NSND Đào Bá Sơn-“Đám mây không dừng lại!”

NSND Đào Bá Sơn khiến người khác phải nể phục với gia tài hơn 80 phim điện ảnh, hàng trăm vai diễn lớn nhỏ trong phim truyền hình nhưng ông chưa dừng lại ở đó

                     

Gần nửa thế kỷ làm diễn viên với hàng trăm vai diễn điện ảnh lẫn truyền hình, rồi thành công ở vai trò đạo diễn với hàng loạt giải thưởng, tạo nên tên tuổi cho nhiều diễn viên, đến giờ, đạo diễn – NSND Đào Bá Sơn vẫn tiếp tục làm việc, cống hiến dù ông đã về hưu. Nhiều người trong giới gọi ông là “đám mây không dừng lại” – như tên của bộ phim tài liệu của ông đã từng được vinh danh tại giải Cánh diều.


Đạo diễn – NSND Đào Bá Sơn (trái) trên trường quay phim Long thành cầm giả ca (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Người thiếu thời gian

Những ngày này, khán giả màn ảnh nhỏ có thể thấy Đào Bá Sơn trong bộ phim Gọi yêu thương (đang phát sóng trong giờ phim tối của HTV7). Vai diễn giám đốc sang trọng, quyền lực không phải là một hình ảnh quá mới đối với diễn viên có gương mặt mang vẻ đẹp “mực thước, chuẩn đến mức không thể vào vai nông dân, nghèo khổ” như nhận định vui của những người trong giới.

Nhưng đó là sự lao động hết sức nghiêm túc, luôn “làm những gì có thể với nghề” của đạo diễn – diễn viên Đào Bá Sơn, như ông nói: “Tôi vốn xuất thân là diễn viên nên đóng vai dài hay ngắn, trong phim nhựa hay truyền hình đều là niềm vui. Tôi chỉ từ chối nếu vai diễn không phù hợp hoặc những khi quá bận rộn. Về hưu rồi mà tôi thấy mình còn làm việc nhiều hơn trước nữa, lúc nào cũng thấy thiếu thời gian”.

Cách đây 2 ngày, đạo diễn Đào Bá Sơn cũng vừa chính thức bấm máy bộ phim truyền hình về đề tài giới trẻ trong những biến cố va đập của đời sống. Đào Bá Sơn ít làm phim nhưng một khi đã làm thì phải chọn được kịch bản tâm đắc và mọi thứ phải được chuẩn bị chu đáo từng chút.

Thời làm phim Long thành cầm giả ca (phim đoạt được nhiều giải thưởng trong nước), ông cẩn thận đến mức ngồi săm soi từng ngón tay của diễn viên Bùi Bài Bình, Quách Ngọc Ngoan xem hóa trang đã kỹ lưỡng chưa. Mỗi một cảnh quay, ông đều ra thị phạm, hướng dẫn diễn viên bằng tất cả kinh nghiệm, kỹ năng diễn xuất tích tụ trong suốt hàng thập kỷ làm diễn viên của mình.

Khuôn mặt làm nên bi kịch!

“Ngày trước, tôi chẳng có nhiều cơ hội khẳng định mình. Bởi cái mặt tôi, tự thân nó đã làm nên bi kịch!” – đạo diễn Đào Bá Sơn hài hước. Mà thật vậy, vì khuôn mặt “giống Tây” nên ông toàn được mời vào vai phản diện, hết đóng vai quan Tây đến vai sĩ quan quân đội Mỹ.

“Cứ mỗi lần được mời đóng phim là tôi đã biết vai của mình không giết người cũng cướp của, đốt làng phá xóm, dẫn quân đi càn quét, hiếp dâm; nhẹ lắm thì cũng nham hiểm, thủ đoạn, tra tấn người khác Tôi hay nói vui rằng nhân vật tôi đóng chỉ có “vật” chứ không có “nhân”. Khát vọng lớn nhất của tôi lúc đó là có “cái mặt thuần Việt”, nếu được vậy biết đâu tôi đã không làm đạo diễn” – đạo diễn Đào Bá Sơn kể.

Khuôn mặt bi kịch không chỉ khiến ông luôn trở thành “kẻ tàn ác” trên màn ảnh mà còn là nỗi ám ảnh cả trong cuộc sống đời thường. “Có một lần, con gái tôi – khi ấy mới 5 tuổi – xem phim tôi đóng xong bật khóc, oán tôi: “Con ghét bố, bố độc ác! Con không chơi với bố nữa!”. Tôi giải thích thế nào bé cũng không nghe. Đêm mùa đông, tôi nằm ôm con vào lòng, bé đạp mạnh, hất tôi ra. Tôi đã rơi nước mắt, thật sự ân hận, rồi tôi quyết định phải thay đổi, quyết tâm không đóng vai ác nữa” – NSND Đào Bá Sơn tâm sự.

Vậy là từ bỏ những hình ảnh phản diện trên phim, ông bước thẳng ra phim trường hiên ngang trở thành “vua trường quay”, chỉ đạo thực hiện bộ phim Người tìm vàng (1988), trong đầu chỉ có “vốn liếng” là kỹ năng diễn xuất

Đầy ưu tư

Ấy vậy mà, bộ phim đầu tay của ông – Người tìm vàng – được trao giải đặc biệt tại Liên hoan Phim Việt Nam lần 9 (1989). “Lúc mới làm diễn viên, tôi chỉ được giao vai quần chúng, nói đúng một câu thoại. Khi phim ra rạp, tôi trở thành nỗi thất vọng của người thân, bạn bè. Còn có người nói thẳng vào mặt: “Thằng này vứt đi, ăn học điện ảnh mấy năm trời mà đóng cái kiểu gì kỳ vậy?” – Đào Bá Sơn kể.

Và cũng như cách quyết tâm khẳng định khả năng diễn xuất của mình từ sau “lời chê phũ phàng” như tạt nước lạnh vào mặt năm nào, Đào Bá Sơn nói khi bắt tay làm phim, ông tự nhủ nhất định không được lặp lại thất bại đáng xấu hổ ngày trước nữa. “Lúc đó, tôi luôn nhớ lời nói của cố đạo diễn Hồng Sến: “Có thể non tay nghề nhưng bộ phim phải có cái riêng của người đạo diễn”. Chính lời dạy giản dị mà sâu sắc ấy đã làm nên dấu ấn trong những bộ phim của tôi sau này” – đạo diễn Đào Bá Sơn bộc bạch.

“Tôi hiểu được giới hạn của mình trong thị trường điện ảnh nhưng mỗi đạo diễn có những lựa chọn nghề nghiệp riêng. Kinh nghiệm là điều tuyệt vời nhưng cũng là vật cản cho sáng tạo. Chúng tôi – những người thuộc thế hệ làm nghề trước – luôn ý thức được điều đó” – đạo diễn phim Long thành cầm giả ca ưu tư khi dòng phim ông theo đuổi đã không có được số đông khán giả.

Dẫu vậy, “người còn lại của điện ảnh một thời” Đào Bá Sơn vẫn khẳng định một điều rất đáng suy ngẫm: “Cái trẻ trong sáng tạo luôn tươi tắn, luôn mới, rất quý và đáng trân trọng, nhất là khi ta nắm bắt được nhịp sống đương đại. Nhưng điều ấy cũng không hẳn đúng. Trong giải trí thì có giá trị nhưng trong nghệ thuật thì không. Chúng ta có nhiều phim giải trí hấp dẫn khán giả nhưng còn quá ít những tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa. Chúng ta có nhiều phim đúng nhưng lại có ít phim hay!”.