Quốc hội phê chuẩn Bộ trưởng GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ
Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể làm Bộ trưởng GTVT và ông Lê Minh Khái làm Tổng Thanh tra Chính phủ.
Chiều nay (26/10), sau khi nghe báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giải trình, tiếp thu, Quốc hội đã phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Bộ Giao thông Vận tải và Tổng Thanh tra Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Kết quả kiểm phiếu có 461/466 phiếu hợp lệ tán thành (chiếm 93,98% tổng số đại biểu Quốc hội) phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thể – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng, Trưởng Đoàn ĐBQH khoá XIV tỉnh Sóc Trăng giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, nhiệm kỳ 2016-2021.
464/466 phiếu hợp lệ tán thành (chiếm 94,5% tổng số đại biểu Quốc hội) phê chuẩn bổ nhiệm ông Lê Minh Khái – Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu, Trưởng Đoàn ĐBQH khoá XIV tỉnh Bạc Liêu giữ chức vụ Tổng Thanh tra Chính phủ, nhiệm kỳ 2016-2021.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng hoa chúc mừng Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái |
Nghị quyết về phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ đối với hai thành viên Chính phủ trên cũng đã được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua.
Phát biểu sau khi công bố kết quả, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chúc mừng 2 thành viên Chính phủ vinh dự được Quốc hội phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ GTVT và Tổng Thanh tra Chính phủ; mong các đồng chí nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên cương vị mới mà Quốc hội tin tưởng giao phó.
Tân Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sinh năm 1966, quê Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp; từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp. Tháng 6/2013, ông Nguyễn Văn Thể được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Tháng 10/2015, Bộ Chính trị quyết định cho ông Nguyễn Văn Thể thôi tham gia Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải, thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải; điều động, chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhiệm kỳ 2015-2020.
Còn Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sinh năm 1964, quê huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu. Tháng 3/2014, ông Lê Minh Khái khi đang là Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước được Ban Bí thư điều động, luân chuyển về tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ và giữ chức vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Tháng 6/2014, HĐND tỉnh Bạc Liêu họp phiên bất thường bầu ông Lê Minh Khái giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu.
Tháng 10/2015, Bộ Chính trị quyết định phân công ông Lê Minh Khái giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu nhiệm kỳ 2010 – 2015. Sau đó, ông Lê Minh Khái tái đắc cử Bí thư Tỉnh uỷ Bạc Liêu nhiệm kỳ 2015-2020.
Tân Tổng Thanh tra Chính phủ: “Làm rõ, xử lý nghiêm sai phạm”
Bày tỏ xúc động khi được được Chính phủ đề nghị, Quốc hội tin tưởng, phê chuẩn giữ chức vụ Tổng Thanh Tra Chính phủ vào chiều nay (26/10), ông Lê Minh Khái cho biết, đây là niềm vinh dự đối với bản thân, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn trước Đảng, Quốc hội, Chính phủ và cử tri cả nước.
Nhận nhiệm vụ trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Quốc hội, Chỉnh phủ, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng, yêu cầu và kỳ vọng cùa cử tri và nhân dân cả nước, nhiệm vụ trong thời gian tới của ngành Thanh tra là rất nặng nề.
Ông Lê Minh Khái cho biết sẽ cùng tập thể Lãnh đạo và cán bộ, công chức, viên chức cùa ngành Thanh tra đoàn kết, nỗ lực phấn đấu với mức cao nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh, thời gian tới, sẽ tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ thanh tra theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng giao cho ngành Thanh tra, nhất là thanh tra làm rõ để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những tổ chức, cá nhân có sai phạm gây thất thoát, thua lỗ lớn trong các dự án đang được dư luận xã hội quan tâm.
Tiếp tục thanh tra các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp Nhà nước, các ngành, lĩnh vực quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước dễ nảy sinh tham nhũng tiêu cực theo Nghị quyết 63/2013/QH13 của Quốc hội. Kết thúc sớm các cuộc thanh tra vụ việc phức tạp liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, đơn vị, các cuộc thanh tra trọng tâm về kinh tế do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Cùng với đó là chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về thời gian báo cáo kết quả thanh tra, kịp thời ban hành và công khai kết luận Thanh tra, cố gắng khắc phục việc chậm, hoãn công bố kết luận Thanh tra; chuyển các vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật; khắc phục những hạn chế trong giám sát và xử lý sau thanh tra, quyết liệt trong đôn đốc việc thực hiện nghiêm kết luận và kiến nghị của thanh tra.
Chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xử lý theo thẩm quyền các vụ khiếu kiện phức tạp, đông người, kéo dài để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Người đứng đầu ngành Thanh tra nhấn mạnh đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong thi hành công vụ, tăng cường kiểm soát chất lượng thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động thanh tra. Kịp thời động viên, khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc, đồng thời xử lý nghiêm đối với những cán bộ ngành Thanh tra vi phạm quy định của pháp luật và quy định của ngành.
“Trên cương vị mới được đảm nhiệm, tôi sẽ cùng với tập thể lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đoàn kết, nhất trí, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành Thanh tra, khắc phục những hạn chế yếu kém, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân” – Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Tân Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: “Giao thông phải đi trước một bước mở đường”
Sau khi được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức vụ Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Nguyễn Văn Thể gửi lời cảm ơn đến Quốc hội; nhấn mạnh đây là vinh dự và trách nhiệm to lớn mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân tin tưởng giao cho ông trong giai đoạn hiện nay.
Tân Bộ trưởng cho rằng, giao thông vận tải có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, là mạch máu của nền kinh tế, giao cần phải đi trước một bước để mở đường, tạo đột phá cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và sự ổn định bền vững của đất nước.
“Thực hiện nhiệm vụ này trong điều kiện ngân sách nhà nước và đầu tư công rất eo hẹp, nợ công đang ở mức cao, nguồn vốn vay ODA và huy động từ xã hội rất khó khăn là một thách thức rất lớn cho bản thân tôi và ngành giao thông vận tải”, ông nói.
Bộ trưởng Giao thông cũng nhận rõ, hiện giao thông vận tải đang là một trong ba điểm nghẽn của nền kinh tế, là một trong ba khâu đột phá mà cả hệ thống chính trị cần tập trung tháo gỡ.
Theo ông, có rất nhiều việc phải làm, tuy nhiên trong giai đoạn trước mắt cần tập trung giải quyết một số việc cấp bách như: Đề xuất phương án sử dụng có hiệu quả nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2017-2020, sớm triển khai xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành, sớm hoàn thành các tuyến đường sắt trên cao ở Hà Nội và TP HCM, đề xuất giải pháp hạn chế ùn tắc giao thông cho thủ đô Hà Nội, TP HCM và sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các vấn đề liên quan đến các dự án BOT của ngành giao thông…
Về lâu dài, tìm giải pháp huy động các nguồn vốn để phát triển cân bằng và hiệu quả các loại hình giao thông vận tải, nhất là phát huy hiệu quả đường thuỷ nội địa, đường sắt vè đường biển nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của đất nước.
“Ngành GTVT đã lập được nhiều kỳ tích và thành tựu trong quá khứ, tuy nhiên tương lai còn rất nhiều việc phải làm. Trong giai đoạn này, hơn bao giờ hết, ngành GTVT phải có bước đi đột phá chiến lược về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội đất nước” – Tân Bộ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.