6 người chết, 6 người mất tích và 5 người bị thương do bão số 12
Bão số 12 đổ bộ vào Phú Yên – Khánh Hòa, tâm bão ở Nha Trang – Ninh Hòa. Cấp độ rủi ro thiên tai tăng lên cấp 4, mức rủi ro lớn nhất, chỉ đứng sau mức thảm họa (cấp 5).
Tại tỉnh Khánh Hòa, gió đã nhẹ hơn. Thông tin ban đầu, mưa bão đã làm 4 người chết, 5 người bị thương. Trong đó, 1 người ở xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang chết do sập tường, 3 người ở xã Đại Lãnh, Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh chết do đi lại trong bão. Tại các địa phương phía Bắc tỉnh Khánh Hòa như thị xã Ninh Hòa, Vạn Ninh, khoảng 80 đến 90% nhà dân bị tốc mái hư hại.
Nhiều nhà dân bị sập, người dân phải tiếp tục sơ tán trong mưa bão. Cột điện, trạm phát sóng viễn thông ngã đổ gây mất điện trên diện rộng, hệ thống thông tin liên lạc gián đoạn. Nhiều cây xanh ngã đổ gây ách tắc giao thông. Hàng trăm tàu thuyền đã vào nơi neo đậu bị chìm và hư hỏng. Hiện các địa phương tập trung khắc phục giao thông phục vụ việc đi lại.
Ông Võ Lục Phẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa cho biết, huyện tập trung cấp cứu 5 người bị thương, di dời những hộ ven biển bị triều cường xâm thực: “Đang tập trung trước mắt là khắc phục giao thông phục vụ đi lại, chỉ đạo các xã di dời dân vùngtriều cường. Đang di dời một số hộ ở gần biển đi nơi khác cư trú chứ nhà cửa là nước nó nó vô với tốc mái hết rồi không còn chỗ ở. Nói chung xã nào cũng thiệt hại, ngay tại thị trấn cũng nặng, thiệt hại toàn huyện luôn”.
Ngay sau khi mưa gió ngớt, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra, chỉ đạo khắc phục thiệt hại….
Hiện tại nhiều tuyến đường ở Nha Trang đang bị ngập úng, cây đổ gây ách tắc,… do mưa lớn, gió mạnh đã làm hệ thống cây xanh, trụ điện dọc Quốc lộ 1 qua địa bàn huyện Vạn Ninh bị ngã đổ gây tắc giao thông. Các phương tiện giao thông lưu thông trên Quốc lộ 1 chạy ngược chiều trên cùng 1 làn rất nguy hiểm.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ, cùng lãnh đạo địa phương đã chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng triển khai thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm giao thông trên các trục đường huyết mạch, khai thông Quốc lộ 1.
Lực lượng quân đội, công an,… đã được huy động triển khai hỗ trợ người dân, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, triển khai công tác khắc phục hậu quả sau bão…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thị sát tình hình thiệt hại tại khu vực bão đổ bộ. Ảnh VGP/Xuân Tuyến |
Chỉ đạo ứng phó bão tại hiện trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu huy động lực lượng chốt chặn, kiểm soát, không để người dân đi vào những nơi nguy hiểm; bảo đảm an toàn giao thông. Ảnh VGP/Xuân Tuyến |
Sau khi đôn đốc công tác khắc phục hậu quả bão số 12 tại tỉnh Phú Yên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và đoàn công tác đã di chuyển ra Bình Định để thị sát tình hình, chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ các thuyền viên, tàu cá, tàu hàng bị sóng cuốn trôi, đánh chìm tại khu vực Cảng Quy Nhơn; chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão.
Phó Thủ tướng chỉ đạo tập trung tìm kiếm người mất tích. Ảnh VGP/Xuân Tuyến |
Khẩn trương tìm kiếm người mất tích, trôi dạt trên biển
Hiện tại Bình Định vẫn còn 26 người mất tích trên biển, Phó Thủ tướng yêu cầu tập trung bằng mọi giá tìm kiếm người mất tích; điều động thêm phương tiện cứu hộ, cứu nạn; lập sở chỉ huy tiền phương; bệnh viện dã chiến; huy động ngư dân để tìm kiếm các thuyền viên mất tích, trôi dạt trên biển;…
Phó Thủ tướng giao các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Khoa học và Công Nghệ; Giao thông vận tải lên phương án ứng phó sự cố tràn dầu…
Phó Thủ tướng trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Định. Ảnh VGP/Xuân Tuyến |
Phó Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và các phương tiện tham gia, tìm kiếm cứu nạn.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, thống kê các phương tiện và người còn đang bị nạn trên biển để tìm kiếm, cứu nạn, kịp thời.
Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời đối với gia đình có người bị nạn và chỉ đạo cơ quan y tế sẵn sàng cứu chữa, chăm sóc sức khỏe chu đáo đối với những người bị thương và tổ chức tốt việc giải quyết, khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Tàu Thanh Hải bị sóng đánh dạt lên bờ. Ảnh VGP/Xuân Tuyến |
7 tàu hàng bị chìm, còn khoảng 15 người mất tích
Tại vùng biển Quy Hòa (phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn) đến 12 giờ trưa ngày 4/11, mưa vẫn rất to, kèm theo gió mạnh, sóng biển dữ dội.
