Ngày 8-7, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bế mạc tại thành phố Hamburg, Đức. Các nước đã ra tuyên bố chung thể hiện tiếng nói đồng thuận trong các nội dung quan trọng bao gồm thương mại, chống khủng bố và biến đổi khí hậu.
Thắng lợi của Tổng thống Donald Trump
Trong tuyên bố cuối cùng được lãnh đạo 20 nền kinh tế thành viên nhất trí, 19 thành viên của G20 công nhận quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.
Trong khi đó, Mỹ cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ để hỗ trợ các nước khác được tiếp cận và sử dụng nhiên liệu hóa thạch hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn, cũng như hỗ trợ triển khai các nguồn năng lượng sạch và tái tạo khác.
Các nhà lãnh đạo G20 tham dự hội nghị tại Hamburg
Đối với vấn đề thương mại, các nhà lãnh đạo cam kết sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, trong đó có thương mại thiếu công bằng, nhưng mặt khác cũng dành sự tôn trọng đối với vai trò của các công cụ phòng vệ hợp pháp trong thương mại.
Giới quan sát nhận định tuyên bố chung của G20 là một thắng lợi đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, mở đường cho người đứng đầu Nhà Trắng theo đuổi các chủ trương về thúc đẩy việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và bảo hộ các doanh nghiệp trong nước trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài. Đồng thời, tuyên bố này cũng mở cửa cho các nước tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, vốn bị cho là nguyên nhân gây ấm lên toàn cầu.
Trước đó, vào cuối ngày làm việc 7-7, tuyên bố chung của các nước G20 đã lên án mạnh mẽ việc tài trợ cho chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cam kết hành động để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm và tổ chức trái pháp luật.
Một trong những giải pháp được nêu ra là hỗ trợ hệ thống tài chính quốc tế chống lại việc tài trợ cho khủng bố và tăng cường hợp tác quốc tế cũng như trao đổi thông tin về lĩnh vực này.
Các nước G20 cũng hối thúc các nước ủng hộ Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), một tổ chức quốc tế gồm 37 quốc gia thành viên, trong việc ngăn chặn hiệu quả các nguồn tài trợ cho khủng bố.
Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria
Liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố ở Syria, sau cuộc hội đàm kéo dài hơn dự kiến giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị G20, hai bên đã đạt thỏa thuận ngừng bắn và thỏa thuận giảm leo thang căng thẳng tại Tây Nam Syria, một trong những mặt trận khốc liệt của cuộc nội chiến kéo dài 6 năm qua ở quốc gia Trung Đông này.
Lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực từ ngày 9-7. Lệnh ngừng bắn này do các chuyên gia từ Nga, Mỹ và Jordan nhất trí tại cuộc họp ở thủ đô Amman của Jordan nhằm giảm xung đột ở khu vực Tây Nam Syria.
Tiếp tục các cuộc gặp bên lề G20, Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc gặp thảo luận các giải pháp cho vấn đề Ukraine.
Cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Ukraine, Nga, Pháp, Đức) đang chuẩn bị tiến hành điện đàm và nhiều khả năng sẽ công bố thông tin về một cuộc gặp sắp tới của nhóm, với sự tham dự của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko.
Trong khi đó, để đảm bảo an ninh tại khu vực diễn ra hội nghị, các cơ quan an ninh Đức đã quyết định triển khai một khẩu đội súng máy để đảm bảo an ninh trật tự tại Hamburg.
Quyết định trên được đưa ra nhằm ngăn chặn các vụ biểu tình bạo lực để phản đối Hội nghị thượng đỉnh G20. Tính đến ngày 8-7, đã có 196 nhân viên an ninh bị thương, 83 người biểu tình bị tạm giữ vì có hành vi gây rối tại các cuộc biểu tình phản đối hội nghị.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.