Bảo đảm an toàn hồ, đập trong mùa mưa lũ

Mưa lớn liên tục trong nhiều tháng qua, nhất là những ngày đầu tháng 10 khiến các hồ chứa thủy điện, thủy lợi khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ “no” nước. Để bảo đảm an toàn, tránh xảy ra sự cố, đòi hỏi công tác quản lý, vận hành hồ, đập phải sát sao, quyết liệt hơn nữa.

Hồ chứa “no nước”

Từ ngày 9-10 đến nay, do tác động của áp thấp nhiệt đới, hoàn lưu cộng với khí áp lạnh gây ra mưa trên một diện rất rộng từ các tỉnh Bắc Trung Bộ cho đến các tỉnh miền núi phía bắc. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, đây là một đợt mưa rất bất bình thường khi mà lượng mưa toàn vùng bình quân đạt 100 mm, nhiều nơi lên tới 300 đến 400 mm. Mưa lớn liên tục kéo dài đã khiến cho gần 2.900 hồ chứa thủy điện và thủy lợi từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra phía bắc đều ở mức đầy nước, trong đó có 10 đến 15% hồ đã bị tràn nước. Riêng hồ Hòa Bình, lưu lượng nước về hồ vào trưa 11-10 đạt tới 15.940 m3/giây, là con số chưa từng có vào tháng 10, thậm chí vượt cả thời điểm lũ chính vụ tháng 8-1996, cách đây 21 năm với 12.500 m3/giây. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi lần đầu hồ Hòa Bình phải mở tới tám trong số 12 cửa xả đáy.


Nhà máy thủy điện Hòa Bình phải mở tám cửa xả đáy do lưu lượng nước quá lớn đổ về đột ngột. Ảnh: GIANG HUY

Đến nay, mặc dù mưa cũng đã ngớt, tổng lượng mưa phổ biến từ 80 đến 120 mm. Mực nước trên sông Hồng, sông Thái Bình và sông Hoàng Long đang xuống. Lũ trên sông Bưởi (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An) tiếp tục xuống. Tuy nhiên, theo khảo sát của Tổng cục Thủy lợi ngày 14-10, tại khu vực Bắc Bộ, hiện 286 hồ chứa lớn có mực nước cơ bản đã đạt hoặc xấp xỉ mực nước dự báo tràn, trong đó một số hồ có tràn tự do tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên đang tràn; một số hồ có cửa van đang vận hành xả lũ bao gồm hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) xả 100 m3/giây, hồ Đầm Hà Động (Quảng Ninh) xả 30 m3/giây… Ngoài ra, gần 2.700 hồ chứa nhỏ mực nước cơ bản cũng đạt hoặc xấp xỉ mực nước dự báo tràn.

Đáng lưu ý, các hồ chứa “no” nước đã khá lâu cho nên nguy cơ vỡ đập rất cao. Hiện có tới 79 hồ chứa lớn và 142 hồ nhỏ bị đánh giá là xung yếu, tập trung nhiều nhất tại Thanh Hóa 20 hồ, Nghệ An 19 hồ, Hà Tĩnh 16 hồ,… Trong đó, một số hồ đã xảy ra sự cố trong đợt mưa lũ vừa qua, như hồ Ông Già, đập Cồ Bương, hồ Đập Cầu tại Thanh Hóa đã được khắc phục, bảo đảm an toàn; hay như đập hồ Cháu Mè, hồ Rộc Cốc (Hòa Bình) và đập Trại Gà (Nghệ An), các địa phương đã buộc phải mở rộng tràn để hạ thấp mực nước…

Lúng túng trong quản lý

Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương ngày 15-10, trong số 167 hồ cập nhật thông tin, hiện có 45 hồ tiếp tục xả qua tràn, trong đó thủy điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy, thủy điện Thác Bà mở hai cửa xả mặt. Việc các hồ thủy điện đầy nước, đương nhiên phải xả để bảo vệ công trình. Tuy nhiên, việc xả nước sẽ ảnh hưởng đến vùng hạ du, và việc phối hợp vận hành giữa các chủ đập với địa phương vẫn còn những bất cập, nhất là đối với các đập thủy điện nhỏ. Qua kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập tại 194 thủy điện nhỏ, có công suất lắp đặt đến 30MW của Cục Kỹ thuật an toàn và môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho thấy, mặc dù tất cả chủ đập thủy điện đã được chủ đầu tư đăng ký, báo cáo an toàn và kiểm tra đập đúng quy định, nhưng vẫn có 21 chủ đập chưa xây dựng và phê duyệt phương án phòng, chống bão lụt, bảo đảm an toàn đập, và 47 đập chưa có phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du; sáu chủ đầu tư chưa xây dựng và ban hành quy trình vận hành hồ chứa và công tác phối hợp vận hành…

