Tái hiện lễ tế Đàn Xã Tắc: Khát vọng ấm no cho muôn dân

        Lễ tế được thực hiện gồm 2 phần chính: phần tâm linh và đoàn chánh tế, một số nghi lễ không còn phù hợp bị lược bỏ.

Tối 2/4, tại Đàn Xã Tắc, phường Thuận Hòa, thành phố Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tái hiện lễ tế Xã Tắc 2013. Việc tái hiện Lễ tế Xã tắc mục đích nhằm bảo tồn một nghi lễ cung đình truyền thống, tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, tôn vinh văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Lễ tế được thực hiện gồm 2 phần chính: phần tâm linh do Thường vụ tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế đứng ra làm chủ tế và đoàn chánh tế. Một số nghi lễ không còn phù hợp của xã hội phong kiến bị lượt bỏ.

Cụ thể lần tế này đã không tái hiện nghi thức rước đoàn ngự đạo từ hoàng cung ra đàn. Phần sân khấu hóa với việc tái hiện một lễ tế Xã Tắc của triều đại nhà Nguyễn với không gian diễn xướng của loại hình nghệ thuật Nhã nhạc, múa cung đình, văn hóa nghi lễ và phục trang truyền thống cung đình Huế xưa…


Tái hiện cảnh vua làm lễ trước khi lên tế trên Đàn Xã Tắc

Ông Nguyễn Phước Vĩnh  Cao, nhà nghiên cứu văn hóa cho biết: Ngày xưa, triều đình thường tế Xã Tắc vào tháng 2, vì ngày 2 tháng 2 âm lịch là có vía của thổ thần. Vì thế, triều đình hay chọn ngày thổ để cúng trước dân chúng, khi đó dân chúng mới theo đó mà cúng đất từng nhà. Tức là cúng làm sao cho mưa thuận, gió hòa, làm sao cho dân no đủ, bốn phương yên lành. Thường thường tế Xã Tắc đa số là quan cúng, vì Xã Tắc là ngang thần, ông Thái Xã và ông Thái Tắc chỉ ngang vua phong. Dịp nào đặc biệt lắm vua mới lên đàn tế.

Lễ tế Xã Tắc lần đầu tiên được tái hiện thành công tại Festival Huế năm 2008 và liên tục được tái hiện định kỳ hàng năm từ đó cho đến nay. Sau lễ tế, người dân và du khách tham gia dâng hương. Lễ tế Xã Tắc là một trong những lễ hội cung đình truyền thống tiêu biểu, mang đậm tính nhân văn cùng với những đặc trưng văn hóa nông nghiệp lúa nước của dân tộc Việt Nam.

Các vương triều độc lập của nước ta từ thời Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời Nguyễn đều lập Đàn Xã Tắc và tổ chức Lễ tế Xã Tắc hàng năm vào tháng 2 Âm lịch, để tôn vinh nền nông nghiệp nước nhà, cầu mong cho đất nước bình yên, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, nhân dân no ấm.

Các quan Văn, Võ, Bát Giật tham gia lễ tế

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: “Lễ tế Xã Tắc là việc tái hiện một nghi lễ cung đình để giúp cho nhân dân cho cộng đồng thấy được một nghi lễ cung đình ngày xưa như thế nào, qua đó, người ta cũng thấy thêm chiều sâu văn hóa của vùng đất Huế trở thành một trong những cái nôi mà chúng ta đánh giá có sức hút rất lớn về du lịch, dịch vụ, đồng thời cũng là trọng điểm bảo tồn văn hóa của đất nước và dân tộc?.

Lễ tế Xã Tắc năm nay với sự tham gia của 600 diễn viên, nhạc công và các đại biểu./.