Bệnh nhân tay chân miệng tăng mạnh
Trường Mẫu giáo thị trấn Cù Lao Dung (Sóc Trăng) phải đóng cửa 10 ngày vì xảy ra bệnh tay chân miệng – Ảnh: K.Tâm
Thống kê hai tuần gần đây cho thấy có đến 28 tỉnh thành có số ca mắc tay chân miệng tăng so với hai tuần trước đó. Đặc biệt Đà Nẵng, Khánh Hòa, Yên Bái, Tuyên Quang, Sóc Trăng, Quảng Ngãi… số mắc mới tăng mạnh từ 22-700% so với trước.
Trên 10.000 ca bệnh trong hai tháng
Tổng hợp của Cục Y tế dự phòng cho thấy tính từ đầu năm đến nay, trung bình một tuần có khoảng 1.000 ca mắc tay chân miệng mới. So với cao điểm năm 2011 và 2012, số mắc mới hằng tuần chưa cao bằng (giai đoạn cao điểm có tới 3.000-5.000 ca mắc mới/tuần), nhưng so với hai tháng đầu năm 2012 là giai đoạn tăng vọt về số mắc so với cùng kỳ, thì hai tháng đầu năm 2013 cũng có đến trên 10.000 trường hợp mắc tay chân miệng, xấp xỉ cùng kỳ 2012.
Đặc biệt, độc lực virút gây bệnh vẫn ở mức rất cao, trường hợp trẻ 4 tháng tuổi ở An Giang khởi bệnh do nhiễm virút tay chân miệng type 71 ngày 26-2 vừa qua đã tử vong chưa đầy một ngày sau khi phát bệnh, chứng tỏ độc lực của virút gây bệnh. Bộ Y tế dẫn 56 trường hợp tử vong tại Campuchia do tay chân miệng thời gian qua, khi phần lớn các cháu đều sốt cao, suy hô hấp và tử vong chỉ sau 24 giờ nhập viện.
Theo Cục Y tế dự phòng, năm 2012 vừa qua chỉ tiêu số mắc tay chân miệng mới giảm 10% so với cùng kỳ là chỉ tiêu duy nhất không đạt trong công tác phòng chống tám bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do số mắc tăng tới 39%, ở mức trên 150.000 ca mắc cả năm.
Dự báo diễn biến sẽ phức tạp
Ông Nguyễn Văn Bình dự báo do các nước và lãnh thổ trong khu vực như Nhật Bản, Hàn Quốc, Macau (Trung Quốc), Singapore, Campuchia tiếp tục ghi nhận số mắc mới cao, nên năm 2013 bệnh tay chân miệng vẫn diễn biến phức tạp trên diện rộng, với số mắc mới trên 100.000 ca, nguy cơ tỉ lệ mắc tăng cao vào hai giai đoạn tháng 4-5 và 9-11 tới đây.
Bệnh tay chân miệng đã tăng mạnh ngay từ đầu năm, ông Bình lo ngại hiệu quả truyền thông phòng bệnh chưa đến được nhóm gia đình có con nhỏ dưới 5 tuổi và người chăm sóc trẻ. “Rất khó xác định trẻ mắc bệnh tại nhà hay tại trường học, nhưng tỉ lệ bàn tay người chăm sóc trẻ mang virút khá cao. Chúng tôi đang hướng đến một chiến dịch toàn quốc về rửa tay sạch vào tháng 4. Đồng thời mở chiến dịch vệ sinh môi trường trong trường học, nhất là các nhà trẻ và trường mẫu giáo”- ông Bình nói với Tuổi Trẻ.
Chú ý bệnh sốt xuất huyết và thủy đậu Ông Nguyễn Văn Bình cho biết so với cùng kỳ năm 2011, số mắc sốt xuất huyết năm 2012 đã giảm khoảng 20%. Tuy nhiên như thông thường hằng năm, dịch sốt xuất huyết sẽ diễn biến theo hình dicdăc, cứ năm trước giảm năm sau lại tăng và lo ngại năm 2013 bệnh sốt xuất huyết sẽ gia tăng. Tại Bệnh viện Da liễu Hà Nội, những tuần qua cũng rải rác xuất hiện bệnh nhân thủy đậu (bệnh trái rạ). Đặc điểm của mùa bệnh năm nay là phần lớn người bệnh đều là người trưởng thành, trong khi thủy đậu vốn là bệnh thường gặp ở trẻ em. Do đối tượng mắc bệnh bất thường nên biểu hiện bệnh khá nặng, bệnh nhân đến viện có sốt, kèm nhiều nốt phỏng nước to và sẽ để lại sẹo sâu lâu liền trên da. Trong khi đó bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết tình hình dịch tay chân miệng và sốt xuất huyết trên địa bàn những tuần qua không có biến động. Từ ngày 27-2 đến 5-3 toàn TP ghi nhận 99 ca bị sốt xuất huyết nhập viện, giảm 48 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh tay chân miệng có 78 ca nhập viện, giảm một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. |
Bùng phát bệnh ở Sóc Trăng
Những ngày qua, bệnh tay chân miệng bùng phát ở Sóc Trăng, đáng lưu ý là ở huyện Cù Lao Dung. Chỉ chưa đầy một tháng, địa phương này có 37 ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong số 37 ca được phát hiện tại đây có bốn ca độ 2A, số còn lại là độ 1. Số ca mắc bệnh tập trung ở nhóm trẻ từ 3-5 tuổi.
Ổ bệnh tại điểm Trường Mẫu giáo thị trấn Cù Lao Dung gây xôn xao nhất, khiến lãnh đạo địa phương phải cho học sinh trường này tạm nghỉ học 10 ngày. Cô Nguyễn Thị Bé Hai, hiệu trưởng Trường Mẫu giáo thị trấn Cù Lao Dung, cho biết ngày 26-2 nhà trường chỉ phát hiện hai bé mắc bệnh tay chân miệng, nhưng sau đó có thêm một số trẻ bị mắc bệnh nên trường được cho nghỉ từ ngày 1 đến 10-3. Theo cô Bé Hai, trong thời gian học sinh nghỉ học, ngành y tế huyện đã phun hóa chất 2 lần/ngày. Nhà trường cũng tiến hành làm tổng vệ sinh. Ngày 11-3 học sinh đi học trở lại. Trường Mẫu giáo thị trấn Cù Lao Dung có 345 bé theo học. Trung tuần tháng 10-2012, trường cũng có một đợt cho học sinh nghỉ học do xảy ra bệnh tay chân miệng.
Bác sĩ Nguyễn Phước Lộc, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cù Lao Dung, cho biết thêm bệnh tay chân miệng ở trường mẫu giáo thị trấn hiện cơ bản tạm ổn. Điều đáng lo là bệnh tay chân miệng đã “vượt ranh giới” thị trấn, bột phát sang các địa bàn lân cận. Hầu như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận ca bệnh mới.
Qua tổng hợp của Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay tỉnh này có gần 400 ca mắc bệnh tay chân miệng. Bác sĩ Trần Văn Khải, phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng, cho biết theo quy luật, mỗi năm có hai chu kỳ bột phát bệnh tay chân miệng là khoảng tháng 3-4 và tháng 9-10. Tuy nhiên hai năm trở lại đây, bệnh tay chân miệng đã “phá quy luật”, bùng phát rải rác quanh năm và không tập trung ở địa phương nào.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.