Quản lý thực phẩm yếu kém, người dân phải tự cứu mình
Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (tỉnh Bình Dương) phát biểu ý kiến
Kết quả giám sát cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực này khá đồng bộ, tuy nhiên hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để xác định thực phẩm an toàn lại thiếu. Đặc biệt, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về ATTP chưa tương xứng với nhiệm vụ; lực lượng còn phân tán ở nhiều bộ ngành, đơn vị nên việc triển khai thực hiện còn thiếu sự đồng bộ, hiệu quả chưa cao. Đầu tư kinh phí cho công tác quản lý ATTP chưa đáp ứng yêu cầu, theo đó, tổng ngân sách nhà nước (NSNN) đầu tư cho công tác ATTP giai đoạn 2011-2016 là trên 2.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện còn thấp do bị cắt giảm (năm 2016 ngân sách trung ương giảm 56%) và cấp chậm. Trung bình NSNN đầu tư từ Trung ương mỗi tỉnh/thành phố giai đoạn 2011 – 2016 khoảng 14 tỷ đồng, trừ một số địa phương có bổ sung thêm ngân sách địa phương cho công tác ATTP, cao nhất là TPHCM, tiếp đến là tỉnh Long An và tỉnh Quảng Ninh, thì một số địa phương nhiều năm ngân sách không bố trí cho công tác ATTP. Cả nước hiện có tới 10 địa phương không có phòng thử nghiệm, kiểm nghiệm ATTP.
Đáng chú ý, bức tranh về việc vi phạm trong sản xuất, kinh doanh ATTP một lần nữa được trưng ra rất rõ nét. Trong đó đáng sợ nhất là việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh trong trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Kết quả giám sát cũng đưa ra một con số nhức nhối: Việt Nam mỗi năm có khoảng 70.000 người chết vì ung thư và hơn 200.000 ca ung thư phát hiện mới, trong đó có một phần nguyên nhân từ việc sử dụng thực phẩm không an toàn. Theo điều tra dịch tễ học của Hiệp hội Ung thư thế giới thì có khoảng 35% ca mắc bệnh ung thư có nguồn gốc thực phẩm không an toàn và có thể phòng được…
Thảo luận về nội dung quan trọng này, hầu hết các ĐBQH đều có chung câu hỏi: tại sao hành lang pháp lý đầy đủ, nhiều bộ cùng tham gia quản lý mà thực trạng vi phạm ATTP ngày càng trầm trọng? Đâu là giải pháp, là mô hình quản lý hữu hiệu để ngăn chặn thực phẩm bẩn, để không còn cảnh người nông dân trồng 2 luống rau, một để bán, một để ăn? ĐBQH Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) dẫn ra hàng loạt ví dụ về thực phẩm bị làm giả, biến đổi cho đẹp mắt, giá cao mà phần lớn là nhờ đến hóa chất để khẳng định, hóa chất độc hại, chất cấm, thực phẩm bẩn đội lốt đã không chừa một sản phẩm nào. “Liệu có quá khi nói rằng chúng ta đang tự đầu độc chính mình? Và Quốc hội nghĩ gì về con số mỗi năm khoảng 70.000 người chết vì ung thư với một phần nguyên nhân từ thực phẩm không an toàn?”, ĐB Phạm Trọng Nhân bức xúc. ĐB Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) chỉ ra thực tế nhiều người dân phải tận dụng từng khoảng không chật hẹp trên sân thượng để trồng rau trong những thùng xốp và khẳng định, người dân đang phải tự cứu lấy mình trước khi chờ người khác cứu.
Đáng lưu ý, Đoàn giám sát ghi nhận, trong khi ở các địa phương đến nay vẫn chưa có mô hình tổ chức quản lý ATTP thực sự hiệu quả thì mới đây, TPHCM đã triển khai thí điểm Ban quản lý ATTP trực thuộc UBND TP, có vị trí như một sở và nhân lực là tích hợp từ các sở, ban ngành chức năng của TP. Mô hình này không tăng người nhưng thanh tra, xử lý vi phạm đều nhiều hơn. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cho biết, mô hình thí điểm Ban Quản lý ATTP ở TPHCM đã phát huy hiệu quả bước đầu, cần tiếp tục nhân rộng ở một vài địa phương khác để đánh giá chính xác hiệu quả. “Đây không phải là một tổ chức mới, mà là sự tập trung các đầu mối để đảm bảo tính thống nhất, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về ATTP” – ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh.
Trong phần phát biểu của mình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải: “Tại sao văn bản nhiều mà thực hiện không nghiêm, tình hình ngày càng trầm trọng? Đó là thực tiễn của chúng ta hiện nay, quản lý nhà nước dù đã nỗ lực nhưng ý thức nhà sản xuất chưa cao, vì thế mới có 2 luống rau, 2 chuồng gà. Người sản xuất vì lợi nhuận mà quên đi lương tri. Văn bản có hết mà vẫn vi phạm do cố tình, vì lợi nhuận, nên mới có chuyện nước ngọt được làm từ nước lã, phẩm màu và đường hóa học. Những vi phạm đều chủ yếu do cố ý làm trái với pháp luật. Quản lý nhà nước có chiếc gậy thì lại xử phạt quá nhẹ, trách nhiệm hình sự thì chưa quy định, nên gây chết người vẫn chưa bị truy tố”.
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện Kết luận số 11-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm vì cộng đồng của từng doanh nghiệp, từng doanh nhân, từng hộ gia đình và từng người dân để đảm bảo ATTP, nhất là trong sản xuất, kinh doanh. Các cơ quan quản lý nhà nước về ATTP có trách nhiệm cung cấp kịp thời, chính xác các thông tin về ATTP, về các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm ATTP để công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thủ tướng giao Bộ Y tế chậm nhất tháng 11-2017 trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP theo hướng tăng mức xử phạt, bảo đảm tính răn đe.
Thủ tướng cũng nêu rõ, khuyến khích sản xuất, chế biến thực phẩm theo chuỗi; đẩy mạnh quảng bá các thương hiệu mạnh về ATTP. UBND các cấp đưa nhiệm vụ bảo đảm ATTP là chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội hàng năm ở các cấp…
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.