Vinacomin giải thích lý do dừng cảng Kê Gà
Phó TGĐ Vinacomin cho rằng, lúc này sử dụng các cảng hiện có sẽ hiệu quả hơn đầu tư xây dựng cảng mới.
Trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 28/2 về việc thực hiện một số dự án lớn, trong đó có dự án bauxite ở Tây Nguyên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ – Vũ Đức Đam cho biết, việc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) dừng đầu tư vào cảng Kê Gà (Bình Thuận) để sử dụng các cảng lân cận là một quyết định hợp lý.
Ông Vũ Đức Đam cũng cho rằng, mọi dự án khi đã thực hiện một phần đầu tư thì cũng đã mất một phần chi phí, nhưng nếu thấy tiếp tục thực hiện còn thiệt hại hơn nữa thì cũng nên quyết định dừng đầu tư.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, ông Trần Văn Chiều – Phó TGĐ Vinacomin đã cung cấp thêm một số thông tin chi tiết.
PV: Dự án xây dựng cảng Kê Gà được lập trên cơ sở định hướng Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bauxite nhôm và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận. Vậy theo ông tại sao Vinacomin lại đề nghị tạm dừng đầu tư xây dựng dự án cảng Kê Gà trong thời điểm này?
Ông Trần Văn Chiều: Trên cơ sở định hướng của Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp bauxite nhôm và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bình Thuận, dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà được lập với quy mô công suất năm 2015: 3,5 triệu tấn/ năm; Năm 2020: 17,5 triệu tấn/ năm; Năm 2025: 27 triệu tấn/ năm; Năm 2030: 37 triệu tấn/ năm.
Địa điểm dự định triển khai xây dựng cảng Kê Gà của Vinacomin.(Ảnh: TNO) |
Tuy nhiên, thời điểm lập dự án xây dựng cảng Kê Gà là trong bối cảnh không có cảng nào phục vụ cho việc xuất, nhập hàng hóa tại khu vực Bình Thuận. Đến thời điểm hiện nay, Bình Thuận có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam thì việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý và phù hợp với quy hoạch của Chính Phủ.
Bên cạnh đó, theo dự báo, đến năm 2020 lượng hàng hóa thông qua cảng Kê Gà chỉ đạt khoảng 2,5 triệu tấn/năm, thấp hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa theo dự án Cảng đã được phê duyệt. Với lượng hàng hạn chế như vậy, việc sử dụng các cảng hiện có hiệu quả hơn so với đầu tư xây dựng cảng mới. Đây là những nguyên nhân dẫn đến đề xuất tạm dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà của Vinacomin.
Vinacomin đã có văn bản số 6526/ VINACOMIN-HĐTV ngày 17/12/2012 báo cáo Thủ tướng Chính Phủ về việc tạm dừng đầu tư xây dựng dự án cảng Kê Gà. Đề xuất này đã được các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
PV: Vậy việc dừng xây dựng cảng Kê Gà sẽ có ảnh hưởng gì đến sự phát triển các dự án bauxite trước mắt và lâu dài không thưa ông?
Ông Trần Văn Chiều: Trong quá trình thực hiện Quy hoạch bauxite, cho đến nay mới chỉ có 2 dự án thử nghiệm được đầu tư xây dựng theo Quy hoạch là Dự án Tân Rai (Lâm Đồng – công suất 650.000 tấn alumin/năm) và Dự án Nhân Cơ (Đăk Nông – cùng công suất 650.000 tấn alumin/năm) do Vinacomin là chủ đầu tư. Nhà máy alumin Tân Rai cuối năm 2012 đã chạy thử và ra sản phẩm alumin. Nhà máy alumin Nhân Cơ dự kiến giữa 2014 sẽ ra sản phẩm.
Các dự án sản xuất Hydroxit nhôm, Alumin, điện phân nhôm khác đều không được đầu tư theo đúng tiến độ dự kiến trong Quy hoạch, một phần do kinh tế thế giới suy thoái, nhu cầu tiêu thụ khoáng sản và giá khoáng sản giảm thấp. Mặt khác, do các vấn đề phức tạp về công nghệ, kỹ thuật, môi trường khi đầu tư xây dựng các dự án này, nên Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh Quy hoạch bauxite cho phù hợp.
Việc dừng đầu tư dự án cảng Kê Gà hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến 2 dự án bauxite – alumin đã và đang đầu tư. Vì trong giai đoạn đầu, khối lượng sản phẩm cần thông qua cảng của 2 dự án này còn thấp nên Vinacomin thực hiện phương án thuê cảng tại khu vực Thị Vải – Cái Mép (cảng Gò Dầu, cảng Phú Mỹ…).
Về lâu dài, thực hiện theo chỉ đạo của Chính Phủ, Vinacomin đang phối hợp với TEDI nghiên cứu lựa chọn quy mô và địa điểm xây dựng cảng phù hợp với quy hoạch phát triển bauxite – nhôm, Quy hoạch ti tan và kinh tế khu vực.
PV: Dừng dự án cảng Kê Gà, Vinacomin đã có phương án đền bù như thế nào đối với các doanh nghiệp du lịch cũng như người dân sống trong khu vực?
Ông Trần Văn Chiều: Việc dừng dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà sẽ có tác động tích cực hơn cho doanh nghiệp du lịch và người dân vùng dự án. Các doanh nghiệp du lịch sẽ lại tiếp tục được thực hiện dự án du lịch của mình. Giai đoạn 1 của dự án có liên quan tới 4 doanh nghiệp du lịch, giai đoạn 2 liên quan đến 43 hộ dân và 8 doanh nghiệp du lịch.
Hiện nay, dự án đang trong giai đoạn 1, Vinacomin đã phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Nam tỉnh Bình Thuận tiến hành kiểm đếm xong 43/43 hộ dân và 11/12 doanh nghiệp du lịch.
Đồng thời, Vinacomin đang tiến hành tổ chức đền bù giai đoạn 1 cho 4 doanh nghiệp du lịch với giá trị đền bù giải phóng mặt bằng được UBND huyện Hàm Thuận Nam phê duyệt là 4,63 tỷ đồng. Vinacomin đã chuyển 4 tỷ đồng cho địa phương, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay mới chỉ có 1 doanh nghiệp du lịch đã nhận tiền và bàn giao đất.
Bên cạnh đó, Vinacomin sẽ tiếp tục phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận trong việc lập phương án xử lý khối lượng công việc còn lại để báo cáo Thủ tướng Chính Phủ.
PV: Xin cảm ơn ông!./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.