Hàng chục triệu trái tim, khối óc đã và đang hướng về đạo luật gốc


Thực hiện Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sau 3 tháng triển khai, việc lấy ý kiến nhân dân đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý sâu rộng; huy động trí tuệ, sức mạnh toàn dân góp phần xây dựng một bản Hiến pháp xứng tầm là đạo luật gốc. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã nhận được sự quan tâm và đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Theo Dự thảo Báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, mặc dù còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, như thời gian lấy ý kiến tương đối gấp, trùng vào dịp Tết Nguyên đán và vào thời điểm các bộ, ngành, địa phương tập trung cho việc triển khai công tác năm 2013, nhưng về cơ bản việc tổ chức lấy ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được các bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, công khai, dân chủ, bám sát yêu cầu của Ðảng, Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Chính phủ. Ðây thật sự là đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Theo số liệu được tổng hợp từ báo cáo của các cơ quan, tính đến ngày 31/3, đã có hơn 26 triệu ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với hơn 28.000 hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức.

Được biết, Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã khẩn trương phân loại, tổng hợp các ý kiến đóng góp của nhân dân. Có thể khẳng định: Sau 3 tháng triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Chỉ thị của Bộ Chính trị, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nhận được sự quan tâm sâu sắc và đồng tình ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị.

Thông qua đợt sinh hoạt chính trị – pháp lý này, không chỉ huy động được trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của công dân để hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp mà còn phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nâng cao ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc xây dựng dự thảo Hiến pháp.

Nhiều báo cáo của các bộ, ngành, địa phương được xây dựng công phu, bài bản, số lượng tham gia ý kiến đông, trong đó nhiều ý kiến có chất lượng, tâm huyết. Về tổng thể, số lượng ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân rất lớn, trong đó bên cạnh số lượng khá lớn ý kiến tán thành, nhất trí với các nội dung, điều, khoản cụ thể của Dự thảo, và một lượng lớn các ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện hơn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đa số các ý kiến cho rằng, Dự thảo đã bám sát các quan điểm, định hướng nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp được xác định tại các Nghị quyết của Ðảng, thể hiện rõ quy mô, phạm vi sửa đổi nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), phù hợp tình hình mới của đất nước. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo) đã thể hiện tính nhân văn, hiện đại, tiếp thu, kế thừa thành tựu các bản Hiến pháp trước đó. Về cơ bản, Dự thảo tiếp tục khẳng định bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị đã được xác định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp năm 1992, đồng thời làm rõ hơn, đầy đủ và sâu sắc hơn các vấn đề sau: Khẳng định thể chế nhà nước ta là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; tiếp tục khẳng định bản chất của Nhà nước ta Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Các ý kiến đều khẳng định Quân đội, công an trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân. Quy định những bảo đảm để thực hiện quyền con người, quyền công dân. Quy định rõ một số trường hợp thì mới hạn chế quyền công dân để tránh tùy tiện.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 cũng đã nhấn mạnh các hình thức nhân dân thực hiện quyền lực của mình, thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, không chỉ qua cơ quan dân cử mà các cơ quan nhà nước khác. Đó là một nội dung rất quan trọng thể hiện xuyên suốt trong Dự thảo.

Trong chương về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, môi trường… cũng có nhiều điểm sửa đổi về cách hiến định các thành phần kinh tế phù hợp với từng giai đoạn phát triển, mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm công bằng, bảo đảm môi trường…

Trong quyết định về bộ máy nhà nước, có nhiều điểm sửa đổi bổ sung, xác định rõ hơn các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, mối quan hệ giữa các cơ quan, quy định về kiểm soát quyền lực nhà nước.

Sửa đổi Hiến pháp lần này, Dự thảo đã bổ sung nhiều yếu tố về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặt trong chương II. Hiến pháp ghi nhận 16 quyền con người, tất cả mọi người sống trên một lãnh thổ đều được hưởng những quyền này, kể cả người nước ngoài và người không có quốc tịch Việt Nam.

Đặc biệt, Dự thảo bổ sung một số thiết chế hiến định độc lập như Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Dự thảo có quy định mới về thẩm quyền Quốc hội, vai trò của nhân dân trong sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, quy trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.

