Cả nước có 4.235 điểm 10, điểm tiếng Anh 68% dưới trung bình
Phạm Hữu Triết, Trường THPT Năng khiếu ĐH Quốc gia TPHCM đạt điểm tuyệt đối ở 3 môn thi khối B
Ngày 7-7, Bộ GD-ĐT đã công bố phổ điểm thi và phổ điểm thi theo khối xét tuyển đại học. Đây là động thái rất tích cực của bộ so với những năm trước khi công bố phổ điểm sớm, có phân tích rõ ràng, mạch lạc và dễ hiểu. Có thể một phần do sức nóng của dư luận về hiện tượng cơn mưa điểm 10 của kỳ thi năm nay.
Với phổ điểm mà Bộ GD-ĐT công bố, cho thấy môn Toán, tiếng Anh, Sử.. điểm thấp. Đáng buồn nhất là môn tiếng Anh có tới hơn 68% bài thi có điểm dưới trung bình.
Năm nay, cả nước có tới 4.235 điểm 10. Cụ thể, môn Hóa học có nhiều điểm 10 nhất với 1.521 em đạt; tiếp đến là môn Tiếng Anh với 996 điểm 10; thứ ba là môn Địa lý 603; môn Sinh 401; môn Toán 281; môn Giáo dục công dân 250; môn Sử cũng có tới 107 điểm 10; môn Lý có 75 điểm 10; môn Văn có 1 điểm 10 duy nhất. Tuy nhiên, số lượng thí sinh đạt điểm 0 và điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 (điểm liệt) cũng tương đối lớn và có hầu hết ở các môn thi. Điểm trung bình dưới 5 của hầu hết các môn thi đều chiếm tỷ lệ khoảng từ 40% – 60%.
Điểm trung bình của môn Toán là 5,19; Văn 5,51; Sử 4,6; tiếng Anh 4,6; Lý 5,34; Sinh 4,75; Địa 6,2; Giáo dục công dân 7,8. Như vậy, môn Giáo dục công dân lần đầu tiên có mặt ở kỳ thi quốc gia nhưng lại có điểm trung bình rất cao.
Về điểm liệt (dưới 1 điểm), môn Toán đứng đầu với 1.584 em; tiếp đến là môn tiếng Anh với 1.061; Hóa 886; Sử 869; Địa 525, môn Giáo dục công dân có ít điểm liệt nhất, chỉ 151 em. Đáng buồn nhất là môn tiếng Anh có tới 69% bài thi điểm dưới trung bình, con số này ở môn Toán cũng cao với 48%; Sinh là 60%; Sử 62%, Hóa và Lý trên 40%; Văn là 30%; Địa 17,5%, đặc biệt môn Giáo dục công dân điểm rất cao, chỉ 1,19% học sinh thi có điểm dưới trung bình.
Mức điểm mà nhiều thí sinh đạt nhất ở các môn cũng khác nhau, nếu ở môn Giáo dục công dân rất cao, là 8,25 điểm thì môn Toán là 4 điểm, tiếng Anh là 3,4 điểm (thấp nhất trong các môn); Sử 4 điểm… Qua đó cũng cho thấy, học sinh phổ thông vẫn rất khó khăn trong học môn Toán, tiếng Anh, Sử..
Để tạo thuận lợi cho thí sinh nghiên cứu, điểu chỉnh nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ năm 2017, ngay sau khi công bố phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD-ĐT tiếp tục công bố phân tích phổ điểm theo khối năm 2017 (có so sánh với năm 2016).
Nhìn chung, điểm trung bình khối A, B năm 2017 không khác biệt so với 2016, nhưng khối D, A1 tăng 2 điểm; khối C tăng 1. Cụ thể, phổ điểm khối A năm nay phân bố chuẩn, khá đều hai bên giá trị trung bình. So với năm 2016, điểm trung bình phổ điểm năm 2017 không khác biệt gì nhiều (khoảng 18 điểm) nhưng phổ điểm năm nay về phía điểm cao thoải hơn năm ngoái rất nhiều, do đó thuận tiện cho các trường xây dựng điểm chuẩn vào các ngành khác nhau. Thí sinh có điểm dưới trung bình môn Toán chiếm 48%; môn Hóa 44% và môn Lý là 40%.
Khối B có điểm trung bình không khác biệt nhiều so với năm 2016 (khoảng 17 điểm). Bộ GD-ĐT cũng nhận định, phổ điểm phần nhỏ hơn 24 điểm hơi dốc nhưng phần cao hơn 24 điểm thoải nên các trường có điểm chuẩn cao không khó xác định điểm chuẩn. Đỉnh của phổ điểm khối B năm nay và năm ngoái đều ở ngưỡng 16-17.
Với khối C, điểm trung bình cao hơn năm 2016 khoảng 1 điểm, đường cong phân bố chuẩn, dốc đều, thuận lợi trong xác định điểm trúng tuyển vào các trường đại học. Đỉnh của phổ điểm khối C năm nay là 16, trong khi năm ngoái là 14,5.
Khối D điểm trung bình năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 2 điểm, nhánh phân bố phổ điểm về phía điểm cao dốc đều, thuận tiện trong việc xác định điểm chuẩn vào các trường đại học. Đỉnh của phổ điểm khối D năm nay là 16, trong khi năm ngoái là 13.
Tương tự, với khối A1, điểm trung bình năm 2017 cao hơn điểm trung bình năm 2016 khoảng 2 điểm, đường cong phân bố chuẩn, dốc đều, phân hóa tốt, các trường thuận lợi trong xác định điểm chuẩn. Môn tiếng Anh năm nay số thí sinh có dưới điểm trung bình chiếm tới 69%. Đỉnh của biểu đồ khối A1, nơi tập trung đông nhất học sinh đạt ngưỡng điểm này năm nay rơi vào ngưỡng 17, trong khi năm ngoái là 15,25 điểm.
Có thể thấy, điểm thi năm nay nhích hơn một chút so với năm ngoái, điều này sẽ tác động chung đến toàn hệ thống các trường ĐH-CĐ.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, ngày 12-7, Bộ GD-ĐT sẽ công bố điểm sàn đại học 2017.
Với 621 điểm 10, Hà Nội là địa phương có số thí sinh được điểm tuyệt đối cao nhất cả nước trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Cụ thể, môn tiếng Anh có 279 điểm 10; Hóa học 190; Địa lý 46; Toán 43; Sinh học 34; Vật lý 13; Giáo dục công dân 10; tiếng Nga 3; tiếng Pháp 1; tiếng Nhật 1. Trong gần 73.000 thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm nay (đông nhất cả nước), Hà Nội có 3 thủ khoa 30 điểm ở tổ hợp khối A Toán – Lý – Hóa. Điểm cao nhất khối A1 là 29,55; khối B là 29,8; khối D là 28,4.
Địa phương có số lượng điểm 10 cao thứ nhì cả nước là TPHCM với 453 điểm. Có 2 thí sinh được điểm tuyệt đối cả 3 môn của tổ hợp Toán – Hóa – Sinh. Tiếp đến là Nghệ An với 207 bài điểm 10. Thanh Hóa đứng thứ tư với 199 điểm 10. Đứng vị trí thứ năm trong tốp địa phương được nhiều điểm 10 nhất là Nam Định và Thái Bình với 128 bài.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.