Giáo dục đại học: Sẽ chuyển hướng trọng tâm từ giảng dạy sang nghiên cứu
Hiện, hầu hết trường đại học Việt Nam đầu tư phần lớn nguồn lực (nhân lực, kinh phí, thời gian) vào hoạt động giảng dạy sinh viên. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định, tới đây tất cả các trường ĐH sẽ phải chuyển hướng chiến lược mục tiêu sang nghiên cứu.
Thông tin này được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại Hội nghị “Phát triển khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ KH-CN tổ chức diễn ra sáng ngày 29/7 tại Hà Nội.
Câu hỏi “Nhiệm vụ quan trọng nhất của các trường đại học là giảng dạy hay nghiên cứu? Hoạt động nào quan trọng hơn?” đã được nhiều nền giáo dục đặt ra từ lâu. Dễ thấy, ở các trường đại học hàng đầu thế giới hay khu vực, hoạt động nghiên cứu là kim chỉ nam. Khả năng kiếm tiền của giảng viên/nhà khoa học từ nghiên cứu là cực kỳ lớn và cũng là nguồn thu chủ yếu. Còn ở Việt Nam từ trước đến nay, hoạt động giảng dạy luôn được các cơ sở giáo dục đại học xem là phương châm mục tiêu “sống còn”. Trường thu học phí của học sinh, tôn chỉ mục đích chính là dạy học cho sinh viên.
Và mặc dù chiếm tới hơn một nửa nhân lực nghiên cứu khoa học (NCKH) của cả nước, song đầu tư, phân bổ kinh phí cho hoạt động NCKH trong các trường đại học còn nhiều bất cập, hạn chế. Ngân sách của trường đại học Việt Nam chủ yếu dành cho hoạt động giảng dạy, đào tạo.
Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, đây cũng là điều trăn trở của ngành giáo dục nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ.
“Điểm nghẽn” KHCN nằm ở chính tư duy quản trị của trường đại học
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, tiềm lực KHCN của các trường đại học đang dần chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, bất cập lớn nhất nằm ở chỗ hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đáng lẽ ra phải là nhiệm vụ căn bản, trọng tâm thì chỉ vài trường đại học “đếm trên đầu ngón tay” chú trọng đầu tư.
Bộ trưởng Nhạ chỉ rõ: Cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ giảng viên tham gia NCKH của các cơ sở giáo dục đại học chưa mạnh mẽ và hiệu quả; chính sách hỗ trợ các trường trong việc thúc đẩy hoạt động KHCN còn bất cập; các trường, giảng viên chưa thực sự coi trọng NCKH, thiếu đầu tư trọng điểm cho các nhóm nghiên cứu gắn với các ngành đào tạo trọng tâm.
“Điểm yếu hiện nay không hẳn là môi trường chính sách mà thuộc về tư duy quản trị của trường đại học về nghiên cứu KHCN”, Bộ trưởng Phùng Xuân nhạ đánh giá.
Ông cho rằng, chính các trường đại học phải chủ động hơn nữa, làm sao để cách mạng KHCN trong các trường đại học phải có khởi sắc thực sự. Không phải chỉ có tính chất phong trào, vì một số mục tiêu cá nhân hay thành tích trong xếp hạng. Trường đại học phải xem hoạt động NCKH như giải pháp có tính chiến lược để nâng cao các mặt của nhà trường, trong đó có hoạt động đào tạo. Từ đó, tạo ra một ảnh hưởng lớn cho nhà trường và xã hội.
Người đứng đầu ngành giáo dục xác định, sắp tới tất cả các trường đại học sẽ phải hướng mục tiêu quan trọng vào nghiên cứu KHCN thay vì giảng dạy đơn thuần như hiện tại. Tất cả các cơ sở giáo dục phải nghiên cứu, nghiên cứu để tạo ra thương hiệu, thúc đẩy sự tồn tại của giáo dục đại học mang tính bền vững trong tương lai. Trong đó, nghiên cứu cơ bản là cốt lõi nhằm nâng cao năng suất của nền kinh tế.
Trường đại học “lên tiếng”
Trong khuôn khổ hội nghị, nhóm nghiên cứu độc lập do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì trình bày báo cáo “Khảo sát, đánh giá hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục ĐH giai đoạn 2011-2016”. Trên cơ cơ sở báo cáo đề dẫn này, các đại biểu tham dự hội nghị đã thảo luận thẳng thắn, cởi mở về phương hướng chuyển mục tiêu trường đại học – tập trung vào hoạt động NCKH mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã nêu.
Trong phần thảo luận hội nghị, Hiệu trưởng một trường đại học băn khoăn bày tỏ: “Bộ chuyển hướng sang nghiên cứu thì cũng nên từ từ, trước mắt để cho các trường đi bằng “hai chân” – giáo dục và nghiên cứu. Nếu bảo chuyển ngay sau 3 năm tới thì nguy cơ các trường phá sản…”.
