Tiền Giang cần khoảng 30 tỷ đồng để khắc phục sạt lở
(THTG) Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, từ đầu năm 2017 đến nay, khu vực phía Tây của tỉnh gồm các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy xảy ra 88 điểm sạt lở mới, với tổng chiều dài gần 4.000 mét, mức độ sạt lở trầm trọng hơn rất nhiều so với những năm trước. Trong đó, huyện Cai Lậy bị sạt lở nặng nhất, với 40 điểm sạt lở mới, tổng chiều dài hơn 1.200 mét, tập trung nhiều ở các xã như: Tam Bình, Long Trung, Phú An, Hội Xuân…
Sạt lở tại xã Long Trung, huyện Cai Lậy. Ảnh: Minh Trí
Còn tại huyện Cái Bè, theo số liệu thống kê năm 2017 có 35 điểm sạt lở mới, với tổng chiều dài trên 950 mét, tập trung ở các bờ sông lớn, vừa là đê bao, vừa là đường giao thông như: sông Trà Lọt, sông Cái Cối, sông Cái Lân…
Các điểm sạt lở tại huyện Cái Bè. Ảnh: Lê Long
Huyện Châu Thành có 7 điểm sạt lở mới và thị xã Cai Lậy có 6 điểm sạt lở mới… Đáng quan tâm hơn nữa là ở nhiều đoạn sông đang có hàng trăm điểm bờ đê bị nứt, hoặc hàm ếch ăn sâu vào chân đê, có nguy cơ sạt lở xuống sông bất cứ lúc nào.
Khắc phục điểm sạt lở trên địa bàn huyện Cái Bè. Ảnh: Lê Long
Qua khảo sát, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang dự toán cần khoảng 30 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp các điểm sạt lở nặng trước mùa lũ năm nay, đồng thời Sở cũng vừa được UBND tỉnh đồng ý triển khai thực hiện mô hình “kè lục bình và trồng cây phòng chống sạt lở các huyện phía Tây”. Tuy nhiên, do diễn biến sạt lở năm nay nghiêm trọng hơn những năm trước, nên UBND tỉnh yêu cầu các huyện khẩn trương xử lí khắc phục các điểm sạt lở nhỏ thuộc phân cấp của địa phương, đồng thời tăng cường tuyên truyền nhân dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ an toàn cho tài sản và tính mạng của mình.
Kim Nữ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.