Nguyên nhân một số chủ đầu tư chưa xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập là do chưa có quy định cụ thể phương pháp, cũng như cách xác định vùng hạ du của từng hồ chứa. Vì thế, các chủ đập thủy điện không xác định được ranh giới vùng hạ du hồ chứa do mình quản lý, nhất là đối với tình huống xả lũ khẩn cấp và vỡ đập. Trong khi đó, chất lượng bản tin dự báo khí tượng – thủy văn, nhất là mạng lưới quan trắc khí tượng – thủy văn trên các lưu vực sông còn thưa, mỏng, trong lúc diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp do biến đổi khí hậu. Việc chất lượng các bản tin dự báo mưa, lũ chưa cao, gây khó khăn cho công tác vận hành hồ chứa… Hiện nay, cơ quan dự báo khí tượng – thủy văn chỉ có hơn 800 trạm quan trắc, trong đó 300 trạm đo mưa tự động, 200 trạm khí tượng, 300 trạm thủy văn để quan trắc, xác định lượng mưa.

Trong khi đó, việc sơ tán dân cư vùng hạ du khi các hồ thủy điện xả nước theo quy định tại Mục IV Thông tư số 33/2008/TT-BNNPTNT lại nằm ngoài thẩm quyền, năng lực của chủ đập. Chưa kể hiện hầu hết các Sở Công thương không có hoặc thiếu cán bộ có chuyên môn liên quan đến quản lý an toàn đập (xây dựng thủy lợi, thủy điện); chưa quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn các chủ đập xây dựng phương án phòng, chống lũ lụt vùng hạ du, cũng như bảo đảm an toàn đập và vùng phụ cận.

Quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa

Trong bối cảnh diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, khó lường, các Bộ: Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tùy theo chức năng nhiệm vụ, cần sớm xây dựng, hiệu chỉnh, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa; các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế, xây dựng, vận hành công trình; các tiêu chuẩn, quy chuẩn về quan trắc khí tượng – thủy văn… Các quy định cần bảo đảm khả thi, cụ thể, không chồng chéo… để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đập trong việc triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác hướng dẫn; kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ đập không thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập.

Đối với UBND các tỉnh có xây dựng công trình thủy điện, cần xem xét, bố trí cán bộ có chuyên môn, năng lực làm công tác quản lý về thủy điện tại Sở Công thương. Chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ hồ thủy điện tổ chức thẩm định, phê duyệt kịp thời các phương án phòng, chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, bảo vệ đập, phòng, chống lũ lụt vùng hạ du đập thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Xử lý nghiêm theo thẩm quyền những chủ hồ chứa thủy điện trên địa bàn không chấp hành đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về vận hành an toàn hồ chứa và quản lý an toàn đập.

Các chủ đầu tư dự án thủy điện phải thực hiện đúng, đầy đủ quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện. Chủ động phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan rà soát, hiệu chỉnh trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền hiệu chỉnh quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ bảo đảm an toàn cho công trình, cho vùng hạ du, cũng như đạt hiệu quả phát điện…; tổ chức quan trắc, thu thập thông tin khí tượng – thủy văn phục vụ vận hành hồ chứa theo quy định. Bên cạnh đó, phối hợp chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu đúng, khách quan về vai trò của các hồ chứa thủy điện đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng và cuộc sống của người dân vùng hạ du.

Các tỉnh Bắc Trung Bộ có hơn 1.920 hồ thì có 102 trong số 132 hồ chứa lớn đã đạt hoặc xấp xỉ mực nước dự báo tràn, trong đó ngoài Thanh Hóa có tất cả 26 hồ đầy nước, thì Nghệ An có 33 trong số 37 hồ; Hà Tĩnh 27 trong số 29 hồ; Quảng Bình 10 trong số 19 hồ; Quảng Trị năm trong số 13 hồ, Thừa Thiên-Huế một trong số tám hồ, các hồ còn lại mực nước cũng chỉ thấp hơn mực nước dự báo tràn từ 0,5 đến 1m. Bên cạnh các hồ chứa lớn, mực nước các hồ chứa nhỏ tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hầu hết đã đạt, hoặc xấp xỉ mực nước dự báo tràn (1.741 trong số 1.788 hồ); tại Thừa Thiên-Huế các hồ đạt trung bình 65 đến 80% dung tích thiết kế.

Nguồn Nhân dân