Vụ đánh bom Boston, thủ phạm có thể là công dân Mỹ

       Nhiều khả năng, nam sinh viên người Saudi Arabia, người bị tình nghi đầu tiên, không có liên quan tới vụ đánh bom này.

Theo thông tin mới nhất từ các nhà điều tra Mỹ, một trong những thiết bị nổ trong vụ đánh bom kép xảy ra tại thành phố Boston, bang Massachusetts chiều ngày 15/4 (giờ địa phương) được đặt trong nồi áp suất và nhiều khả năng được hẹn giờ kích nổ chứ không phải được kích hoạt từ xa bằng điện thoại di động.

Kết quả điều tra ban đầu không phát hiện chất nổ C-4 hoặc các loại chất nổ có sức công phá cao khác, cho thấy các thiết bị nổ được sử dụng đều ở dạng thô. Sử dụng nồi áp suất làm thiết bị nổ là phương pháp chế tạo bom được sử dụng trong các vụ tấn công tại Afghanistan, Pakistan, Ấn Độ và Nepal.

Cảnh sát kêu gọi người dân địa phương cung cấp tất cả băng video, âm thanh, hình ảnh hoặc bất cứ thông tin nào liên quan tới vụ nổ, kể cả những gì mà mọi người cho rằng không quan trọng. Cho tới thời điểm này, vụ đánh bom đã khiến 3 người thiệt mạng trong đó có một bé trai 8 tuổi và hơn 180 người bị thương.​

Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc họp với các quan chức an ninh quốc gia sáng 16/4 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận các nhà điều tra vẫn chưa biết liệu vụ đánh bom là do một tổ chức khủng bố hay một kẻ bất mãn thực hiện. Ông Obama nhấn mạnh: ​“Đó là một hành động ghê tởm và hèn nhát. Cục Điều tra liên bang đang điều tra vụ đánh bom theo hướng coi đây hành động khủng bố. Bất kỳ vụ đánh bom nào nhằm vào dân thường vô tội đều là hành động khủng bố”.

​Về phần mình, đặc vụ hàng đầu của Cục Điều tra Liên bang (FBI), ông Rick DesLauriers tuyên bố: “Đây sẽ là một cuộc điều tra có quy mô toàn cầu. Chúng tôi sẽ đi tận cùng trời cuối đất để xác định đối tượng chịu trách nhiệm cho hành động hèn hạ đó, và chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có để đưa chúng ra trước công lý”.

​Cuối ngày 16/4, các cơ quan chức năng đã khám xét căn hộ của một nam sinh viên người Saudi Arabia bị thương tại hiện trường vụ nổ. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết, người này không liên quan tới vụ tấn công. Đối tượng chỉ là một người xem xuất hiện không đúng địa điểm và vào thời điểm không thích hợp.

​Theo một số chuyên gia chống khủng bố, vụ đánh bom không có dấu hiệu đặc thù của al-Qaeda hoặc các tổ chức khủng bố liên quan.

Trung tâm SPLC, một tổ chức phi chính phủ về bảo vệ quyền dân sự, cho biết kể từ khi Tổng thống Obama lên nắm quyền, số lượng các nhóm cực đoan chống chính phủ mang tên “Người yêu nước” đã tăng mạnh.

Nổ bất ngờ tại giải Marathon Boston (ảnh: ABC news)

Theo trung tâm này, nguy cơ bạo lực trong nước đang càng rõ rệt do nỗ lực thắt chặt kiểm soát súng đạn của chính quyền Obama. SPLC cho biết số lượng các tổ chức “Người yêu nước” đã lên tới mức kỷ lục vào năm 2012 và tăng hơn 800% trong vòng 4 năm qua. Những nhóm này đang coi chính quyền Obama là một chính phủ liên bang bạo chúa.

Trong thư gửi Bộ trưởng Tư pháp Eric Holder vào tháng trước, Trung tâm SPLC đã cảnh báo về mối đe doạ ngày càng lớn từ những người tin rằng chính phủ sẽ tước quyền sử dụng súng của họ, tương tự như những gì xảy ra ngay trước vụ đánh bom tại thành phố Oklahoma năm 1995 khiến 168 người thiệt mạng. Khi thủ phạm Timothy Mc Veigh tiến hành vụ đánh bom, phong trào “Người yêu nước” đã bị kích động bằng một loạt các biện pháp kiểm soát vũ khí trong đó có dự luật Brady năm 1993 và lệnh cấm vũ khí tấn công năm 1994. SPLC ví tình hình hiện nay như làn sóng thứ 2 của phong trào “Người yêu nước”. 

Vụ tấn công tại Boston cũng khiến người ta liên tưởng tới vụ đánh bom tại Olympics Atlanta năm 1996, khiến 2 người chết và 100 người khác bị thương. Thủ phạm là Eric Rudolph, một kẻ có tư tưởng cực đoan đối với nạo phá thai và người đồng tính. Richard Barrett, cựu Điều phối viên Liên Hợp Quốc phụ trách theo dõi al-Qaeda và Taliban cũng nhận định rằng kích cỡ của các thiết bị nổ tại Boston cũng như thời điểm kích nổ cho thấy nhiều khả năng thủ phạm là công dân Mỹ.  

Hiện lực lượng an ninh trên toàn nước Mỹ trong đó có thủ đô Washington DC vẫn đặt trong tình trạng báo động cao. Thị trưởng New York Michael Bloomberg khẳng định, an ninh của thành phố vẫn trong tình trạng báo động ở mức cao nhất cho đến khi có thêm thông tin vụ thể về điều gì đã thực sự xảy ra tại Boston./.