Cần điều chỉnh để phát huy hiệu quả sử dụng đất rừng
Còn bất cập trong quản lý đất rừng của lâm trường quốc doanh hiện nay
TS Phạm Quang Tú (Ảnh: HNV) |
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh nội dung này, TS Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn và Phát triển (CODE) khẳng định: Qua các thời kỳ phát triển, lâm trường quốc doanh (LTQD) đã có những đóng góp nhất định trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và đất rừng; cũng như góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng vùng biên giới, vùng sâu vùng xa của Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý sử dụng, đất rừng của các LTQD vẫn còn nhiều bất cập.
Trong thời gian qua, vấn đề quản lý, sử dụng đất của các LTQD (nay là Công ty lâm nghiệp), bao gồm cả mâu thuẫn đất đai giữa công ty lâm nghiệp và người dân là vấn đề nóng, được các cơ quan quản lý nhà nước và người dân đặc biệt quan tâm. Vấn đề này cũng đã được nêu tại Nghị quyết về báo cáo giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số” năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khoá XI) và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1587/QĐ-TTg ngày 24/10/2012 thành lập Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển NLTQD. Một trong những nội dung quan trọng của quá trình đánh giá là nhìn nhận vào thực trạng quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường và những mâu thuẫn, chồng lấn về đất đai giữa các doanh nghiệp, Ban quản lý với người dân địa phương để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm tăng tính hiệu quả của việc quản lý, sử dụng đất và tài nguyên rừng.
TS Tô Xuân Phúc (Ảnh: HNV) |
Cũng theo TS Phạm Quang Tú, để góp phần vào việc đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, trong thời gian qua, Viện CODE và Tổ chức Forest Trends đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu quả việc sử dụng đất tại một số công ty lâm nghiệp, trong đó bao gồm nghiên cứu các trường hợp về mâu thuẫn đất đai giữa lâm trường và người dân tại bốn tỉnh miền núi là Lạng Sơn, Quảng Bình, Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Cần đánh giá, rà soát lại để quản lý ngày càng hiệu quả hơn
TS Tô Xuân Phúc, đại diện Forest Trends cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, để quản lý hiệu quả hơn nguồn đất rừng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp. Theo đó, cần rà soát làm rõ tình hình đất đai của các lâm trường trên bản đồ và thực địa, để xác định rõ các diện tích đất cần giữ lại cho từng lâm trường; diện tích dôi ra giao lại cho chính quyền địa phương để giao lại cho các hộ dân. Diện tích đất được rà soát điều chỉnh lại, UBND tỉnh cắm mốc, xác định rõ ranh giới và ra quyết định giao đất cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho lâm trường.
Đồng thời cần đánh giá, rà soát tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ, và đánh giá nhu cầu đất canh tác tối thiểu của các hộ; khuyến khích cộng đồng phát triển các cơ chế nhằm hạn chế những giao dịch về đất đai dẫn đến người dân bị mất đất (giao đất cho nhóm hộ, cho cộng đồng); Tạo quỹ đất dự phòng cần thiết cho cộng đồng; Thực hiện cơ chế đồng thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện, báo trước và được cung cấp thông tin đối với các dự án chuyển đổi đất rừng…
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.