Tâm bão Al-Jazeera trong khủng hoảng vùng Vịnh

Bốn nước Arab, Saudi Arabia, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập đã thông qua nhà trung gian Kuwait gửi Qatar một bản yêu sách 13 điểm để chấm dứt cấm vận ngoại giao và kinh tế với Doha trong hơn 2 tuần qua.

Trong đài truyền hình Al-Jazeera ở Doha, Qatar. Ảnh: AP

Trong đài truyền hình Al-Jazeera ở Doha, Qatar. Ảnh: AP

Trong các yêu sách có đóng cửa mạng truyền hình vệ tinh Al-Jazeera được Doha tài trợ, cắt giảm quan hệ với Iran và đóng cửa căn cứ quân sự Thổ Nhĩ Kỳ, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày 23-6.

Các nước Arab, đã cắt quan hệ ngoại giao với Qatar đầu tháng 6 với cáo buộc Doha tài trợ khủng bố, nói rằng Al-Jazeera, trụ sở ở Doha, đã liên tục tạo bất ổn trong khu vực và hỗ trợ nhóm cực đoan Anh em Hồi giáo (MB).
Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã bác bỏ yêu sách của các quốc gia Arab, tuyên bố rằng yêu sách đó “vừa bất hợp lý, vừa bất khả thi”.

Al-Jazeera bắt đầu hoạt động năm 1996 và trở thành kênh truyền hình được xem nhiều nhất trong thế giới Arab. Công ty tuyên bố phát sóng đến hơn 310 triệu hộ gia đình tại hơn 100 quốc gia, tuyển dụng hơn 3.000 nhân sự và có một studio ở London, Anh.

Al-Jazeera nổi lên trên toàn thế giới sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 tại Mỹ khi đưa tin những thông điệp video của trùm khủng bố Osama bin Laden. Đến nay, Al-Jazeera đã thu hút hàng triệu người xem ở Trung Đông bằng cách cung cấp dịch vụ tin tức động mà người xem chưa từng trải nghiệm.
Khi Al-Jazeera ra mắt, Quốc vương Qatar lúc đó là Hamad bin Khalifa al-Thani cho biết các nhà báo sẽ “đưa tin như họ nhìn thấy”. Và Al-Jazeera luôn khẳng định là “kênh tin tức độc lập hàng đầu trong thế giới Arab”.

Năm 2006, kênh truyền hình Al-Jazeera tiếng Anh ra đời trong sự phát triển toàn cầu ấn tượng dẫn tới việc thành lập hơn 70 văn phòng Al-Jazeera khắp thế giới.

Tháng 10-2013, kênh tin tức truyền hình cáp Al-Jazeera được thành lập ở Mỹ được xem là đỉnh tăng trưởng của Al-Jazeera. Chi nhánh này đã đóng cửa năm ngoái do số người xem suy giảm và nhiều vụ kiện.

Như các tổ chức truyền thông khác, Al-Jazeera cũng phải xoay xở chống doanh thu quảng cáo giảm.

Al-Jazeera đã tuyên bố cắt giảm 500 việc làm trên thế giới, phần lớn là sa thải nhân viên tại Qatar.

Xu hướng đi xuống của quảng cáo cùng với sự sụt giảm giá dầu, làm giảm giá khí tự nhiên – nguồn tài nguyên khổng lồ thế mạnh của Qatar – diễn ra cùng thời điểm Tamim bin Hamad al-Thani nối ngôi cha, trở thành Quốc vương Qatar vào tháng 6-2013.

Những yếu tố này làm Hoàng gia Qatar không muốn tiếp tục bơm tiền cho Al-Jazeera, khi Quốc vương Tamim chọn chiến lược ngoại giao khác với cha mình.
Tâm bão Al-Jazeera trong khủng hoảng vùng Vịnh ảnh 1Qatar là quốc gia nhỏ ở vùng Vịnh rất giàu tài nguyên khí tự nhiên
Al-Jazeera được đề cao khi đưa tin sâu rộng về phong trào Mùa xuân Arab bắt đầu năm 2010, nhưng từ đó các nước trong khu vực đã chỉ trích Al-Jazeera hỗ trợ các nhóm cực đoan như MB. Ba nhà báo al-Jazeera đã bị bắt giam ở Ai Cập vào năm 2015 khi đưa tin các sự kiện ở Cairo.
Al-Jazeera cũng bị chỉ trích khi gọi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là “tổ chức nhà nước”, chứ không phải bằng tên miệt thị “Daesh” (viết tắt tiếng Arab), và gọi những kẻ đánh bom tự sát là “shaheed”, nghĩa là “tử vì đạo”. Al-Jazeera đã phủ nhận những điều đó là hỗ trợ chủ nghĩa cực đoan và tuyên bố mình “không ủng hộ hệ tư tưởng, nhóm hay chính phủ nào”.
Al-Jazeera đã lên án “tối hậu thư” 13 điểm của các nước Arab, bao gồm yêu cầu đóng cửa mạng truyền hình này, là “không có gì khác ngoài nỗ lực chấm dứt tự do ngôn luận trong khu vực và đàn áp quyền thông tin”.

Các nhà báo trên thế giới đã bày tỏ phản đối các mối đe dọa đóng cửa Al-Jazeera.

TRÂN NGUYÊN- SGGP