Họp bàn cấp phép lưu thông trên các tuyến đê khu vực phía Đông và cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh
(THTG) Chiều ngày 14 tháng 6, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp bàn về việc cấp phép vận chuyển trên các tuyến đê khu vực phía Đông và cấp phép hoạt động bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND đến dự, ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.
Quang cảnh cuộc họp.
Theo báo cáo, hiện nay có 28 doanh nghiệp được cấp giấy phép vận chuyển trên các tuyến đê khu vực phía Đông, trong đó có 7 giấy phép còn thời gian hoạt động, 13 giấy phép hết hạn nhưng chưa xin gia hạn và 8 giấy phép hết hạn đang xin gia hạn. Về bến thủy nội địa đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, hiện nay có 605 bến có phép và đang hoạt động, trong đó trên tuyến đường thủy địa phương và luồng hàng hải Sông Tiền do tỉnh quản lý là 449 bến, trên tuyến đường thủy Quốc gia là 156 bến.
Các đại biểu góp ý kiến .
Thời gian qua, trong quá trình hoạt động vận chuyển, kinh doanh, một số doanh nghiệp thực hiện chưa tốt các quy định, gây bức xúc trong nhân dân. Cụ thể, một số doanh nghiệp vận chuyển trên các tuyến đê khu vực phía Đông còn vận chuyển hàng hóa trái tuyến quy định, vượt tải trọng cho phép; đùn đẩy trách nhiệm trong việc duy tu, dặm vá, sửa chữa… làm cho một số đoạn đê xuống cấp và hư hỏng nặng, gây ô nhiễm môi trường và mất trật tự an toàn giao thông. Bên cạnh đó, các bến thủy nội địa kinh doanh vật liệu xây dựng trên điạ bàn tỉnh cũng gây rất nhiều bức xúc cho người dân quanh khu vực, như: Các bến kinh doanh vật liệu xây dựng đoạn bờ Đông kênh Năng thuộc xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước; hay các bến trên đoạn sông Bảo Định song song với quốc lộ 60 thuộc phường 10 thành phố Mỹ Tho và các bến tại tuyến kênh 12 và tuyến sông Ba Rài.
Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND phát biểu tại cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các ngành chức năng kiên quyết, xử lý các doanh nghiệp vi phạm. Ông nhấn mạnh, UBND tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, nhưng phải đảm bảo các vấn đề môi trường, an toàn giao thông, tài sản và tính mạng người dân; nếu đơn vị, tổ chức nào không thực hiện tốt thì cần phải xử lý kiên quyết và cần thiết sẽ không cấp giấy phép hoạt động. Ông cũng lưu ý các cơ quan báo chí trong tỉnh tăng cường thực hiện các phóng sự điều tra, các bài phản ánh các doanh nghiệp vi phạm để làm cơ sở xử lý.
Ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu kết luận.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với địa phương thanh tra, rà soát lại tất cả các giấy phép của các doanh nghiệp vận chuyển trên các tuyến đê khu vực phía Đông và các bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh, để có đánh giá chính xác nhất, từ đó chỉ cấp phép cho đơn vị nào thực hiện tốt và chỉ cấp giấy phép tạm thời 03 tháng, không cấp giấy phép có thời hạn 1 năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị, trước khi UBND huyện trình đề xuất cấp giấy phép phải có sự thống nhất của Huyện ủy. Đối với việc cấp phép vận chuyển trên các tuyến đê khu vực phía Đông, doanh nghiệp nào đồng ý được cấp phép phải đầu tư, sửa chữa các tuyến đê với sự thống nhất giữa địa phương, các ngành và doanh nghiệp đó; Các tuyến đê phải được cắm biển báo, biển cấm đúng quy định. Về việc cấp phép đối với bến thủy nội địa, ông Phạm Anh Tuấn – Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông Vận tải phải lập bảng tiêu chí cụ thể, rõ ràng, minh bạch về bến bãi từ đó làm cơ sở để cấp phép hoạt động.
Bài và ảnh: Bá Thuỷ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.