến hành thủ tục tham gia Liên minh Tài chính toàn diện (AFI); đưa chủ đề tài chính toàn diện vào nội dung thảo luận trong khuôn khổ ASEAN và APEC (với tư cách nước chủ nhà APEC 2017); triển khai các chương trình, dự án về tài chính toàn diện của WB, ADB; tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức và kiến thức về tài chính toàn diện… Đồng thời tích cực hoàn thiện lộ trình xây dựng Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện.
Ảnh minh họa |
Tại cuộc tọa đàm, đại diện các đơn vị của NHNN, các cơ quan chức năng của các bộ, ngành có liên quan của Việt Nam và chuyên gia tài chính của LHQ đã tập trung trao đổi các nội dung xung quanh việc xây dựng khuôn khổ chiến lược cho tài chính toàn diện tại Việt Nam. Trong đó thảo luận cách tiếp cận và phương pháp xây dựng và triển khai, gồm xác định tầm nhìn, mục tiêu và các trụ cột dự kiến, cách thức huy động và phân bổ nguồn lực và thiết lập cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan.
Ngoài ra, các chuyên gia và phía Việt Nam cũng trao đổi về những khó khăn và thách thức mà Việt Nam có thể gặp phải trong quá trình xây dựng và triển khai khuôn khổ chiến lược nhằm đưa ra giải pháp khắc phục phù hợp như: Nâng cao và tăng cường kiến thức và nhận thức của xã hội về tài chính toàn diện; bảo đảm cam kết theo đuổi và thực hiện chiến lược liên tục và lâu dài của tất cả các bên liên quan, xây dựng cơ sở dữ liệu về tài chính toàn diện; phát triển cơ sở hạ tầng tài chính phù hợp và đồng bộ làm nền tảng thúc đẩy tài chính toàn diện.
Hoàng hậu Hà Lan Maxima cũng chia sẻ một số kinh nghiệm hướng đến mục tiêu triển khai thành công về tài chính toàn diện tại Việt Nam của một số quốc gia, đặc biệt trong khu vực ASEAN như Malaysia, Indonesia và một số nước châu Phi như Nam Phi, Kenya, Tanzania…
Đặc biệt, Hoàng hậu nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các cơ quan, bộ ngành, các hiệp hội, tổ chức chính trị xã hội liên quan trong việc phối hợp với NHNN tham gia sâu rộng và hiệu quả vào quá trình xây dựng và triển khai chiến lược về tài chính toàn diện, trong đó có lĩnh vực tài chính-ngân hàng, nông nghiệp-nông thôn, giáo dục đào tạo, thông tin truyền thông…
Các bên cũng thảo luận về một số lĩnh vực mà Việt Nam dự kiến ưu tiên thúc đẩy hơn nữa trong khuôn khổ chiến lược này như: Tăng cường tiếp cận vốn cho nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ, người nghèo nông thôn và giải pháp để ngành ngân hàng phát huy vai trò và đóng góp nhiều hơn để thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.
Trên cơ sở các nội dung hữu ích thu được từ tọa đàm và các kết quả nghiên cứu, NHNN với vai trò là cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì về tài chính toàn diện tại Việt Nam sẽ phối hợp với các bên liên quan xây dựng khuôn khổ Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, nghiên cứu thiết lập cơ chế chỉ đạo và phối hợp cấp quốc gia, huy động và phân bổ nguồn lực để thực hiện.
Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường tham gia vào các chương trình, diễn đàn quốc tế về tài chính toàn diện, đẩy mạnh hợp tác về tài chính toàn diện trong khuôn khổ APEC, ASEAN và với các đối tác phát triển như WB, ADB, UN nhằm huy động và tận dụng nguồn lực kỹ thuật và tài chính để triển khai tài chính toàn diện thành công tại Việt Nam.
Nguồn Chính phủ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.