Đổi mới mạnh mẽ tư duy, kiến tạo phát triển bền vững cho ĐBSCL
Lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tại phiên khai mạc Hội nghị. Ảnh: HÀM LUÔNG
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương, các tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao và hơn 500 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, lãnh đạo các địa phương cùng tham dự.
BĐKH đang diễn ra khốc liệt
ĐBSCL với 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích 3,94 triệu ha và dân số 17,5 triệu người, chiếm 12% diện tích tự nhiên và 20% dân số cả nước, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của cả nước.
ĐBSCL là một trong những vùng đồng bằng màu mỡ và có sản lượng nông sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á và đứng đầu Việt Nam.
Tính đến tháng 4-2017, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% lượng thủy sản nuôi trồng, 36,5% lượng trái cây, cung cấp 90% sản lượng lúa gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thuỷ sản xuất khẩu của cả nước. Nhiều mặt hàng nông sản của ĐBSCL đã có mặt và được ưa chuộng tại nhiều nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, ĐBSCL là một trong bốn đồng bằng bị tác động mạnh nhất do biến đổi khí hậu, nước biển dâng. ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khí hậu cực đoan, khai thác và sử dụng nước ở thượng nguồn sông Mê Công và các hoạt động nhân sinh khác, cũng như từ bản thân mô hình phát triển thiếu tính tổng thể, gắn kết nội tại trong vùng, quản lý nhà nước còn bất cập, thừa chồng chéo, thiếu phối hợp.
Những tác động này tạo ra các thách thức vô cùng to lớn, đe doạ quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là an ninh lương thực.
Những ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo xu thế suy giảm tài nguyên nước, phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ; sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng.
Phát biểu chào mừng Hội nghị, ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường, không chỉ là vấn đề của một ngành riêng lẻ mà chính là vấn đề của phát triển bền vững.
Thành phố Cần Thơ với vị trí nằm giữa vùng đồng bằng sông Cửu Long, được thiên nhiên ưu đãi như: nước ngọt quanh năm, nước ngập không sâu, mùa nước nổi không kéo dài; không như người dân các tỉnh An Giang, Đồng Tháp thường bị ngập sâu hay người dân tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng đã quen với nước mặn; trong suy nghĩ và hành động cũng như trong thực tế cuộc sống của người dân thành phố Cần Thơ hầu như không có nhiều suy nghĩ dành cho việc đối phó với ngập sâu vào mùa mưa và xâm nhập mặn vào mùa khô. Do đó, khi bị tác động từ thủy văn bất thường, những hiện tượng thời tiết cực đoan của biến đổi khí hậu, cuộc sống của người dân và các ngành nghề sản xuất tại thành phố Cần Thơ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các địa phương khác.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tổ chức hội nghị này với tầm nhìn về một ĐBSCL phát triển bền vững, thịnh vượng, gắn kết chặt chẽ với các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước và tiểu vùng sông Mê Công, trên cơ sở chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế – xã hội nói chung và của từng lĩnh vực nói riêng, vừa bảo đảm kế thừa những thành tựu phát triển trước đây, truyền thống văn hoá quý báu, kết hợp áp dụng khoa học, công nghệ hiện đại của thế giới phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta.
Định hình chiến lược phát triển
Phát biểu định hướng Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu tập trung vào các vấn đề chính sau đây:
Một là, phân tích, nhận diện được đầy đủ hơn các thách thức do biến đổi khí hậu, quá trình phát triển nội tại của vùng ĐBSCL, các hoạt động sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn.
Hai là, dự báo được các xu thế tác động chính, nhận diện được các cơ hội trong ngắn hạn và dài hạn làm cơ sở cho định hình mô hình phát triển vùng ĐBSCL và các định hướng chuyển đổi lớn.
Ba là, thảo luận và đề xuất các cơ chế chính sách đổi mới có tính đột phá nhằm tận dụng cơ hội chuyển hoá các thách thức thúc đẩy quá trình chuyển đổi, phát triển bền vững ĐBSCL; trong đó, tập trung vào các cơ chế về đất đai, thuế, kiến tạo thị trường, xúc tiến đầu tư, khoa học công nghệ, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;
Bốn là, xác định các dự án, các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên bao gồm: Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận, nhất là TPHCM.
Sau phiên khai mạc, Hội nghị diễn ra 2 phiên thảo luận chuyên đề về: “Định hình chiến lược phát triển bền vững” và “Huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển ĐBSCL”.
Tại đây, các đại biểu sẽ thảo luận song song các nội dung: Tổng quan về thách thức, cơ hội và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL; nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở; quy hoạch tổng thể và phát triển hạ tầng cho ĐBSCL.
Sau các phiên thảo luận chuyên đề, các đại biểu thảo luận chung về huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển ĐBSCL.
Các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cũng sẽ đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp chuyển đổi sinh kế bền vững tại ĐBSCL; quan điểm của các đối tác phát triển về các giải pháp chuyển đổi phù hợp với điều kiện tự nhiên của ĐBSCL; quản lý tổng hợp vùng bờ, phòng chống sạt lở tại ĐBSCL; cách tiếp cận chuyển đổi có tính đến rủi ro khí hậu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại ĐBSCL.
Các chuyên gia, các nhà khoa học như GS.TSKH Võ Tòng Xuân, GS. TSKH Đào Xuân Học, GS. Đặng Hùng Võ, TS. Hoàng Ngọc Phong, ThS. Nguyễn Hữu Thiện sẽ trình bày các tham luận tâm huyết về: Thực trạng và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp-công nghiệp và phân bố không gian sản xuất tại ĐBSCL; Giải pháp thủy lợi cho vùng ĐBSCL; Chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế; Ba thách thức đối với sự phát triển bền vững của ĐBSCL – kiến nghị chiến lược ứng phó và phát triển.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu: Tại Hội nghị này, thay mặt Chính phủ Việt Nam tôi kêu gọi các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế tiếp tục quan tâm và hỗ trợ thích đáng cả về kỹ thuật và tài chính cho vùng ĐBSCL.
Tôi cũng đề nghị cần phải phát huy hơn nữa vai trò của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, tăng cường chia sẻ thông tin, quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước giữa các nước trong lưu vực sông Mê Công vì sự thịnh vượng chung của khu vực.
Tôi đề nghị sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng các doanh nghiệp và người dân, phát huy lòng tự hào dân tộc, truyền thống tự cường, vượt khó khăn, gian khổ và trí tuệ của người Việt Nam vì sự phát triển bền vững của ĐBSCL nói riêng và của cả nước nói chung.
Thông qua Hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn xem xét một cách toàn diện, hệ thống, huy động được các sáng kiến, nhằm tạo ra những đột phá trong tư duy, thống nhất hành động của toàn xã hội nhằm định hình mô hình phát triển bền vững của ĐBSCL trong sự liên kết, gắn kết hữu cơ giữa tự nhiên và con người, giữa các địa phương trong và ngoài vùng, Tiểu vùng sông Mê Công. Đồng thời, huy động được sự hỗ trợ về kinh nghiệm, nguồn lực… của các tổ chức quốc tế và các đối tác phát triển cho chuyển đổi lớn vùng ĐBSCL. Đặc biệt, các đề xuất phải bảo đảm tính khả thi, có tính chất liên vùng để trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững ĐBSCL.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.