Nhà khoa học nữ suốt đời đi tìm giống lúa mới
Không hài lòng với những thành quả đã đạt được trong nghiên cứu khoa học, mặc dù năm nay đã bước sang tuổi 70 nhưng PGS.TS Nguyễn Thị Trâm vẫn say mê tìm tòi, lựa chọn giống lúa mới phục vụ bà con nông dân. Khát khao vươn lên để làm chủ khoa học công nghệ, chân trời tri thức mới là hoài bão cháy bóng không bao giờ dập tắt ở nhà khoa học nữ này.
Tuy đã về hưu gần 10 năm nay, nhưng hiện nay, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm vẫn quyết định giành thời gian còn lại của cuộc đời để tiếp tục thực hiện ý tưởng chọn tạo thành công giống lúa lai mới cho Việt Nam. Bà đã xin lãnh đạo trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội ở lại làm việc tiếp với mong muốn chỉ hưởng lương hưu nhưng được sử dụng gần 1 ha ruộng trồng lúa, 1 phòng thí nghiệm nhỏ để phục vụ cho công tác nghiên cứu.
Trúng tuyển vào ĐH ở tuổi 20, được xếp học ngành Cây lương thực, khoa Trồng trọt, bà Nguyễn Thị Trâm nghĩ đây là ngành phù hợp với mình nên cố gắng học hành, nghiên cứu. Tình yêu nghề nông của bà bắt đầu từ những bài thực tập chọn giống, lai ngô, lai lúa, ghép cây…
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm bên cánh đồng lúa lai hai dòng TH3-7 |
Ra trường, được làm việc tại Viện Cây lương thực và cây thực phẩm nên bà có cơ hội thực hiện khát vọng tìm kiếm những giống lúa tốt. Tập sự xong, bà tiến hành nghiên cứu tại bộ môn “Chọn tạo giống lúa” dưới sự hướng dẫn của thầy Lương Định Của, nhà Di truyền – chọn giống nổi tiếng từ Nhật Bản trở về. Thầy đã truyền đạt cho bà kiến thức khoa học cơ bản, phương pháp thực hành giúp biến kết quả nghiên cứu thành sản phẩm phục vụ xã hội. Tấm gương nghiên cứu khoa học mẫu mực đầy sáng tạo của thầy Lương Định Của và các nhà khoa học nông nghiệp thế hệ trước luôn thôi thúc bà làm việc tận tụy hơn.
Năm 1980, đi học nghiên cứu sinh tại Liên Xô, bà chọn đề tài nghiên cứu giống lúa để có cơ hội học lý thuyết cơ bản làm cơ sở cho chuyên môn sau này. Tốt nghiệp xong, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm trở lại trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội làm giảng viên khi tuổi đã 40.
Ngoài giờ giảng trên lớp, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm thường xuyên đạp xe xuống những vùng nông thôn, giúp đội giống ở các hợp tác xã chọn lọc giống, nhân hạt giống tốt cung cấp cho nông dân.
Những năm 1990, tiến bộ kỹ thuật về lúa lai trên thế giới du nhập vào nước ta, nhu cầu hạt giống lúa lai gia tăng ở mọi miền đất nước, hạt giống lai từ nước ngoài tràn vào thị trường ồ ạt tạo sức ép cho ngành giống cây trồng của Việt Nam. Năm 1993, được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn mời tham dự lớp huấn luyện kỹ thuật lúa lai tại Trung Quốc, trao đổi trực tiếp với các nhà chọn giống giàu kinh nghiệm đã gợi mở cho PGS.TS Nguyễn Thị Trâm những ý tưởng mới về chọn tạo giống lúa.
Sau đợt học, bà Trâm thu được nhiều kiến thức, tài liệu, phương pháp để bước vào hướng nghiên cứu mới: Tìm kiếm, xác định, chọn tạo cải tiến các vật liệu di truyền để tạo dòng bố mẹ và tạo giống lúa lai. Lúc này, niềm đam mê chọn giống cuốn hút mọi thời gian và suy nghĩ của bà.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm luôn tự hỏi: Không có lẽ người Việt Nam lại không thể tạo được giống lúa lai cho chính mình? Mặc dù chưa biết lấy phương tiện và kinh phí nghiên cứu từ đâu nhưng bà nghĩ phải bắt đầu công việc ngay. Bà gieo trồng vật liệu, tổ chức cho sinh viên lai tạo, đánh giá, chọn lọc giống. Một số việc tỉ mỉ mất thời gian như tuốt dòng, phơi cá thể, sắp xếp, đo đếm bông hạt…, bà phải nhờ chính mẹ mình làm. Mẹ của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm rất tậm tâm làm thí nghiệm giúp con với sự cẩn thận, chu đáo.
Biết được khó khăn cũng như quyết tâm của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Nguyễn Công Tạn đã mời hiệu trưởng trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội lên gặp và bày tỏ ủng hộ ý tưởng nghiên cứu giống lúa của bà. Sự quan tâm của nguyên Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn thúc đẩy bà làm việc miệt mài, tích cực hơn.
Tuy nhiên, để tạo giống lúa vừa có năng suất cao, chất lượng tốt lại vừa chống chịu sâu bệnh, và thích ứng cho nhiều vùng, nhiều vụ thì cần thời gian dài mà PGS.TS Nguyễn Thị Trâm lại đã đến tuổi nghỉ hưu, qũy thời gian làm việc đã hết.
