Kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam
Ngày 1/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập (1957 – 2017).
Tới dự có các đồng chí: Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố; đại diện các hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.
Các đồng chí: Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương gửi lẵng hoa chúc mừng.
Trong diễn văn kỷ niệm, NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, 60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là dấu mốc dành cho sân khấu và những người của những hoạt động dành cho sân khấu trước đó, và là điểm sáng hướng đến của các thế hệ làm nghề sau này. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam luôn là ngôi nhà chung với cánh cửa rộng mở đón chào những tấm lòng thơm thảo, ái hữu, biết vì nhau trong lo toan, chia sẻ; biết tôn vinh và biết tri ân thế hệ đi trước như một đạo lý trong nghề nghiệp. Các thế hệ văn nghệ sĩ đã, đang tiếp tục bằng tất cả tình yêu, tài năng nghệ thuật, tấm lòng và trách nhiệm với non nước, với nhân dân, góp phần bảo tồn, phát huy và làm giàu di sản văn hóa vô giá của cha ông trao truyền lại, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Trong 60 năm hình thành và phát triển, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần cao quý. Nhiều lãnh đạo, hội viên của Hội đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú…
Đến dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã biểu dương những đóng góp quý báu của các thế hệ văn nghệ sĩ, những người làm nghệ thuật sân khấu cả nước trong dịp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam kỷ niệm 60 ngày thành lập và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam tự hào có một nền văn hiến, một nền văn hóa đặc sắc, phong phú và đầy tính nhân văn. Trong đó, nghệ thuật sâu khấu luôn có vị trí đặc biệt, nơi khát vọng và giá trị chân-thiện-mỹ của người Việt được thể hiện sinh động, tinh tế và gần gũi.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chúng ta không bao giờ quên những thế hệ nghệ sĩ sân khấu “văn công xung kích” không ngại hy sinh, gian khổ có mặt trên các chiến trường ác liệt nhất động viên bộ đội, thanh niên xung phong nơi tuyến lửa. Chúng ta mãi nhớ những “tượng đài” của nền sân khấu cách mạng Việt Nam như Thế Lữ, Học Phi, Ba Du, Sáu Lai, Ái Liên, Bạch Trà, Lộng Chương, Nguyễn Huy Tưởng; Nguyễn Đình Thi, Chu Nghi, Thanh Hương; Lưu Quang Vũ… và hàng trăm, hàng ngàn tác giả, nghệ sĩ sân khấu khác đã làm lên, để lại cho sân khấu, di sản văn hóa Việt Nam những tác phẩm nghệ thuật có giá trị.
Phó Thủ tướng cho rằng, đất nước đang phát triển nhanh, nhưng văn học nghệ thuật nói chung, sân khấu nói riêng còn nhiều bất cập, phải hàng ngày đối mặt với những vấn đề không chỉ là nghệ thuật, là nghề nghiệp mà còn liên quan đến cơ chế trong thời kỳ chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những khó khăn, bất cập ấy có thể được vượt qua, được khắc phục bằng sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và sự tham gia, ủng hộ của toàn xã hội theo đúng tinh thần của Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Phó Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp thấm nhuần sâu sắc văn hóa là nền tảng tinh thần trong hoạch định chính sách phát triển để có những cơ chế, chính sách và ưu tiên nguồn lực cho phát triển văn hóa, nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng. Đặc biệt, cần chú trọng công tác đào tạo nhân lực, nhất là đối với các chuyên ngành khó khu hút người học; cần triển khai các chương trình phát triển sân khấu các dân tộc ít người, sân khấu không chuyên. Cùng với việc đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, các đơn vị sự nghiệp theo hướng giao quyền tự chủ, Nhà nước sẽ tăng cường thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng kèm theo nguồn lực để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị hoạt động nghệ thuật, tạo điều kiện để các nghệ sĩ yên tâm sáng tác, cống hiến để có những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, có tính định hướng tư tưởng sâu sắc.
Phó Thủ tướng mong và tin tưởng rằng, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống 60 năm rất đáng tự hào để “mái nhà chung” của các thế hệ nghệ sĩ sân khấu ngày càng to đẹp, nồng ấm tình người, tình yêu nghệ thuật và ngập tràn khát khao cống hiến, sáng tạo, để những giá trị nghệ thuật được lan tỏa trong xã hội, được trao truyền cho các thế hệ mai sau. Nền sân khấu Việt Nam tiếp tục phát triển, kế thừa những giá trị nghệ thuật truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa nghệ thuật sân khấu thế giới, làm nổi bật những giá trị sân khấu Việt Nam đương đại; có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng, chất lượng góp phần làm giàu thêm những di sản văn hóa Việt Nam, để nền văn hiến nước nhà được tỏa sáng trong dòng chảy văn minh nhân loại.
Tại lễ kỷ niệm, Ban Tổ chức đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp sân khấu” cho nhiều nghệ sĩ; tặng quà cho các Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ sĩ được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, các giáo sư đầu ngành tròn 70 và 80 tuổi đã đóng góp cho sự nghiệp sân khấu Việt Nam. Giải thưởng Nghệ thuật năm 2016 cũng được trao cho những tập thể, cá nhân xuất sắc./.
ĐCSVN
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.