Sau bão khủng khiếp, lại lo chống lũ
Đã có ít nhất 17 người chết, hàng trăm người mất liên lạc và hàng ngàn ngôi nhà bị sập khi cơn bão số 12 ập vào các tỉnh miền Trung rạng sáng 4-11
Khoảng 1 giờ ngày 4-11, cơn bão số 12 đã đổ bộ tàn phá tỉnh Khánh Hòa. Mưa gió ngập trời, cây gãy đổ, nhà sập, sóng biển dâng cao càn quét vào các thôn xóm. Tính đến chiều 4-11, toàn tỉnh Khánh Hòa có ít nhất 13 người chết (huyện Vạn Ninh: 4 người, thị xã Ninh Hòa: 5, TP Nha Trang: 2, TP Cam Ranh: 1, huyện Diên Khánh: 1).
Kinh hoàng trong đêm
Theo dự báo của các cơ quan chức năng, dù bão đã đi qua nhưng số người chết có thể còn tiếp tục tăng. UBND huyện Vạn Ninh cho biết có khoảng 100 người hiện vẫn mất liên lạc, chủ yếu là lao động trên biển, ở các lồng bè. Một tàu của Cảnh sát biển đang tích cực tìm kiếm.
Thông tin ban đầu cho biết đã vớt được 10 người bị trôi dạt vào các đảo. Chỉ riêng tại huyện này, có khoảng 25.000 căn nhà tốc mái, 100 căn nhà sập hoàn toàn, 12.000 lồng bè bị đánh tan.
Cả TP Nha Trang cũng tan hoang trong bão. Đường phố bị ngập, mưa gió dữ dội, nhà cửa tốc mái, cây cối gãy đổ ngổn ngang. Ông Ngô Khắc Thinh – Phó Phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang, đang trực chiến chống bão – cho biết cả khu vận động thể thao Trường ĐH Khánh Hòa bị đánh sập trong nháy mắt. “Sinh ra và lớn lên qua 49 năm ở TP Nha Trang, lần đầu tiên tôi thấy thấm thía như thế nào là bão” – ông Thinh nhớ lại.
TP Nha Trang bị bão càn quét, gây thiệt hại nặng nề Ảnh: Kỳ Nam
Ông Nguyễn Quang Vũ (ngụ phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang) kể lại: Khoảng 3 giờ, gió giật dữ dội, cả căn nhà của ông rung lên bần bật, toàn bộ mái tôn bị giật phăng. Ông cùng 2 người nhà bị tường sập đè gãy chân.
Cả gia đình kêu cứu nhưng mưa gió quá lớn không ai nghe thấy. Mãi đến 5 giờ mới có người phát hiện, kêu người đến cứu đưa gia đình ông vào bệnh viện.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang, thông tin từ sáng sớm đến 18 giờ, toàn tuyến Tháp Chàm (tỉnh Ninh Thuận) đến Tam Quan (tỉnh Bình Định) có 6-7 đoạn đường sắt bị ách tắc nghiêm trọng; 6 chuyến tàu với khoảng 1.500 hành khách bị kẹt ở các ga.
Thiệt hại nặng từ Đà Nẵng đến Ninh Thuận
Dù không nằm trong tâm bão nhưng sau khi bão số 12 quét qua, từ Đà Nẵng đến Bình Định vẫn bị thiệt hại nặng nề. Tại Bình Định đã có 3 người chết, 4 người bị thương, 81 nhà sập và 95 nhà tốc mái, hàng trăm hecta lúa bị ngã đổ.
Chiều 4-11, sau khi bão tan, nước từ thượng nguồn đổ về khiến nhiều phường như Nhơn Bình, Nhơn Phú, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu thuộc TP Quy Nhơn và huyện Tuy Phước bị ngập sâu.
Ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhận định mưa bão sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong vài ngày tới. Trong khi đó, hiện địa phương vẫn còn nhiều tàu cá, ngư dân đang bị nạn ở vùng biển ven bờ và hàng chục ngàn hộ dân ở những vùng nguy hiểm.
Quảng Nam nằm ở khá xa trung tâm cơn bão nhưng vẫn bị một cơn lốc xoáy cuốn phăng hơn 100 căn nhà ở xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành). Mưa dồn dập và dự báo còn có thể kéo dài vài ngày, trong khi các thủy điện ở phía thượng nguồn như Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Sông Bung 4 xả lũ với lưu lượng lớn khiến nước sông dâng lên rất nhanh.
