Kiểm tra, giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại các địa phương
Ngày 24/08/2017, Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh Tiền Giang tổ chức giám sát công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2017 đối với Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện Chợ Gạo.
Đoàn kiểm tra làm việc với Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện Chợ Gạo…
Toàn huyện Chợ Gạo có 659 cơ sở kinh doanh thực phẩm do ngành y tế quản lý, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý 145 cơ sở kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản và 85 cơ sở do ngành Công thương quản lý.
Đoàn đã đến xã Bình Phan kiểm tra cơ sở sản xuất cốm Bình Phan của anh Ngô Hồng Sỹ. Qua kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở chấp hành đúng quy định về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm như đầy đủ giấy phép kinh doanh, giấy khám sức khỏe cho người lao động, hệ thống xử lí nước thải khá tốt…
…và kiểm tra cơ sở sản xuất cốm Bình Phan của anh Ngô Hồng Sỹ.
Tại buổi giám sát, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện Chợ Gạo cũng đã nêu một số khó khăn trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như: việc vận động các cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia tập huấn và khám sức khỏe định kỳ còn khó khăn do quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ; việc xử phạt hành chính đối với các cơ sở vi phạm còn hạn chế, chủ yếu là nhắc nhở, vận động khắc phục nên chưa mang tính răn đe. Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện có một số kiến nghị đối với đoàn giám sát như: Cần tăng kinh phí cho chương trình an toàn thực phẩm hàng năm; tổ chức tập huấn cho Ban chỉ đạo VSATTP tuyến xã, thị trấn về công tác quản lý, thanh kiểm tra VSATTP.
Ngọc Duyên
* Tại huyện Gò Công Đông, đoàn tập trung kiểm tra, giám sát hoạt động của Ban Chỉ đạo; việc phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành là thành viên; hoạt động chuyên môn quản lý việc quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt…
Đoàn kiểm tra tại buổi làm việc với huyện Gò Công Đông.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo huyện Gò Công Đông (GCĐ) từ đầu năm 2017 đến nay, Phòng Y tế phối hợp Trung tâm Y tế huyện tổ chức tập huấn và cấp giấy chứng nhận kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho 266 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho 361 cơ sở, đat 95,5%… Ngoài ra, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với các ngành tổ chức nhiều cuộc hội thảo về quản lý vật tư nông nghiệp, chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, kiểm tra định kỳ ở 252 cơ sở vật tư nông nghiệp đồng thời tuyên truyền trong nhân dân không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt.
Qua buổi kiểm tra, đoàn đánh giá cao về công tác quản lý, chỉ đạo điều hành của ban chỉ đạo huyện GCĐ đã thực hiện đầy đủ nội dung, quyết định kiện toàn BCĐ, qui chế, kế hoạch và báo cáo hoạt động…Tuy nhiên Phòng Nông nghiệp và PTNT cần bổ sung số liệu tuyên truyền vào báo cáo, nên phối hợp giữa 3 ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cơ sở sản xuất, kinh doanh; các ngành nên xây dựng kế hoạch thực hiện mô hình điểm của từng ngành để chấm điểm thi đua cuối năm….
Quốc Toàn- Lê Hằng
* Tại huyện Tân Phước, đại diện lãnh đạo huyện cho biết: Từ đầu năm đến nay, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện chú trọng công tác tuyên truyền, tập huấn nhằm nâng cao kiến thức về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Đoàn kiểm tra tại buổi làm việc với huyện tân Phước
Đến nay, ngành y tế đã thực hiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và ký cam kết an toàn thực phẩm được 143/148 cơ sở; Ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện 122/140 cơ sở; Ngành công thương thực hiện 197/210 cơ sở. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện không xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Lãnh đạo huyện Tân Phước đề nghị ngành Công thương xem xét giảm phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP, đề nghị Tỉnh hỗ trợ test nhanh các chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV, hàn the, sữa, bánh kẹo…
Thanh Luông+ Thanh Nhàng
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.