Tàu hàng THANH HAI 18 bị sóng đánh dạt lên bờ biển mắc cạn. Trên tàu vẫn còn 1 số thuyền viên ở lại để bảo vệ tài sản.
Theo thống kê của Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn, đến đầu giờ chiều 4/11, đã có 7 tàu hàng bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn, trong đó có các tàu: Biển Bắc 16, Hoa Mai 68, Jupiter, Nam Khánh 26, Long Sơn 08, Hà Trung 98 (còn 1 tàu chưa xác định).
Các lực lượng chức năng đã cứu được 68 thuyền viên, còn khoảng 15 người mất tích.
Sức gió giảm từ cấp 12 xuống cấp 10
Lúc 10h ngày 04/11, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Khánh Hòa – Đắk Lắk – Lâm Đồng. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (90-100km/giờ), giật cấp 12
Dự báo trong 12 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được 15-20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền khu vực Campuchia. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.
Vùng biển từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận (bao gồm đảo Lý Sơn, Phú Quý) trưa nay còn có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; biển động mạnh. Vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Biển động mạnh.
Trên đất liền ven biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa tiếp tục có gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, các khu vực sâu hơn trong đất liền (bao gồm cả Tây Nguyên) có gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10.
Khu vực ven biển các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Các tỉnh miền Đông Nam Bộ có gió giật cấp 6-8.
Ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận tiếp tục có mưa rất to đến đặc biệt to. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ có mưa to đến rất to.
6.000 người đang kẹt ở ga Nha Trang
Theo báo cáo ngày 4/11 của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh Bình Định, có 22 tàu trong vùng nguy hiểm thả neo tại chỗ, vị trí 140 Vĩ Bắc – 1130 Kinh Đông, hiện bão đã đi qua. Trong đó có 2 tàu chưa liên lạc được có số hiệu BĐ 93054TS và BĐ 97624TS. Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh đang tìm cách liên lạc và xác minh số người trên tàu. Theo báo cáo nhanh ngày 4.11.2017 của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Quảng Ngãi, có 2 tàu bị mất liên lạc, cụ thể: Tàu QNg 90478 TS/16 ngư dân, do ông Lưu Đình Dũng ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn làm thuyền trưởng; Tàu QNg 95249 TS/13 ngư dân do ông Nguyễn Văn Minh ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn làm thuyền trưởng.
Báo cáo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN cũng cho biết, 2 tàu vận tải (Biển Bắc 16, Hoa Nam 68) trên khu vực biển Bình Định bị chìm ở vùng biển Quy Nhơn, hiện đã cứu vớt được 3 người. Tàu vận tải Jupiter quốc tịch Campuchia bị hỏng máy, trôi dạt, 7 người đã dời tàu. 4 người trên bè cá tại Quy Nhơn bị rơi xuống biển, đã cứu được 2 người, còn lại 2 người đang trôi dạt. Tại tỉnh Khánh Hòa, thiệt hại ban đầu do bão số 12 gây ra đã khiến 1 nhà bị sập, 4 nhà bị tốc mái… Các địa phương đang rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải: Đường sắt Phú Yên đang bị phong tỏa, hiện 6.000 người đang ở ga Nha Trang.
Sau đây là những hình ảnh thiệt hại do bão số 12 gây ra tại các tỉnh Nam Trung bộ:
Mưa lớn tại Khánh Hoà (Nguồn: VOV)
Cổng chào trước Công viên Biển Đông – Tp. Đà Nẵng bị ngã đổ chắn ngang đường Võ Nguyên Giáp (Nguồn: VOV)
Nước ngập tại thành phố Nha Trang (Nguồn: Tuổi trẻ)
Bão quật ngã trụ điện trên đường Trần Phú TP. Tuy Hòa (Nguồn: Tuổi trẻ)
Gió giật tung mái tôn (Nguồn: VOV)
Một cây lớn trong khuôn viên UBND tỉnh Khánh Hòa bật gốc (Nguồn: Tuổi trẻ)
Gió quật đổ một biển hiệu nhà nghỉ (Nguồn: Tuổi trẻ)
Tôn bay tứ tung trên đường Trần Phú, Nha Trang (Nguồn: Tuổi trẻ)
Các trụ bơm cây xăng bị giá quật ngã (Nguồn:VOV)
Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương dự báo trong 6 đến 12 giờ tới, mưa to đến rất to ở khu vực các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa. Nhiều nơi đã bị ngập nước.
Mưa to diện rộng cũng gây ra nguy cơ mất an toàn hồ chứa các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa, đặc biệt là tỉnh Khánh Hòa.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh trên, đặc biệt ở các huyện: Nam Giang, Quế Sơn, Phước Sơn, Trà My (Quảng Nam); Trà Bồng, Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long (Quảng Ngãi); Vân Canh, An Lão, Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, Phù Cát, Hoài Nhơn, Tuy Phước (Bình Định); Tuy Hòa, Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa, Tây Hòa, Sông Cầu (Phú Yên); Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Ranh, Diên Khánh, Vạn Ninh, Ninh Hòa (Khánh Hòa).
(P.H Tổng hợp)
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.