Bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã, chỉ giao đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý là chưa phù hợp
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) hiện nay đang được tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Có thể nhận thấy rõ một số hạn chế trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) như sau:
Rừng phòng hộ ven biển Cà Mau ( Ảnh minh họa. Nguồn: canthotv.vn) |
Thứ nhất, Điều 34, 35, 36 liên quan đến lập quy hoạch sử dụng đất. Việc bỏ quy hoạch sử dụng đất cấp xã trong một số nội dung ở các điều trên là không hợp lý và chưa phù hợp với Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Hiến pháp mới. Lý do là: Hiến pháp quy định hệ thống đơn vị hành chính nhà nước có cơ quan hành chính cấp xã (Điều 118 Hiến pháp 1992 và Điều 115 của Dự thảo Hiến pháp mới). Cấp xã có cơ quan hành chính, nghĩa là đại diện cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Theo quy định tại Điều 119 Hiến pháp năm 1992 và Điều 116 của Dự thảo Hiến pháp mới ”Hội đồng nhân dân (HĐND) là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, do nhân dân địa phương bầu ra, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên”. HĐND cấp xã đại diện cho nhân dân trong xã sở hữu về đất đai và thẩm quyền thực hiện sở hữu về đất đai trên địa bàn xã. Do vậy, để có cơ sở đại diện và thẩm quyền thực hiện sở hữu về đất đai trên địa bàn xã thì phải có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã.
Bên cạnh đó, đất giao cho các chủ thể sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn, thì họ có quyền được biết, tham gia thảo luận các hoạt động của nhà nước trong tương lai liên quan đến đất của mình và họ trực tiếp thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Do vậy dừng lại ở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện thì chưa thể hiện chi tiết và đầy đủ thông tin liên quan đối với các khoảnh đất của các chủ thể sử dụng đất và các loại đất trên địa bàn thôn/bản, địa bàn xã.
Điều cần nhìn nhận là đất đai thuộc sở hữu toàn dân, các chủ thể sử dụng đất là đồng chủ sở hữu. Người đại diện chủ sở hữu phải lắng nghe ý kiến của các chủ thể sử dụng đất trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nếu bỏ qua quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã thì các chủ thể trực tiếp sử dụng đất không được tham gia thảo luận, góp ý trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và sẽ dẫn đến quan liêu, thiếu dân chủ, không minh bạch và gây ra khiếu kiện, tranh chấp, tham nhũng.
Địa bàn cấp xã là nơi trực tiếp thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhưng lại không có quy hoạch cấp xã mà thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng cấp huyện sẽ không đảm bảo tính khả thi dẫn đến nhiều sai lệch so với thực tế. Có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã sẽ tạo điều kiện cho các chủ thể đăng ký quyền sử dụng đất và giám sát của người dân đối với quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chủ thể sử dụng đất.
Do vậy, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã cần phải coi là quy hoạch quan trọng nhất trong hệ thống quy hoạch sử dụng đất của quốc gia.
Thứ hai, khoản 1 Điều 131 và khoản 1 Điều 132 quy định chỉ giao đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cho tổ chức quản lý rừng là không phù hợp. Bởi những lý do: Quy định tại những khoản này mâu thuẫn với khoản 3 Điều 124: hộ gia đình được giao đất rừng phòng hộ; mâu thuẫn với khoản 3 Điều 126: ‘‘Đất nông nghiệp được nhà nước giao cho cộng đồng để bảo vệ và bảo tồn bản sắc văn hoá gắn với phong tục tập quán”, loại đất này thường là đất có rừng tự nhiên và có thể nằm trong khu vực đất rừng phòng hộ; Mâu thuẫn với khoản 5 ngay trong Điều 131: ‘‘Chính phủ quy định cụ thể việc giao, giao khoán đất rừng phòng hộ; quyền, nghĩa vụ và lợi ích của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được giao, được giao khoán đất rừng phòng hộ”. Trên thực tế, trước đây, đất rừng phòng hộ đã được giao cho cho các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng. Nếu theo như những quy định này thì diện tích đất rừng phòng hộ đã giao cho hộ gia đình, cộng đồng sẽ xử lý thế nào? Thực tiễn cũng cho thấy những cánh rừng tâm linh (về chất lượng và diện tích rừng tương đương với tiêu chuẩn rừng đặc dụng) được tự quản bởi luật tục của cộng đồng lưu truyền hàng trăm năm có hiệu quả rất tốt. Ví dụ như trường hợp gần một chục ngàn ha rừng Pơmu trên núi đá vôi do cộng đồng Hmông bản Ổn Ốc, xã Mường Lựm, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đã thực hiện giao rừng và đất cho cộng đồng và hộ gia đình theo Nghị định 163/CP/1999 và đạt được kết quả tốt…
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhìn nhận một điểm rằng: Ở những khu vực dân cư nằm trong vùng đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, không có đất rừng sản xuất (ở những nơi này thường hạn chế về đất trồng trọt nên rất thiếu đất sản xuất), người dân rất cần được giao đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng để kết hợp sản xuất nông lâm nghiệp và hưởng lợi lâm sản để đảm bảo nguồn sinh kế.
Do đó, Luật Đất đai (sửa đổi) cần có quy định về việc giao đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng gần khu vực dân cư cho hộ gia đình, cộng đồng để bảo vệ, phát triển rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, phát huy tối đa trách nhiệm xã hội trong quản lý, phát triển tài nguyên thiên nhiên, cũng như bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.