Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện mình
Sáng 11/7, tại Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (VBS).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, VBS được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng và đô thị cổ Hội An vốn là thương cảng sôi động từ thế kỷ thứ 17 với các đội tàu buôn của Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ cùng vào giao thương, đặt nền móng cho phát triển buôn bán, thương mại hàng trăm năm nay.
Đến nay, Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thiện mình để tiếp tục là đối tác kinh doanh tin cậy đầy triển vọng trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra rằng, quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua có ý nghĩa rất to lớn với việc thực hiện những cải tổ kinh tế sâu rộng đã được chuyển hóa thành tốc độ tăng GDP cao đạt bình quân gần 7%/năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh ba định hướng chủ yếu để thúc đẩy tăng trưởng bền vững của Việt Nam thời gian tới, bao gồm: Cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng; Phát triển kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp; Thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD.
“Với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân”, Thủ tướng khẳng định.
Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu nhiều thành tựu về kinh tế mà Việt Nam đạt được trong những năm qua. Cụ thể: Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 của Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỷ USD tương đương 170%GDP. Đến nay đã có hơn 24.200 dự án đầu tư trực tiếp FDI từ 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đang hoạt động vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký trên 310 tỷ USD, tương đương 155%. Nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu APEC đã lựa chọn Việt Nam để phát triển trung tâm sản xuất khu vực và kết nối trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Tổ chức quốc tế và nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư đều đánh giá, năng lực cạnh tranh của Việt Nam ngày càng được cải thiện. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh (GCI) 2017-2018 của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước. Trong đó, quy mô thị trường xếp 31/137.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 31/10/2017, Việt Nam xếp hạng 68/190 về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm trước (thuộc nhóm ASEAN-5). Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tháng 5/2017 đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới Sáng tạo Toàn cầu 2017, trong đó Việt Nam tăng 12 bậc lên vị trí 47/127 quốc gia và các nền kinh tế.
Việt Nam có khoảng 52 triệu người dùng Internet, chiếm 54% dân số, đứng thứ 5 ở châu Á-Thái Bình Dương về tỷ lệ dân số có kết nối Internet, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Việt Nam cũng là nước có tỷ lệ kết nối điện thoại di động cao với khoảng 55% người Việt sử dụng điện thoại thông minh. Đây vừa là một nền tảng quan trọng vừa là cơ hội giúp các nhà đầu tư tiềm năng dễ dàng kết nối các dịch vụ, sản phẩm của mình đến những khách hàng tiềm năng lớn tại Việt Nam.
VBS là sáng kiến của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhằm giúp Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội xúc tiến đầu tư khi gặp các lãnh đạo và CEO doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực.
Chủ đề của VBS 2017 là “Việt Nam – Đối tác kinh doanh tin cậy”. Các đại biểu sẽ thảo luận về 6 chuyên đề, gồm Nông nghiệp thông minh; Dịch vụ tài chính; Y tế và Giáo dục; Kết cấu hạ tầng; Du lịch và đặc khu kinh tế; Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Dự kiến từ năm 2017, VBS sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam.
Nguồn VOV
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.