Các nước tiếp tục phản ứng trước tuyên bố của Triều Tiên
Tình hình bán đảo Triều Tiên vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu khi ngày 5/3 CH DCND Triều Tiên cảnh báo sẽ huỷ bỏ hiệp định đình chiến được ký sau cuộc chiến tranh liên Triều 1950 – 1953. Nhiều nước trong khu vực tiếp tục có phản ứng sau tuyên bố của Triều Tiên.
Phát biểu tại cuộc họp báo sáng 6/3, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Katsunobu Kato nói: “Chúng tôi đã biết tin CHDCND Triều Tiên tuyên bố huỷ bỏ hiệp định đình chiến. Chúng tôi vẫn đang tiến hành phân tích tình hình. Tuy nhiên, chúng tôi không có ý định bình luận về tất cả các tuyên bố mà CHDCND Triều Tiên đưa ra”.
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cùng ngày đã có phản ứng gay gắt trước tuyên bố của CHDCND Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp báo tại thủ đô Seoul, một quan chức quân đội Hàn Quốc, ông Kim Yong-hyun cho biết sẽ mở cuộc phản công nhằm vào CHDCND Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng cũng khởi động một cuộc tấn công nhằm vào cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Hình ảnh cuộc diễn tập quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc mang tên “Đại bàng non” (Ảnh: Reuters) |
Ông Kim nói: “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ cho một sự trừng phạt mạnh mẽ và dứt khoát không chỉ nhằm vào nguồn khiêu khích mà còn cả các lực lượng ủng hộ và các thành phần chỉ huy gây ra sự khiêu khích, nếu CHDCND Triều Tiên thực hiện các hành động khiêu khích, đe dọa sự an toàn của Hàn Quốc”.
Tân Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cùng ngày cũng đã có cuộc điện đàm đầu tiên với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhằm tăng cường phối hợp trong vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên.
Trong một diễn biến có liên quan, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Susan Rice ngày 5/3 đã gửi tới 14 nước ủy viên Hội đồng Bảo an một bản dự thảo nghị quyết về trừng phạt Triều Tiên có khả năng được đưa ra bỏ phiếu vào ngày 7/3.
Theo một nguồn tin từ phía Liên Hợp Quốc, bản dự thảo mới bổ sung 3 cá nhân và 2 tập đoàn vào danh sách chịu lệnh phong tỏa tài sản và cấm đi lại, đưa danh sách trừng phạt lên con số 17 công ty và 9 cá nhân.
Nghị quyết cũng buộc các quốc gia và cá nhân phải ngừng toàn bộ các giao dịch tài chính liên quan đến chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như xuất khẩu vũ khí của Triều Tiên; khám xét các tàu thuyền đáng nghi; tăng cường giám sát các nhà ngoại giao Triều Tiên đồng thời nhấn mạnh các nước trong Liên Hợp Quốc phải từ chối không cho đi qua không phận của mình các máy bay nghi ngờ chuyên chở vật liệu cấm cho Triều Tiên.
Ngoài ra, Hội đồng Bảo an cũng yêu cầu bổ sung danh mục các vật liệu và công nghệ cấm buôn bán áp đặt với Triều Tiên nhằm ngăn lại chương trình làm giàu uranium của quốc gia này.
Trước tình hình căng thẳng tại khu vực, Trung Quốc tiếp tục kêu gọi các bên liên quan làm dịu căng thẳng thông qua con đường ngoại giao. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5/3 ở thủ đô Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh nói: “Chúng tôi kiên định tin tưởng rằng các bên cần có một phản ứng thận trọng và vừa phải liên quan đến tình hình trên bán đảo Triều Tiên, cần tránh gây thêm căng thẳng nhằm hỗ trợ cho việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực Bắc Á. Theo tinh thần này, Trung Quốc sẽ duy trì các cuộc tiếp xúc với các bên tại Hội đồng Bảo an và các khu vực khác có liên quan”.
Trước đó, Bộ Chỉ huy tối cao quân đội CHDCND Triều Tiên cảnh báo sẽ huỷ bỏ hiệp định đình chiến được ký sau cuộc chiến tranh liên Triều 1950 – 1953, đồng thời khẳng định quân đội nước này sẽ có các biện pháp đáp trả nhiều hơn và mạnh mẽ hơn. Triều Tiên cũng đồng thời đã cắt đứt đường dây nóng và tạm ngừng công việc của phái đoàn của mình tại làng đình chiến Panmunjom, nơi các đại diện của Bình Nhưỡng và Seoul thường tiến hành các cuộc gặp gỡ, liên lạc và trao đổi song phương.
Tuyên bố trên được đưa ra nhằm phản đối các biện pháp trừng phạt mà Liên Hợp Quốc đưa ra sau khi Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân đầu tháng trước, cũng như việc Mỹ và Hàn Quốc mới đây đã chính thức khởi động cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Đại bàng non” kéo dài từ 1/3 đến 30/4 với khoảng 200.000 binh sĩ Hàn Quốc cùng với 10.000 lính Mỹ tham gia./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.