Tỉnh Quảng Ngãi cũng bị thiệt hại nặng. Hai ngày qua, gió mạnh kèm mưa rất lớn khiến huyện đảo Lý Sơn bị cô lập hoàn toàn.
Sau khi thị sát tình hình thiệt hại do bão số 12 gây ra cho các tỉnh Nam Trung Bộ, chiều 4-11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, nói: “Như dự báo, cứ nghĩ bão đổ bộ khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận nhưng thực tế tâm bão lại vào Phú Yên gây hậu quả nghiêm trọng. Chưa bao giờ TP Tuy Hòa bị ách tắc như thế này”.
Tại tỉnh Phú Yên có 1 người bị thương và 1 người mất tích; 19 căn nhà bị sập hoàn toàn, gần 8.000 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng; 77 tàu, thuyền bị chìm và cuốn trôi, trong đó có 4 tàu hàng; trên 1.500 ha cao su ở huyện Sông Hinh bị ngã đổ; gần 2.300 ha lúa, hoa màu và mía bị mất trắng.
Theo ông Việt, thiệt hại nặng nhất là ngành điện, có hàng ngàn trụ điện bị ngã đổ. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã cử cán bộ vào Phú Yên giúp tỉnh này khắc phục thiệt hại. Tư lệnh Quân khu 5 cũng cho biết đã sắp xếp cử lực lượng vào tỉnh này giúp khắc phục hậu quả cơn bão. Tỉnh Phú Yên đã huy động toàn bộ các hội – đoàn thể đến các đến địa phương giúp dân.
Tại Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên, ảnh hưởng của bão gây mưa lớn, gió lốc làm hư hại nhiều nhà dân, trường học. Tỉnh Đắk Lắk có 1 người chết và 2 người bị thương, 708 ngôi nhà bị sập hoàn toàn.
Không để xả lũ gây thiệt hại cho dân
Tại buổi làm việc ở tỉnh Phú Yên sau khi bão tan, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khẳng định đây là cơn bão rất mạnh kèm theo mưa lớn trên diện rộng. Các tỉnh cần tập trung phòng chống lũ sau bão. Theo số liệu của UBND tỉnh Phú Yên, trong ngày 4-11, mực nước trên các con sông lớn ở tỉnh này như các sông: Ba, Kỳ Lộ, Bàn Thạch đều vượt mức báo động III, có nơi trên 2,5 m.
Tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định bão tan nhưng sau bão vẫn còn xảy ra mưa lớn nên các tỉnh phải tập trung công tác chống lũ. Hiện Phú Yên có 3 hồ thủy điện và 6 hồ thủy lợi, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh phối hợp chủ đầu tư bảo đảm công tác xả lũ, không để thiệt hại về người và tài sản.
Hiện lũ đang lên nhanh tại Phú Yên. Lưu lượng nước về hồ thủy điện Sông Ba Hạ đã lên mức 5.600 m3/giây và tiếp tục tăng. Dự kiến 24 giờ tới, thủy điện này xả lũ lên mức 8.000 m3/giây.
Thủy điện Sông Hinh cũng sẽ xả lũ với lưu lượng hơn 2.000 m3/giây. Tổng lượng nước đổ về hạ du sông Ba lên khoảng 10.000 m3/giây, nhiều khu vực sẽ bị ngập sâu. Tỉnh Phú Yên phải tiếp tục sơ tán 4.100 hộ dân với trên 15.000 người ở những vùng trũng thấp đến nơi an toàn.
Tại tỉnh Lâm Đồng, trong ngày 4-11, các hồ thủy điện Krông Nô 2 và Krông Nô 3, Đa Nhim, Đại Ninh xả lũ với lưu lượng từ 100-200 m3/giây. Một số vùng trũng thấp tại huyện Lâm Hà đã bị nước lũ dâng cao gây ngập lụt, cô lập cục bộ.
Tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương và Lạc Dương, nhiều diện tích hoa màu của người dân cũng bị ngập, gây hư hỏng.
Khẩn trương tìm kiếm các nạn nhân mất tích
Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện yêu cầu Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, địa phương liên quan huy động tối đa các lực lượng, phương tiện triển khai ngay các biện pháp để tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích, trôi dạt trên biển, đặc biệt tại vùng biển Quy Nhơn, Bình Định.
UBND các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và các tỉnh có liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên đối với gia đình có người bị nạn và chỉ đạo cơ quan y tế sẵn sàng cứu chữa, chăm sóc sức khỏe chu đáo đối với những người bị thương và kịp thời giải quyết, khắc phục hậu quả sau cơn bão.
Nguồn NLĐ
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.