Để thực hiện những ước mơ của mình, năm 2004, bà Trâm đã trình bày tâm nguyện với Ban lãnh đạo ĐH Nông nghiệp ở lại trường tiếp tục công việc nghiên cứu tạo giống lúa mới cho năng suất cao.
Bán bản quyền giống lúa lên tới 10 tỷ đồng
Trong quá trình nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm đã giành nhiều thời gian, công sức, trí tuệ cải tiến những nhược điểm của từng vật liệu, chọn lọc, đánh giá cặp lai nhiều lần. Và cuối cùng, sự cố gắng không mệt mỏi của bà đã đem lại thành công là tạo ra các dòng bất dục đực, dòng cho phấn mới, giống lúa lai, lúa thuần có giá trị sử dụng cao. Giống lúa lai hai dòng TH3-3 cùng với qui trình nhân hạt giống bố mẹ và sản xuất hạt lai được công nhận năm 2005, được thuyết trình tại 26 tỉnh, thành và được nông dân chấp nhận.
Sau giống lúa lai hai dòng TH3-3 là TH3-4, TH3-5, TH5-1, TH7-2 và lúa thơm Hương cốm. Các giống mới có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, chất lượng tốt, thích ứng rộng nên nhu cầu về hạt giống tăng cao.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chụp ảnh cùng PGS.TS Nguyễn Thị Trâm và một số nữ tri thức |
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm suy nghĩ, do bản thân không thể đủ kinh phí, cơ sở vật chất sản xuất và cung ứng kịp giống lúa cho nông dân nên bà đã quyết định chuyển nhượng bản quyền chọn giống lúa cho doanh nghiệp để tập trung thời gian cho nghiên cứu chọn tạo các giống mới tốt hơn. Bởi doanh nghiệp có điều kiện tốt về tài chính, kinh nghiệm kinh doanh, có thể mở rộng sản xuất đáp ứng yêu cầu của nông dân.
Năm 2008, việc chuyển nhượng bản quyền giống lúa hai dòng TH3-3 của PGS.TS cho doanh nghiệp đã bán được với con số kỷ lục là 10 tỷ đồng. Kết quả nghiên cứu đưa được đến tận tay người sản xuất, diện tích sử dụng giống mở rộng nhanh rõ rệt. Năm 2009, diện tích sản xuất hạt lai của 2 giống được chuyển nhượng chiếm trên 60% tổng diện tích sản xuất hạt lai trong nước, cung cấp trên 1.000 tấn hạt giống lai/năm cho nông dân các tỉnh phía Bắc, tạo lợi thế canh tranh cho lúa lai Việt Nam. Các Công ty mở ra nhiều vùng sản xuất hạt giống lai rộng lớn, từ miền núi phía Bắc đến đồng bằng, miền Trung và Tây Nguyên đã tạo công việc làm cho hàng vạn lao động nông nghiệp có tay nghề cao, thu nhập cao hơn.
Nhờ chuyển nhượng bản quyền, ĐH Nông nghiệp Hà Nội thu hồi được kinh phí sự nghiệp khoa học, Nhà nước thu thuế bản quyền. Cơ sở làm việc của bà Trâm có tiền xây thêm phòng làm việc, kho tàng và mở rộng nghiên cứu theo nhiều hướng mới. Cán bộ nghiên cứu có thêm lương, thưởng, được cấp học bổng học cao học, huấn luyện nâng cao trình độ ở trong nước và cả nước ngoài. Phòng nghiên cứu của PGS.TS Nguyễn Thị Trâm trở thành đơn vị đi đầu thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 115 của chính phủ về giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất của các cơ quan nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Nguyễn Thị Trâm tâm sự: Nghề nông ở nước ta hiện nay vẫn đang chiếm tỷ lệ lớn và luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro vì biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và gây thiệt hại vô cùng lớn…
Để xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững ổn định cần có đội ngũ các nhà khoa học nông nghiêp yêu nghề, dám hy sinh suốt đời cho nghiên cứu khoa học.
Thế nhưng, khoa học nông nghiệp là khoa học ứng dụng, đòi hỏi người nghiên cứu phải đầu tư nhiều thời gian thâm nhập thực tế, kiên trì thử nghiệm trên đồng ruộng ở nhiều vùng, nhiều vụ khác nhau nên khi thành đạt thì đa số tuổi của họ đã quá cao. Những thách thức đó thật vô cùng khắc nghiệt. Để thu hút các nhà khoa học đóng góp cho việc nghiên cứu, Nhà nước cần quan tâm nhiều hơn giúp họ có điều kiện thử nghiệm, hiện thực hóa các ý tưởng mới táo bạo của mình.
Mười tỷ đồng cho một giống lúa với hàng chục năm PGS.TS Nguyễn Thị Trâm nghiên cứu tìm giống lúa. Nhìn cảnh bà đếm từng hạt lúa, chúng ta sẽ thấy 10 tỷ đồng chuyển giao công nghệ không hề nhiều nhưng đó là sự đền bù xứng đáng cho những nhà khoa học yêu nông dân, nông nghiệp và cây lúa như bà./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.