Đại diện nhiều nhà trường chia sẻ, không phải họ không chú trọng hoạt động KHCN nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì gặp nhiều vấn đề khó khăn, nan giải.
TS Nguyễn Quang Linh – Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết, mấy năm nay nhà trường cũng cố gắng tập trung vào hoạt động nghiên cứu, tham gia các vườn ươm khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, sản phẩm nghiên cứu ra bán rất khó.
“Lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn như của chúng tôi bán không ai mua”, ông nói. Do đó, đại diện này kiến nghị Bộ Giáo dục có cơ chế đặt hàng, để giải quyết tình trạng nhà trường có những sản phẩm khoa học rất tốt nhưng không biết bán thế nào. Thêm nữa, TS Linh mong rằng, Nhà nước sẽ có chính sách “cởi trói” cho nhà khoa học để họ có thể làm chủ, tự thành lập doanh nghiệp kinh doanh khoa học song song với công tác nghiên cứu, giảng dạy như các giáo sư ở trường ĐH phương Tây.
PGS.TS. Nguyễn Trọng Hoài (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM) kiến nghị Bộ nên có cơ chế để hình thành viện nghiên cứu đa ngành. Bởi lẽ, hiện tại các trường đại học Việt Nam tồn tại với lịch sử lâu đời theo mô hình châu Âu cũ (đơn ngành): như ĐH Kinh tế, ĐH Y, ĐH Dược…
Ông Hoài cũng phân tích khó khăn về ngân sách đầu tư nghiên cứu, đặc biệt là huy động ngân sách cho nghiên cứu cơ bản. “Ngân sách dành cho nghiên cứu của các trường đại học rất hạn hẹp. Chúng ta nên có cơ chế từ ngân sách nhà nước có tài trợ cho các nghiên cứu cơ bản”, vị này kiến nghị.
Lãnh đạo nhiều trường đại học dân lập cho biết, trường công lập đã khó thì trường dân lập càng khó khăn hơn trong việc có nguồn vốn cho hoạt động NCKH.
NGƯT. Lê Công Cơ (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân) tâm sự: “Biết rằng nghiên cứu KHCN sẽ nâng chất lượng giảng dạy đại học vì giáo dục đại học là phải tạo ra tri thức mới, mà muốn như vậy bắt buộc phải nghiên cứu nhưng khi bắt tay vào các trường, đặc biệt là trường đại học dân lập gặp nhiều khó khăn về kinh phí, nguồn vốn, cơ sở phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu”. Ông Cơ đề xuất, Bộ nên chăng có chính sách cho các trường đại học sử dụng chung phòng thí nghiệm.
“Không phải đùng một cái sẽ dừng đào tạo ngay”
Liên quan đến tự chủ hoạt động KHCN trong nhà trường, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ rõ: cơ cấu tổ chức bộ môn do các trường quyết định. Về bán mặt hàng nghiên cứu, theo tinh thần tự chủ thì giám đốc – hiệu trưởng phải là người chủ xử lý dịch vụ của mình, cả việc bán sản phẩm ra thị trường. Bộ Giáo dục chỉ đứng ra đặt hàng các mặt hàng nhà nước cần chứ không đứng ra đặt hàng tất cả. Cơ chế ưu tiên, đãi ngộ các nhà khoa học cũng phải là chính sách chiến lược của nhà trường.
Trước băn khoăn của đại diện các nhà trường về việc hướng trọng tâm vào nghiên cứu, Bộ trưởng Nhạ nêu rõ: “Vấn đề chuyển hướng mục tiêu các trường đại học, không phải một lúc là chuyển ngay sang hoạt động KHCN. Chúng ta chuyển dần nhưng trong quá trình chuyển, gắn nghiên cứu với đào tạo, đặc biệt là các ngành chất lượng cao. Chúng ta chuyển có lộ trình, không phải đùng một cái dừng ngay hoạt động đào tạo”.
Theo ông, trong lộ trình này, phải hình thành nhận thức trong lãnh đạo, trong nhà khoa học, trong giảng viên thì hoạt động NCKH mới có bước tiến được.
Bộ trưởng Nhạ cũng cho biết, sắp tới sẽ hướng đến thành lập Quỹ ngành. Ngoài ngân sách nhà nước thì huy động nguồn lực xã hội để cấp cho các sản phẩm NCKH thực sự chất lượng. Trong lúc nguồn cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu KHCN còn khó khăn, người đứng đầu ngành giáo dục khuyến nghị các nhà trường, thầy cô chủ động, linh hoạt tìm hướng chia sẻ vật lực và nghiên cứu chung. Đẩy mạnh sử dụng cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu chung thông qua hợp tác trong các dự án nghiên cứu chứ không phải qua con đường hành chính.
Nguồn Dân Trí
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.