Vĩnh Long: Lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Ảnh minh hoạ. (Nguồn: thuvienphapluat.vn)

Tỉnh Vĩnh Long đang tập trung tổ chức lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân về các nội dung trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đa số các ý kiến đóng góp đều cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có những điểm mới phù hợp với thực tiễn của đất nước, đáp ứng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; khắc phục được những bất cập trong Luật Đất đai hiện hành.

Bản Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này có 14 chương, gồm 206 điều; tăng 7 chương, 60 điều so với Luật Đất đai năm 2003. Qua nghiên cứu, các đại biểu cơ bản thống nhất với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến mang tính lý luận và thực tiễn cao, tập trung vào các vấn đề như: giao đất, cho thuê đất; chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện các dự án đầu tư; thu hồi đất, cơ chế để Nhà nước chủ động thu hồi đất, trình tự, thủ tục thu hồi đất và cưỡng chế thu hồi đất.

Ông Phan Văn Đặng, xã Chánh Hội – Mang Thít khi đóng góp cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rất tâm đắc vì: Điều 121 của Dự thảo Luật Đất đai ( sửa đổi ) đã tăng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất từ 20 năm lên 50 năm, tạo điều kiện cho người sử dụng đất đầu tư, tổ chức sản xuất.

Về định giá đất, một số ý kiến của người dân ở các địa phương trong tỉnh chọn phương án 1 của Dự thảo là UBND tỉnh sẽ định giá đất hàng năm vì nếu 5 năm mới định giá đất 1 lần thì rất thiệt thòi cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất. Nhưng ý kiến của hầu hết các cán bộ lãnh đạo, các nhà quản lý lại chọn phương án UBND tỉnh nên chọn phương án 5 năm ban hành giá đất 1 lần để tạo sự ổn định cho việc đầu tư của các dự án. Nếu khu vực nào có biến động do tác động của điều kiện hạ tầng thì UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cục bộ.

Về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Dự thảo không có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã là không phù hợp vì ở cấp xã mới nắm vững và gần dân, khi đưa ra quy hoạch, kế hoạch sẽ hợp lý và phù hợp hơn.

Về hạn mức giao đất, nhiều đại biểu tâm đắc khi Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) ngoài việc nâng thời hạn giao đất lên 50 năm còn mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 3 ha lên 30 ha, tăng gấp 10 lần để tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất, đầu tư tích lũy đất để mở trang trại, phát triển cánh đồng mẫu lớn sản xuất theo hướng bền vững. Tuy nhiên, cũng có ý kiến người dân cho rằng Nhà nước không nên quy định tối đa là 30 ha vì như vậy chưa khuyến khích và chưa khai thác hết sự đầu tư của người dân vào đất. Về Quy định chuyển quyền sử dụng đất, nhiều đại biểu cho rằng nếu thu 100% số tiền khi chuyển quyền sử dụng đất thì nhiều gia đình gặp khó khăn, Nhà nước cần nghiên cứu mức thu lần đầu thế nào cho phù hợp./.