Thị trường yến: Lo cúm A/H5N1

       Sức mua yến đang sụt giảm do tâm lý lo ngại virus cúm A/H5N1. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, loại virus này sẽ không tồn tại nếu sản xuất, chế biến yến theo đúng quy trình

                     
Hơn 1 tuần trở lại đây, sau khi có thông tin về dịch cúm A/H5N1 trên chim yến ở Ninh Thuận, các cửa hàng kinh doanh yến trên địa bàn TPHCM giảm khoảng 20% lượng khách lui tới.
 

Người dân “ngại” yến

Tại chợ Bình Tây, khi chúng tôi tìm hiểu về thị trường yến thì một số chủ sạp kinh doanh sản phẩm này có vẻ lãng tránh vì cho rằng càng nói thì người tiêu dùng càng hoang mang. Dù vậy, họ cũng thừa nhận nhiều khách hàng đã tỏ ra lo ngại, một vài nơi yêu cầu tạm ngừng cung cấp một thời gian, chờ xem xét thị trường.

Tham khảo tại một số cửa hàng, nhà hàng chuyên kinh doanh sản phẩm, món ăn chế biến từ yến trong thời điểm này, hầu hết đều cho biết sức mua giảm từ 10%-30% so với trước khi có thông tin chim yến bị nhiễm cúm. Nhân viên cửa hàng kinh doanh yến thuộc Công ty Yến sào Anpha (đường Hồng Bàng – quận 5) cho biết nếu trước đây mỗi ngày bán được 100 khách thì gần đây chỉ được 70 – 80 khách. Theo đó, cả số khách đến ăn tại chỗ và khách mua hàng khô mang về cũng giảm.

Bà Đặng Phạm Minh Loan, Tổng Giám đốc Công ty CP Yến Việt, đơn vị có cơ sở nuôi yến Thanh Bình ở Ninh Thuận, thời gian qua có yến bị nhiễm virus cúm A/H5N1, cho biết từ đầu tháng 4, công ty đã áp dụng chương trình khuyến mãi lớn: Mua 100 g yến (giá khoảng 4,2 triệu đồng) sẽ được tặng 10 g hồng yến Phương Nam trị giá 800.000 đồng. Dù vậy, sức mua lại tăng không nhiều như dự kiến. Nguyên nhân, theo đánh giá của bà Loan, có thể do ảnh hưởng của thông tin yến bị nhiễm cúm.

Khó tồn tại virus cúm trên sản phẩm yến

Một bác sĩ chuyên về thực phẩm, dinh dưỡng cho rằng virus cúm A/H5N1 sống ký sinh trên cơ thể gia cầm, vì vậy, khi yến bị nhiễm bệnh thì virus chỉ tồn tại trên cơ thể yến. Khi yến nhiễm bệnh vừa mới tiết ra nước bọt hay còn nằm trong tổ thì có khả năng virus cúm sẽ tồn tại trên sản phẩm của yến. Tuy nhiên, sau một thời gian thì virus cúm sẽ chết. Chưa kể, trước khi ăn yến, mọi người đều phải chưng, nấu trong thời gian khoảng 30 phút. Vì vậy, khả năng virus cúm còn tồn tại là hầu như không có.

Còn ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Thú y Vùng 6, cho rằng khi con yến bị bệnh thì khả năng tiết ra nước bọt để tạo tổ yến là rất thấp, có thể nói là không thể. Trường hợp virus cúm lây từ yến bệnh sang tổ, sản phẩm thì cũng không đáng lo vì quá trình xử lý diệt khuẩn, chế biến yến sẽ tiêu diệt luôn virus cúm.

Theo bà Đặng Phạm Minh Loan, yến của Công ty CP Yến Việt sản xuất theo một quy trình khép kín, được kiểm tra nghiêm ngặt về các tiêu chuẩn vệ sinh, duyệt khuẩn… nên không đáng lo ngại chuyện nhiễm virus cúm A/H5N1.

Công ty CP Yến Việt cũng đã chủ động lấy 18 mẫu tổ yến, yến nguyên liệu và yến thành phẩm đi kiểm tra. Tất cả đều cho kết quả âm tính với cúm A/H5N1. Quy trình lấy mẫu tổ yến rất nghiêm ngặt, các mẫu yến được cắt từ nhiều tai yến ở nhiều khu vực, vùng khác nhau để bảo đảm tính chính xác. Riêng chim yến thì đã lấy trên 10 mẫu để kiểm tra, phần lớn đều cho kết quả âm tính.

“Vì sức khỏe cộng đồng, nếu dịch bệnh trên chim yến tiếp tục diễn biến xấu, công ty hoàn toàn nhất trí với các phương án của Nhà nước về xử lý đàn chim yến tại cơ sở Thanh Bình. Tuy nhiên, để giảm bớt những thiệt hại quá lớn của doanh nghiệp, UBND tỉnh Ninh Thuận cần có kế hoạch hỗ trợ về kinh phí, chính sách, tạo điều kiện thêm cho công ty giữ vững thương hiệu, mang lại các sản phẩm yến tốt nhất cho người tiêu dùng” – bà Loan đề nghị.