Nội dung sửa đổi, bổ sung đã giải quyết một cách cơ bản những vấn đề bất cập, tồn tại của thực tiễn đặt ra trong quá trình tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992. Dự thảo đã bảo đảm là đạo luật cơ bản của Nhà nước, có tính dự báo và ổn định lâu dài. Các ý kiến đóng góp thống nhất, xoay quanh các vấn đề quan trọng như:

Về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Góp ý về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội (Ðiều 4), các ý kiến đồng tình cao với nội dung Dự thảo: “Ðảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”; coi đây là điều kiện tiên quyết, cơ bản, quan trọng nhất để đảm bảo thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Điều 4 của Dự thảo đã tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, cần quy định rõ phương thức lãnh đạo nhà nước và toàn xã hội của Đảng. Những nguyên tắc đang dẫn dắt đời sống chính trị nước nhà như Hiến pháp thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng… và những quyền lực thực tế của Đảng như xác định phương hướng, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh… cần được quy định trong Hiến pháp để bảo đảm “các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” và “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”.

Các ý kiến đều đồng ý rằng, “cây có cội, gốc có nguồn”, không ai có thể phủ nhận vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam! Quá khứ và hiện tại đã khẳng định chân lý đó. Thực tiễn lịch sử hơn 80 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam đã được khẳng định trong tiến trình lịch sử chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc thống nhất đất nước và đưa cả nước đi lên CNXH. Ngay từ khi ra đời (3/2/1930), Đảng đã trở thành lực lượng chính trị duy nhất giữ vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, chống xâm lược thống nhất đất nước, vai trò lãnh đạo của Đảng ta đã được cả dân tộc thừa nhận và tuân theo. Trên thực tế luôn khẳng định vai trò lãnh đạo và sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định, là nguồn gốc thành công của sự nghiệp. Trong điều kiện Đảng cầm quyền tiến hành cách mạng XHCN vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng tăng lên, mang tính tất yếu khách quan và là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Góp ý vào Điều 4, về cơ bản, các ý kiến đều bày tỏ mong muốn làm rõ hơn vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội để phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam. Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra; phòng và chống những nguy cơ suy thoái biến chất của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong Hiến pháp sửa đổi. Trong Điều 4, Dự thảo cần khẳng định rõ được 3 vấn đề rất cơ bản, hệ trọng, cốt lõi đó là: (1) Bản chất của Đảng; (2) Địa vị, vị trí lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; (3) Quan hệ của Đảng đối với giai cấp, nhân dân và dân tộc, đối với nhà nước và toàn xã hội như Cương lĩnh năm 2011, Nghị quyết Đại hội XI và Điều lệ Đảng đã xác định.

Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân

Các ý kiến đóng góp đều cho rằng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã cho thấy một sự phát triển mạnh mẽ trong chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Dự thảo đã đưa vào khái niệm “quyền con người” ngay trong tên chương thay vì chỉ gọi là “quyền và nghĩa vụ của công dân” như các bản Hiến pháp trước đây. Sự bổ sung này là vô cùng quan trọng và ý nghĩa trong bối cảnh thực tiễn phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế. Đây không chỉ đơn thuần là kỹ thuật lập hiến mà đã phản ánh một tư duy lập hiến phát triển và phù hợp với xu thế của dân tộc, thời đại và nhân loại. Bên cạnh đó, chương quyền con người, quyền công dân được đưa lên Chương II, sau chương chế định về chế độ chính trị đã góp phần khẳng định và đề cao nguyên tắc chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân. Dự thảo lần này cũng bổ sung được một số quyền mới, phản ánh xu hướng hội nhập và phát triển của nước ta: quyền sống, quyền nghiên cứu khoa học và sáng tạo văn học nghệ thuật; quyền hưởng thụ văn hóa, tham gia, tiếp cận và sử dụng các giá trị văn hóa; quyền được sống trong môi trường lành mạnh, tự do lựa chọn ngôn ngữ để giao tiếp: có các nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác, không được lạm dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Một số ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể hơn nữa các quyền của con người, quyền của công dân ngay trong Hiến pháp, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực thi; cần sử dụng nhất quán và chính xác các chủ thể của quyền là “mọi người” chứ không phải là “công dân”; cần khẳng định, nhấn mạnh hơn nữa chủ quyền tối cao thuộc về nhân dân; đưa thành ngyên tắc Hiến định đối với một số điều kiện cơ bản, nhằm bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân.

