Văn phòng Quốc hội góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Phát biểu khai mạc, đồng chí Đặng Văn Chiến, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh: Văn phòng Quốc hội xác định việc góp ý kiến vào Dự thảo là nhiệm vụ trọng tâm, là đợt sinh hoạt chính trị pháp lý quan trọng nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của cán bộ, công chức; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự đồng thuận và nhất trí cao, thể hiện ý chí, nguyện vọng của đội ngũ tham mưu, giúp việc của Quốc hội trong việc sửa đổi Hiến pháp.
Hội nghị góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. (Ảnh: TH). |
Dự thảo đã bảo đảm cụ thể hóa các quan điểm của Đảng trong Cương lĩnh và văn kiện của Đại hội Đảng khóa XI về sửa đổi Hiến pháp năm 1992 như: Xác lập cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, trong sạch, vững mạnh; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong điều hành của Chính phủ. Xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế vì mục tiêu xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ,công bằng, văn minh; tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa ; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Nội dung sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo đã cơ bản giải quyết được những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung của Dự thảo cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Đóng góp ý kiến về quy định vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng tại Điều 4 của Dự thảo, các ý kiến đều khẳng định vị trí và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với nhà nước và xã hội; khẳng định tính đúng đắn của Điều 4 Hiến pháp như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân quy định tại Chương II Dự thảo, một số ý kiến cho rằng, quyền công dân gắn chặt với nghĩa vụ với Nhà nước, được quy định chặt chẽ trong Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, Dự thảo nên viết theo hướng phân biệt rõ hơn những quy định về quyền con người và quyền công dân theo một cách viết thống nhất. Đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về “quyền phúc quyết của nhân dân” đối với Hiến pháp (như Điều 70 của Hiến pháp năm 1946), trong đó xác lập nguyên tắc hoặc quy định rõ các vấn đề trọng đại nhất thiết phải đưa ra cho nhân dân phúc quyết.
Về kỹ thuật lập hiến, Dự thảo đã cơ bản thể hiện đúng tính chất là đạo luật cơ bản của Nhà nước, nhưng vẫn cần khái quát hơn, không nên cụ thể hóa như một văn bản luật thông thừờng để đảm bảo tính dự báo và ổn định lâu dài.
Các đại biểu còn tập trung làm rõ thêm các thiết chế tổ chức bộ máy nhà nước, mô hình bảo hiến, Hội đồng bầu cử Quốc gia, vai trò của Mặt trận Tổ quốc; các quy định về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, môi trường …/.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.