Việt Nam có vị trí đặc biệt trong chính sách châu Á của Mỹ
Từ ngày 3-14/11 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công du châu Á, trong đó có Việt Nam, lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Diễn ra trong bối cảnh có nhiều hoài nghi về cam kết của Mỹ với các đồng minh tại châu Á, chuyến đi nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận trong khu vực và thế giới, cũng như nhiều dự báo của giới phân tích.
Trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài được đánh giá là dài ngày nhất của người đứng đầu Nhà Trắng trong 10 tháng qua, ông Donald Trump sẽ lần lượt thăm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Theo các nhà phân tích, chuyến đi mang ý nghĩa to lớn không chỉ đối với Tổng thống Donald Trump, mà còn cả với khu vực châu Á và thế giới, nhất là khi diễn ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại về hòa bình và an ninh khu vực.
Trong một thông cáo đưa ra mới đây, Chính phủ Mỹ cho biết, chuyến đi của người đứng đầu Nhà Trắng sẽ nhấn mạnh cam kết của ông đối với các đồng minh và đối tác lâu đời của Mỹ, đồng thời khẳng định vai trò lãnh đạo của Mỹ tại một khu vực châu Á- Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.
Tuyên bố đã phần nào hé lộ cách tiếp cận của chính quyền mới tại Mỹ cũng như mục đích chuyến thăm châu Á này của ông Donald Trump. Một điều không khó nhận ra, kể từ khi nhậm chức hồi đầu năm nay, vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ đã cho thấy một mối quan hệ khá thoải mái với các nhà lãnh đạo châu lục so với các đồng minh truyền thống tại châu Âu hay vùng Vịnh.
Trên thực tế, bất chấp một số lo ngại xuất phát từ những phát biểu gây tranh cãi trong giai đoạn tranh cử, ông Donald Trump vẫn duy trì sự quan tâm lớn đối với khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Điều này thể hiện rõ ở việc ông nhận lời tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) ngay từ đầu năm, sớm hơn nhiều so với thông lệ.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nhận định, thương mại và mối đe dọa từ Triều Tiên sẽ là trọng tâm chuyến công du châu Á này của ông Donald Trump.
Người đứng đầu Chính phủ Mỹ sẽ trấn an các đồng minh và đối tác rằng Mỹ sẽ hỗ trợ đối phó với mối đe doạ từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, cũng như trong các nỗ lực chống chủ nghĩa khủng bố.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence trong một phát biểu mới đây, cũng nhấn mạnh điều này: “Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ vẫn giữ vững cam kết đối với các đồng minh, trong đó có Nhật Bản. Liên minh Mỹ- Nhật là nền tảng của hòa bình và ổn định trong khu vực Thái Bình Dương.
Mỹ sẽ dốc toàn bộ sức mạnh nhằm giải quyết vấn đề Triều Tên theo cách mà chúng ta mong muốn, đó là thông qua biện pháp ngoại giao, kinh tế, một giải pháp hòa bình và hướng tới mục tiêu lâu dài về một bán đào Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân”.
Đặc biệt, sau khi rời Đà Nẵng, kết thúc Hội Nghị cấp cao Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ông Donald Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/11, bắt đầu chuyến thăm chính thức cấp nhà nước tới Việt Nam.
Theo tờ Diplomat số ra mới đây tại Nhật Bản, điều này đã cho thấy vị trí đặc biệt của Việt Nam hiện nay trong chính sách châu Á của Mỹ, với việc chính Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên được ông Donald Trump đón tiếp tại Nhà Trắng hồi tháng 5 vừa qua.
Vì thế có thể nói, quyết định công du Việt Nam sau Hội nghị cấp cao APEC là tín hiệu mạnh mẽ mà ông Donald Trump muốn gửi đi, công nhận Việt Nam là một tác nhân quan trọng trong các vấn đề khu vực, và là một đối tác của Mỹ trong nhiều vấn đề mà cả hai nước cùng quan tâm.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.