Vì sao hàng ngàn phương tiện “né” trạm thu phí Cai Lậy?
Mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện, nhất là xe khách dưới 15 chỗ, xe tải… không mua vé qua trạm thu phí của Tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang).
Từ ngày 1/8, khi trạm thu phí của Tuyến tránh Cai Lậy chính thức hoạt động tại Quốc lộ 1, thuộc xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Phản ứng về trạm thu phí này, một số tài xế dùng nhiều tiền lẻ mua vé qua trạm gây khó khăn cho nhân viên thu phí. Hàng nghìn phương tiện đi vào các tuyến đường khác để “né” mua vé qua trạm…
Đến nay, đa số các phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 đến trạm thu phí Tuyến tránh Cai Lậy đã giảm tình trạng cố tình sử dụng tiền lẻ bỏ vào chai nhựa để mua vé qua trạm thu phí. Tuy nhiên, mỗi ngày có hàng nghìn phương tiện nhất là xe khách dưới 15 chỗ ngồi, xe tải… không mua vé qua trạm mà đi vào huyện lộ 63 và 67 . Sau đó, các phương tiện này rẽ vào tuyến tránh hay Quốc lộ 1.
Lái xe cho rằng, mức giá từ 35.000-180.000 đồng/lượt qua trạm thu phí là quá cao so với các trạm thu phí đường bộ khác trong khu vực.
Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ xe ô tô tải ở huyện Cái Bè, không chịu mua vé qua trạm thu phí này mà tránh vào tuyến đường khác. Ông Dũng cho rằng, thu phí đường như vậy là không hợp lý, giá quá cao.
“Đường cao tốc 49km mà chỉ đóng phí 88.000 đồng, đường này có 13 km mà thu gấp đôi, lên đến 60.000 đồng/lượt. Tôi chạy xe tải nên đề nghị giảm mức phí để nhà xe nhờ”, ông Dũng lên tiếng.
Qua tìm hiểu của phóng viên VOV, Dự án BOT Tuyến tránh Cai Lậy nhà đầu tư không chỉ xây dựng tuyến tránh dài gần 13 km mà còn bê tông nhựa mặt đường và sửa chữa, nâng cấp 14 cây cầu trên Quốc lộ 1, từ Cai Lậy đến Cái Bè. Toàn dự án có tổng chiều dài hơn 38 km, trong đó xây dựng tuyến tránh 1.000 tỉ đồng và khoảng 400 tỉ đồng đầu tư nâng cấp Quốc lộ 1. Thời gian thu phí của dự án là 6 năm 4 tháng.
Về mức phí qua trạm, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ Tiền Giang – đơn vị khai thác tuyến tránh Cai Lậy và Quốc lộ 1 cho biết: mức thu phí qua trạm là do sự thống nhất giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính, đơn vị không có quyền quyết định. Ngoài 11 đối tượng phương tiện giao thông được miễn phí, phía doanh nghiệp đã miễn phí cho hơn 100 đầu xe của người dân 4 xã trong vùng dự án thuộc huyện Cai Lậy và Thị xã Cai Lậy.
“Chủ đầu tư chỉ thực hiện đúng theo quy định của Bộ Tài chính và Bộ Giao thông ban hành. Mức thu phí không phải của chủ đầu tư ban hành mà chỉ thực hiện theo mức giá của 2 Bộ quy định, không làm sai. Phía chủ đầu tư cũng tiếp nhận rất nhiều ý kiến của tài xế. Đơn vị đã thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận tất cả các ý kiến, kiến nghị của tài xế”, ông Nguyễn Phú Hiệp phân trần.
Hiện nay, do có quá nhiều phương tiện né trạm thu phí, ra vào các tuyến đường vùng nông thôn của huyện Cai Lậy khiến cho tình hình giao thông ở khu vực này bị xáo trộn và kém an toàn. Đáng lưu ý tại tại các ngã ba Giồng Tre thuộc xã Bình Phú và ngã ba Chợ Giồng thuộc xã Phú An, huyện Cai Lậy thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn ứ giao thông.
Ông Phan Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết, tuyến đường huyện lộ 63 do các phương tiện né trạm thu phí đã quá tải, gây hư hỏng nặng. Các ngành chức năng cần xử lý tình trạng xe quá tải lưu thông.
Trước tình trạng hàng ngàn phương tiện né trạm thu phí đi vào các tuyến đường khác rồi cũng đổ ra Tuyến tránh Cai Lậy hay Quốc lộ 1 đang gây mất an toàn giao thông, hư hỏng đường. Phía nhà đầu tư Tuyến tránh Cai Lậy đã có văn bản kiến nghị gửi đến các ngành chức năng tỉnh Tiền Giang để có hướng xử lý.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, đơn vị đã có kế hoạch phối hợp với các ngành liên quan để đảm bảo an toàn giao thông tại trạm thu phí tuyến tránh Cai Lậy, không để xảy ra ùn tắc giao thông. Đồng thời phân công lực lượng kiểm tra, xử lý các phương tiện quá tải đi vào các tuyến đường khác để né qua trạm thu phí.
Việc triển khai xây dựng dự án Tuyến tránh Cai Lậy và nâng cấp Quốc lộ 1 địa bàn Thị xã Cai Lậy – huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông tại Thị xã Cai Lậy.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thu phí giữa nhà đầu tư dự án và chủ phương tiện, lái xe chưa có sự thấu hiểu, chia sẻ về lợi ích cũng như trách nhiệm dẫn đến việc “né” trạm thu phí; gây bất ổn về giao thông; khiến nhiều tuyến huyện lộ bị hư hỏng trầm trọng. Rất cần một giải pháp tổng thể cho vấn đề của các bên liên quan.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.