Về chế định sở hữu đất đai

Vấn đề sở hữu đất đai nhận được sự quan tâm, đóng góp của nhiều nhà khoa học, luật gia và nhân dân. Các ý kiến đều thống nhất: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là cơ quan đại diện quản lý. Góp ý về chế độ sở hữu đất đai (Ðiều 57, 58) trong Dự thảo, các ý kiến đều khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Việc thiết lập chế định sở hữu toàn dân về đất đai đã góp phần vào việc giữ ổn định quan hệ đất đai, tránh những xáo trộn không cần thiết và duy trì sự ổn định về chính trị, xã hội là tiền đề rất quan trọng để phát triển đất nước. Chế độ sở hữu toàn dân về đất đai hiện hành không làm hạn chế đến quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất vì họ đã được quy định có các quyền sử dụng, mà nội hàm quyền sử dụng đất đai theo quy định của pháp luật Việt Nam cũng gần như là đầy đủ các quyền của một chủ sở hữu đất đai ở các nước có đa sở hữu về đất đai. Đồng thời quy định như vậy cũng phù hợp với chủ trương của Đảng là tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc tiếp tục kế thừa sở hữu toàn dân về đất đai của Hiến pháp 1992 hiện hành như trong dự thảo là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý cho rằng, Dự thảo cần làm rõ các khái niệm: quyền sở hữu, quyền sử dụng đất và quyền tài sản để tránh hiểu lầm; phân định rõ quyền, trách nhiệm của Nhà nước, của nhân dân trong quản lý, sử dụng đất; các trường hợp Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh…, Nhà nước cần phải có cơ chế, chính sách đền bù phù hợp, tạo thuận lợi cho người dân.

Về vai trò, vị trí của lực lượng vũ trang nhân dân

Các ý kiến đều khẳng định quân đội, công an trung thành với Đảng, Nhà nước, nhân dân. Bản thân quân đội luôn là một lực lượng chính trị, một bộ phận đặc biệt quan trọng của chính quyền nhà nước. Mọi điều kêu gọi trung lập, hay chia tách sự lãnh đạo của chính đảng cầm quyền đối với quân đội đều là vô nghĩa, phản khoa học, kéo theo những tư tưởng chính trị phản động. Điều này đã được lịch sử chứng minh. Trong mọi thời đại, quân đội luôn là yếu tố quan trọng của thượng tầng kiến trúc chính trị thuộc những quan hệ sản xuất, bao gồm cơ sở xã hội khách quan và nền tảng kinh tế xã hội nhất định. Quân đội luôn là một bộ phận cấu thành và là lực lượng đặc biệt quan trọng của nhà nước. Bản thân quân đội là một lực lượng chính trị, luôn tham gia vào mọi hoạt động chính trị của nhà nước; duy trì và bảo vệ các lợi ích của giai cấp và chính đảng cầm quyền. Quân đội nào cũng thuộc về một giai cấp nhất định. Tùy theo tính chất phản động hay tiến bộ của giai cấp ấy mà quân đội thể hiện bản chất của mình. Quân đội do các giai cấp áp bức, bóc lột, thống trị tổ chức ra đều nhằm mục đích củng cố chế độ bóc lột và đàn áp đông đảo quần chúng nhân dân, áp bức nhân dân lao động về xã hội và về dân tộc, bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, và để cướp bóc, nô dịch các dân tộc khác. Trái lại, quân đội của giai cấp công nhân, các tầng lớp nhân dân lao động tổ chức ra là nhằm mục đích đánh đổ chế độ áp bức, bóc lột lao động và sự đô hộ, áp bức và nô dịch các dân tộc của các giai cấp bóc lột, bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, giữ gìn nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bất kỳ quân đội nào cũng chịu sự lãnh đạo của một chính đảng nhất định. Chính đảng đó là hiện thân và biểu tượng tập trung cao nhất, đại diện cho lợi ích của giai cấp cầm quyền. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, quân đội do Đảng Cộng sản lãnh đạo, nhằm mục tiêu bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân lao động, chống áp bức, đô hộ, xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Các ý kiến góp ý đối với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đều tiếp tục ghi nhận và khẳng định lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân; Công an nhân dân là lực lượng vũ trang với vai trò nòng cốt trong sự nghiệp bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Điều 70 có ghi: “Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân…”. Điều này thể hiện sự phát triển mới, phù hợp với tinh thần trong Cương lĩnh xây dựng nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), và đầy đủ hơn so với Điều 45 trong Hiến pháp năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001): “Các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân…”. Sự trung thành của lực lượng vũ trang nhân dân với Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổ quốc và nhân dân cần phải được hiến định. Hiến pháp, đạo luật cơ bản, cần tiếp tục ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, đồng thời ghi nhận sự trung thành của lực lượng vũ trang nhân dân với Đảng, Tổ quốc và nhân dân. Đảng Cộng sản Việt Nam là người tổ chức và lãnh đạo lực lượng vũ trang nhân dân; lực lượng vũ trang nhân dân phục tùng sự lãnh đạo của Đảng là hai mệnh đề song hành ngay từ khi các lực lượng vũ trang mới được thành lập đến nay. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Dự thảo chưa thể hiện hết chức năng của lực lượng công an trong bộ máy nhà nước. Vì vậy, Điều 72 nên viết là: “Công an nhân dân Việt Nam cách mạng được xây dựng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, nhà nước và nhân dân; làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự”.

