Diễn đàn “Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi”

(THTG) Ngày 11/8, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tiền Giang tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, với chủ đề “Giải pháp ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi”.

vlcsnap-2017-08-11-15h37m35s963 vlcsnap-2017-08-11-15h39m18s815

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Việt Bình

Nhận thức rõ vai trò, động lực của khoa học, công nghệ trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi, thời gian gần đây, ngành nông nghiệp các tỉnh phía Nam tích cực tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nước và thế giới, chủ động ứng dụng vào chăn nuôi thực tế, nhằm tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, nhưng vẫn bảo đảm đạt được lợi nhuận cao và bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Các công nghệ cao, tiên tiến đang được người chăn nuôi phía Nam ứng dụng rộng rãi như: chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống đến chế biến, tiêu thụ; sản xuất thức ăn, thuốc thú chất lượng cao, tự động hóa chuồng trại,…đã giảm được công lao động, giảm chỉ số tiêu tốn thức ăn, giảm giá thành so với phương thức chăn nuôi truyền thống.

vlcsnap-2017-08-11-15h40m19s452

Ban cố vấn giải đáp những câu hỏi từ đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Việt Bình

Tại Tiền Giang, người chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, với các mô hình chăn nuôi chuyên canh quy mô lớn, con giống tốt, áp dụng quy trình Việt GAP, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất con giống – bao tiêu thức ăn – tiêu thụ sản phẩm như: nuôi chim cút lấy trứng xuất khẩu, sản xuất giống dê Bore lai; chăn nuôi heo trên đệm lót sinh thái, nuôi gà ta Việt GAP… đã góp phần giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn về giá bán sản phẩm thịt, trứng không ổn định như hiện nay.

So với các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp khác, chăn nuôi gia súc, gia cầm cho lợi nhuận cao hơn, nhưng rủi ro cũng rất cao. Chính vì vậy, sau diễn đàn này, Tiền Giang và các tỉnh chăn nuôi trọng điểm phía Nam tập trung cao thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ cao, các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào chăn nuôi, từng bước công nghiệp hóa ngành chăn nuôi theo hướng chăn nuôi trang trại, kiểm soát dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường, cung hài hòa cầu,…. đúng theo lộ trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi của từng địa phương.

Kim Nữ