Mỹ củng cố quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương
Ngày 24/2, tân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã bắt đầu chuyến công du châu Âu và Trung Đông kéo dài tới 11 ngày. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Kerry kể từ khi nhậm chức. Chuyến đi này cho thấy Nhà Trắng ưu tiên duy trì quan hệ vững mạnh với các đồng minh hàng đầu tại châu Âu và cải thiện quan hệ với các quốc gia Arab – một điểm tương đối khác so với chính sách ưu tiên khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ dưới thời cựu Ngoại trưởng Hilary Clinton.
Những thất bại trong chính sách châu Âu
Theo các chuyên gia phân tích, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với các nước châu Âu là cực kỳ quan trọng đối với Mỹ về mặt an ninh và kinh tế. Hầu hết các đồng minh thân cận nhất của Mỹ đều nằm ở châu Âu.
Ngoại trưởng John Kerry (trái) tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius ngày 27/2 (Ảnh AP) |
Trong hơn 63 năm qua, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), một tổ chức an ninh tập thể có sự tham gia của cả Mỹ và nhiều nước châu Âu, đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình và an ninh ở châu Âu và trên thế giới.
Về mặt kinh tế, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Năm 2011, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Mỹ và EU lên tới 444,8 tỷ euro, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang EU là 184,2 tỷ euro.
Mặc dù quan trọng như vậy nhưng kể từ khi nhậm chức, có vẻ như Tổng thống Barack Obama không chú trọng nhiều tới quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương.
Châu Âu chưa bao giờ chiếm vị trí hàng đầu trong chính sách đối ngoại của chính quyền Mỹ. Điều này thể hiện rõ nét trong thông điệp liên bang năm 2013 của nhà lãnh đạo này hôm 12/2. Trong bài phát biểu kéo dài 1 giờ này, Tổng thống Obama chỉ nhắc tới từ “châu Âu” một lần và thậm chí, không lần nào nhắc tới cụm từ NATO.
Mặt khác, trong số các đối tác ở châu Âu, Mỹ có mối quan hệ rất chặt chẽ với Anh. Nhiều người cho rằng Mỹ chỉ có ảnh hưởng lớn tới các vấn đề của châu Âu khi duy trì được mối quan hệ vững chắc với Anh. Vì vậy, có thể nói, sự can dự của Mỹ vào châu Âu được đánh giá thông qua sức mạnh của mối quan hệ Anh-Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ này gần như nguội lạnh trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama.
Điều này một phần có thể do trong những năm gần đây, vị thế của châu Âu trên trường quốc tế đang ngày càng mờ nhạt do các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay.
Các cuộc khủng hoảng này không chỉ làm suy yếu hầu hết các nền kinh tế ở châu Âu mà còn ảnh hưởng tới khả năng can dự của châu Âu vào các khu vực khác cũng như vai trò của EU trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Mặt khác, trong bối cảnh Trung Quốc đang nổi lên như một cường quốc có khả năng thách thức vị trí số một của Mỹ, châu Á – khu vực đang phát triển hết sức năng động và được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu – đã thu hút sự chú ý nhiều hơn của Washington. Kể từ giữa năm 2012, chính quyền Mỹ đã thực thi chiến lược xoay trục sang châu lục này. Trong khi đó, tại châu Âu, chính quyền Mỹ lại cắt giảm sự hiện diện quân sự khi rút hai đại đội chiến đấu thuộc Lữ đoàn Lục quân ở Đức và phi đội A-10 thuộc Lực lượng Không quân Mỹ ở Italy.
“Hâm nóng” quan hệ với châu Âu
Trước những quan ngại về việc Washington không còn mặn mà trong quan hệ với các đồng minh châu Âu, Ngoại trưởng Kerry đã chọn Anh và ba nền kinh tế hàng đầu ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), gồm Đức, Pháp và Italy, là những điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình.
Động thái này nhằm củng cố mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương trong bối cảnh môi trường an ninh toàn cầu đang xấu đi do tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran cùng với các cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trên biển Đông và biển Hoa Đông. Những tuyên bố của ông Kerry trong các chuyến thăm tới 4 nước Tây Âu đã thể hiện rõ mục đích đó.
Ngoại trưởng John Kerry gặp gỡ với Thủ tướng Anh David Cameron ngày 25/2 (Ảnh AFP) |
Điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm này là London, nơi ông đã hội kiến với Thủ tướng David Cameron và gặp người đồng cấp của nước chủ nhà William Hague. Phát biểu với các phóng viên sau các cuộc gặp trên, ông Kerry khẳng định “mối quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh và rằng việc ông chọn Anh là nước đến thăm đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ là một minh chứng rõ ràng nhất.
Về vấn đề tranh chấp quần đảo Falklands/Malvinas giữa Anh và Argentina, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định quan điểm của Washington là công nhận sự quản lý trên thực tế của Luân Đôn đối với quần đảo này nhưng không đưa ra bất cứ quan điểm nào về chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp. Ông cũng tỏ ý ủng hộ sự hợp tác thực tế giữa Anh và Argentina, đồng thời hối thúc hai bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.
Trong cuộc hội kiến với Thủ tướng Anh, tuy không đề cập vấn đề Anh có thể rút khỏi EU nhưng Ngoại trưởng Kerry và Thủ tướng Cameron đã thảo luận về triển vọng ký FTA giữa Mỹ và EU cũng như khả năng đạt được những bước tiến tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm G8, dự kiến được tổ chức tại Bắc Ireland vào tháng 6 tới.
Tại Đức, nơi Ngoại trưởng Kerry đã sống trong thập niên 50 của thế kỷ trước, ông đã hội kiến Thủ tướng Angela Merkel và hội đàm với người đồng cấp Đức Guido Westerwelle.
Phát biểu sau cuộc gặp với ông Westerwelle, Ngoại trưởng Kerry tuyên bố nước Mỹ và châu Âu có “cơ hội có một không hai” để đạt được một FTA, qua đó có thể nâng cao mức sống cho các nền kinh tế cả hai bên bờ Đại Tây Dương. Theo ông Kerry, thỏa thuận này có thể thúc đẩy nền kinh tế của châu Âu, tăng cường kinh tế Mỹ, tạo ra nhiều việc làm cho người dân hai bên và tạo nên một trong những thị trường liên minh lớn nhất thế giới.
Ở Paris và Rome, Ngoại trưởng Kerry cũng đã đưa ra các phát ngôn tương tự thể hiện mong muốn củng cố mối quan hệ giữa Mỹ và các nước đồng minh châu Âu.
Tuy nhiên, đáng chú ý, trong chuyến công du này, Ngoại trưởng Kerry không tới bất cứ quốc gia Đông Âu nào cho dù một số nước Đông Âu đã ủng hộ các chiến dịch của NATO ở Afghanistan và sẵn sàng ủng hộ kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington sang khu vực này bất chấp sự phản đối của Nga. Vì vậy, nhiều quốc gia Đông Âu cho rằng Mỹ thiếu quan tâm tới khu vực này. Đây có thể là một phần trong chính sách tái lập quan hệ của cường quốc này với Nga./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.