Như vậy, ghi nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhân dân, sự trung thành của lực lượng vũ trang nhân dân với Đảng là sự khẳng định một thực tế lịch sử, một hiện thực chính trị – xã hội, một tất yếu khách quan trong thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Về chế định chính quyền địa phương

Nhiều ý kiến đóng góp về Chương IX: Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được xây dựng trên cơ sở đổi tên Chương IX: Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của Hiến pháp năm 1992 là cần thiết nhằm làm rõ tính chất của hệ thống cơ quan ở địa phương trong mối quan hệ với Trung ương; thể hiện tính gắn kết, mối quan hệ chặt chẽ giữa Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong chỉnh thể của chính quyền địa phương. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 quy định theo hướng không quá chi tiết về nhiệm vụ của chính quyền địa phương các cấp mà để luật quy định cụ thể cũng là phù hợp nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ cần phải phân công, phân cấp giữa Trung ương và địa phương, giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau để có thể phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của địa phương. Tuy nhiên, về nguyên tắc phân công quyền lực giữa Trung ương và địa phương, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo chưa thể hiện rõ và chưa quy định nguyên tắc thực hiện phân quyền, phân cấp giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương nhằm đáp ứng được yêu cầu phân cấp hợp lý cho chính quyền địa phương, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp của chính quyền địa phương theo tinh thần văn kiện Đại hội XI của Đảng. Do đó, vẫn chưa có cơ sở hiến định vững chắc để thực hiện đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân năm 2003. Về mối quan hệ giữa các cơ quan Trung ương với chính quyền địa phương, Dự thảo chưa xác định hợp lý mối quan hệ giữa các thiết chế hiến định ở Trung ương với các cơ quan chính quyền địa phương theo hướng bảo đảm sự điều hành thông suốt của nền hành chính quốc gia, khắc phục bất cập do quy định của Hiến pháp hiện hành. Một trong những bất cập hiện nay là hoạt động của Hội đồng nhân dân chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát đồng thời của hai cơ quan là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Về tổ chức chính quyền địa phương các cấp, chưa bảo đảm cơ sở hiến định cho việc đổi mới tổ chức chính quyền địa phương nên cần bổ sung quy định: “việc thành lập mới, chia tách đơn vị hành chính lãnh thổ phải căn cứ vào các tiêu chí, trình tự, thủ tục luật định” để làm cơ sở hiến định cho việc khắc phục những bất cập hiện nay trong vấn đề chia tách hoặc sáp nhập các đơn vị hành chính lãnh thổ; đồng thời, cần bổ sung quy định về việc tổ chức các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do luật định để bảo đảm thẩm quyền của Quốc hội trong việc ban hành quy chế cho các đơn vị hành chính này. Về nhiệm vụ và nguyên tắc hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương, Dự thảo đã thể hiện được một cách khái quát ở tầm Hiến pháp các nhiệm vụ cơ bản của Hội đồng nhân dân để làm cơ sở cho việc luật định các nhiệm vụ cụ thể của cơ quan này.

