Gia tăng giá trị cho trái thanh long

1

Sơ chế thanh long trước khi ủ để chế biến thành rượu vang tại Hợp tác xã thanh long Hàm Ðức, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận).

Với hơn 27 nghìn héc-ta, Bình Thuận là tỉnh có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước, sản lượng đạt khoảng 500.000 tấn/năm. Tuy nhiên, để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường, gia tăng giá trị trái thanh long, việc đầu tư chế biến thành sản phẩm công nghiệp từ trái thanh long đang được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm tòi, nghiên cứu và phát triển.

Tìm tòi, nghiên cứu

Chúng tôi tìm đến Hợp tác xã (HTX) Phan Long, cơ sở chuyên sản xuất thanh long sấy khô ở thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm, TP Phan Thiết để tìm hiểu về quá trình nghiên cứu làm ra sản phẩm thanh long sấy khô. Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Phan Long Trương Lương cho biết: Năm 2009, khi diện tích thanh long được mở rộng, sản lượng tăng nhanh, thanh long chủ yếu xuất khẩu trái tươi sang thị trường Trung Quốc, nhưng giá cả thường xuyên biến động. Có những thời điểm thanh long bán không được mà không biết làm sao, bởi thanh long tươi chỉ bảo quản được từ 20 đến 22 ngày, sau đó sẽ bị hư, thối phải đổ bỏ. Là một người đam mê khoa học kỹ thuật, anh Lương nghĩ muốn bảo quản thanh long được lâu hơn thì cần phải sấy khô như một số loại sản phẩm trái cây khác. Ðược sự hỗ trợ về chuyên môn và kỹ thuật của giảng viên Huỳnh Công Phóng, Khoa Cơ khí (Trường đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), anh đã tìm tòi, tự mua linh kiện, thiết bị lắp ráp thử nghiệm một máy sấy khô thanh long với công suất một mẻ từ 10 đến 11 kg thanh long tươi cho ra gần 1 kg sấy khô.

Lúc đầu sử dụng công nghệ sấy bằng điện trở, cho chất lượng sản phẩm không đều, thời gian sấy lâu, tốn điện. Qua nhiều lần nghiên cứu, thử nghiệm anh chuyển sang công nghệ sấy bằng chân không và thấy có hiệu quả, chất lượng sản phẩm ổn định, đặc biệt là công nghệ này có thể sấy được hầu hết các loại trái cây khác và một số mặt hàng thủy sản. Năm 2011, sản phẩm thanh long sấy khô được đưa ra thị trường, giới thiệu tại Hội chợ triển lãm Công, nông nghiệp tỉnh Bình Thuận, được nhiều khách tham quan ăn thử và đánh giá cao.

Từ thành công này, anh thành lập HTX Phan Long, sản xuất thanh long sấy khô với quy mô một máy sấy có công suất sấy 350 kg thanh long tươi ra được 30 kg thanh long khô. Sản phẩm thanh long sấy khô dần được nhiều người biết đến, khách hàng nước ngoài đã tìm đến HTX ký hợp đồng mua sản phẩm. Có đơn hàng ổn định, bình quân một tháng, HTX sản xuất được một tấn thanh long sấy khô. Sản phẩm tiêu thụ ở thị trường trong nước với giá gần 600.000 đồng/kg; với đơn hàng xuất khẩu có giá từ 25 đến 30 USD/kg. Sản phẩm của HTX hiện đã có mặt tại một số thị trường khó tính như: Anh, Mỹ, Hàn Quốc.

Cũng với mong muốn giúp bà con nông dân ở địa phương giảm bớt khó khăn khi giá thanh long lên xuống thất thường, chị Lê Nguyện ở thôn 1, xã Hàm Ðức, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) lại có suy nghĩ dùng thanh long làm nguyên liệu để sản xuất rượu vang từ thực tế người dân địa phương thường dùng thanh long làm nước ép, nước lên men để giải khát. Từ thanh long của nhà, chị thử làm và được nhiều người khen, ủng hộ. Tháng 12-2015, chị tập hợp một số bà con trồng thanh long ở địa phương thành lập HTX thanh long Hàm Ðức sản xuất rượu vang chế biến từ trái thanh long.

Chị Nguyện cho biết, lúc đầu rượu vang được làm theo phương pháp truyền thống chất lượng chưa ổn định. Qua tham khảo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật làm rượu, tham quan học hỏi kinh nghiệm các cơ sở sản xuất rượu vang nho ở Ðà Lạt, HTX đã tìm ra được công thức sản xuất rượu vang thanh long đạt chất lượng cao. Theo đó, khoảng 10 kg thanh long tươi sẽ được 3 lít rượu vang. Tham gia Hội chợ Tết năm 2016, sản phẩm rượu vang thanh long của HTX Hàm Ðức bán với giá 110.000 đồng/lít, nhận được sự đánh giá cao về chất lượng và giá cả hợp lý.

Năm 2016, HTX thu mua 500 tấn thanh long của bà con nông dân địa phương, sản xuất được 72.000 lít rượu vang thanh long đỏ và rượu vang thanh long trắng. Sản phẩm đã có mặt tại nhiều điểm bán trong tỉnh, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, An Giang và một số tỉnh lân cận. Hiện, HTX đang thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại ở trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Ða dạng sản phẩm

Theo thống kê, đến nay, tỉnh Bình Thuận có 15 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thanh long. Các sản phẩm được sản xuất gồm: thanh long sấy khô, sấy dẻo, si-rô, nước ép, rượu vang thanh long.

Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Rau quả Bình Thuận Võ Huy Hoàng cho biết, nhà máy của ông có công suất 1.000 kg thanh long tươi cho ra 100 kg thanh long sấy khô, bình quân 10 kg thanh long tươi được 1 kg thành phẩm. Với giá mua đầu vào 4.000 đồng/kg thì nhà sản xuất chỉ phải chi 40.000 đồng nguyên liệu. Sau khi sấy ra 1 kg thành phẩm bán cho khách hàng nước ngoài được hơn 400.000 đồng, trừ tất cả các chi phí thì vẫn lãi gấp nhiều lần. Sản phẩm của doanh nghiệp hiện đang được các khách hàng Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đặt mua. Gần đây, số lượng đơn hàng nhiều, với công suất của nhà máy không đủ đáp ứng nhu cầu, khách hàng đã yêu cầu đơn vị mở rộng nhà máy, nâng công suất chế biến lên 300 kg thành phẩm. Ðến thời điểm này, doanh nghiệp đã thành công trong việc tận dụng trái thanh long không đủ tiêu chuẩn bán ra thị trường chế biến thành sản phẩm sấy phục vụ cho xuất khẩu, đồng thời cũng làm tăng giá trị của mặt hàng này.

Hiện, sản lượng thanh long của tỉnh Bình Thuận đạt hơn 500.000 tấn, chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, sản lượng thu hoạch không đạt quy cách xuất khẩu cũng còn tương đối nhiều được bán với giá thấp, thậm chí phải đem bỏ. Theo thống kê, các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp đã thu mua khoảng từ 2.000 đến 3.000 tấn thanh long này để chế biến ra các sản phẩm cung cấp ra thị trường, góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ thanh long dư thừa, không chỉ tăng thu nhập cho bà con nông dân mà còn mang lại hiệu quả rất lớn về mặt xã hội.

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chế biến các sản phẩm từ thanh long, năm 2011, tỉnh Bình Thuận trích từ ngân sách nhà nước có thu hồi hơn 4,6 tỷ đồng cho Công ty TNHH Rồng Xanh thực hiện Dự án “Ðầu tư trang thiết bị và chuyển giao công nghệ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chế biến từ trái thanh long”. Kết quả đã có ba dòng sản phẩm được công ty sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường là nước ép thanh long – nha đam với quy mô sản xuất 105.000 chai/tháng; nước ép thanh long – dừa và thanh long – chanh với quy mô 45.000 sản phẩm/tháng. Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cũng triển khai thực hiện chương trình khuyến nông, đã hỗ trợ HTX Phan Long ứng dụng máy móc thiết bị sản xuất thanh long sấy, công suất 120 tấn thành phẩm với kinh phí 50 triệu đồng; từ nguồn kinh phí địa phương, hỗ trợ 100 triệu đồng cho HTX thanh long Hàm Ðức ứng dụng máy móc, thiết bị chế biến rượu vang thanh long.

Năm 2016, UBND tỉnh Bình Thuận tổ chức Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; trong đó đã bình chọn và tôn vinh chín sản phẩm chế biến từ thanh long, gồm: thanh long sấy ruột đỏ, ruột trắng của Công ty CP rau quả sấy 12B; sản phẩm si-rô, rượu vang của cơ sở sản xuất thực phẩm Ngọc Uyên; thanh long sấy của HTX Phan Long; thanh long sấy dẻo của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Bé Dũng; thanh long đỏ lên men của Công ty TNHH nước ép Phúc Hà; rượu vang thanh long đỏ của HTX thanh long Hàm Ðức. Ðồng thời, cũng đã hỗ trợ các cơ sở sản xuất đưa các sản phẩm đạt giải tham gia Hội chợ triển lãm sản phẩm công, nông nghiệp tiêu biểu khu vực phía nam, nhằm quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm.

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị cho trái thanh long, giảm áp lực khâu tiêu thụ trái tươi, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Thuận Ðỗ Minh Kính cho biết, hiện tỉnh đang kêu gọi các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước có năng lực cả về vốn, kỹ thuật xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến các sản phẩm từ thanh long. Cùng với đó, tỉnh cũng ban hành Chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm lợi thế của tỉnh giai đoạn 2016-2020, trong đó sản phẩm thanh long chế biến được thụ hưởng chính sách này.

Ô-xtrây-li-a chính thức cho phép nhập khẩu thanh long Việt Nam

Bộ Công thương ngày 28-8 cho biết, sau trái vải và trái xoài, mới đây, Chính phủ Ô-xtrây-li-a đã chính thức công bố cho phép nhập khẩu trái thanh long của Việt Nam. Ðến thời điểm hiện tại, Việt Nam là nước duy nhất được cấp phép nhập khẩu thanh long tươi vào nước này.

Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Ô-xtrây-li-a sẽ đánh giá tính phù hợp của việc nhập khẩu so với các điều kiện nhập khẩu được áp dụng đối với nhập khẩu thanh long từ Việt Nam như: Trước khi nhập khẩu vào Ô-xtrây-li-a, doanh nghiệp cần có giấy phép hợp lệ do Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Ô-xtrây-li-a cấp. Muốn có giấy phép, doanh nghiệp nhập khẩu cần nộp đơn xin phép nhập khẩu (có thể xin trên mạng in-tơ-nét). Trước khi xuất khẩu, thanh long phải được Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận không bị nhiễm côn trùng trong diện kiểm soát an toàn sinh học (kiểm dịch).

Bất cứ lô hàng nào không có đầy đủ giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật hoặc chứng từ ghi không nhất quán với nhãn hàng sẽ bị giữ lại cho đến khi Bộ Nông nghiệp và Nguồn nước Ô-xtrây-li-a tham vấn với Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam để làm rõ và ra quyết định.

Nguồn http://www.nhandan.com.vn