Một trong những mục đích quan trọng nhất của việc sửa đổi Hiến pháp lần này là phải đặt nền tảng pháp lý vững chắc để xây dựng một chính quyền mạnh mẽ thực sự là chính quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Muốn vậy, cho dù tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, 3 cấp hoặc 4 cấp thì đều phải có thiết chế Hội đồng nhân dân song hành với cơ quan hành pháp.

Về kỹ thuật lập hiến

Các ý kiến đóng góp về vấn đề này cho rằng, Dự thảo đã có bước tiến bộ hơn so với hiến pháp hiện hành. Theo đó, Dự thảo sửa đổi chỉ quy định những vấn đề cơ bản có tính nguyên tắc và được thể hiện khái quát, cô đọng, súc tích. Những vấn đề về vị trí, chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các cơ quan nhà nước cần được quy định rõ hơn trong Hiến pháp, còn quy trình thủ tục, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ quyền hạn để luật điều chỉnh. Một số chủ trương, chính sách cụ thể về phát triển ngành, lĩnh vực (kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, y tế, thể dục, thể thao) không nên quy định trong Hiến pháp mà để luật điều chỉnh để bảo đảm tính linh hoạt trong bổ sung, hoàn chỉnh chủ trương, chính sách và trong quản lý, điều hành. Tuy nhiên, nên thống nhất cách ghi cho việc triển khai các nội hàm của các quyền. Do đó, nên lựa chọn thống nhất một cách ghi nhận các quyền của một số điều cụ thể theo nguyên tắc khái quát cao và phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và phát triển. Các quy định về quốc phòng, an ninh trong Dự thảo, về tổng thể đã được trình bày lại dưới dạng là những nguyên tắc, những định nghĩa khái quát khoa học, có tính pháp lý cao. Vì vậy, đã khắc phục được căn bản lối diễn đạt liệt kê, rườm rà, thiếu chặt chẽ, tường minh trong một số quy định về quốc phòng, an ninh của Hiến pháp năm 1992.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản, cần có những quy định cần thiết để bảo đảm hoạt động của các cơ quan nhà nước được vận hành thông suốt, bảo đảm quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được thực thi. Tuy nhiên, mức độ chi tiết của Hiến pháp cũng cần phải được xử lý sao cho khéo léo để vừa không làm thay các luật chuyên ngành vừa không gây khó khăn, cản trở cho các luật cụ thể hóa và bản thân các quy định của Hiến pháp không mau chóng lỗi thời.

Mới đây, phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 7 của Ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong thời gian qua, nhân dân cả nước với tinh thần trách nhiệm cao đã thể hiện ý chí của mình tham gia đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Công việc của Ban biên tập là phải tập hợp đầy đủ ý kiến của nhân dân, trên cơ sở đó tiếp thu các ý kiến đóng góp. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, cần nêu rõ cơ sở, lý lẽ, có sự lập luận chặt chẽ. Đối với những ý kiến chưa tiếp thu cần có sự giải trình, trong đó nêu rõ lý do, cơ sở. Trên cơ sở tiếp thu trung thực ý kiến của nhân dân, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu những nội dung hay, tốt, có sở sở khoa học, phù hợp với thực tiễn cần được tiếp thu tối đa, chọn lọc khoa học để chắt lọc tinh hoa trí tuệ của nhân dân đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Được biết, kể từ sau ngày 31/3/2013 cho đến thời điểm 30/4/2013 và cho đến 30/9/2013 trước khi Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 được trình Quốc hội thông qua, nhân dân vẫn tiếp tục đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Các cơ quan, tổ chức, địa phương có trách nhiệm tiếp nhận, tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của nhân dân và gửi về Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Các ý kiến góp ý của nhân dân sẽ được nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét, quyết định. /.