“TPHCM là đầu tàu mà đi chậm thì các toa chậm theo”
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh như vậy tại thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, sáng 14/11.
Phải thay đổi cơ chế giao quyền chủ động phù hợp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, hiện TP.HCM thu ngân sách lớn nhất nước và tỉ lệ điều tiết về Trung ương cũng lớn nhất. Theo dõi quá trình phát triển chung của TP, Chủ tịch Quốc hội cho rằng TP.HCM điều tiết dưới 20% không thể nào phát triển được nhanh.
“Đã đầu tàu kinh tế của cả nước, vùng động lực mà đi chậm thì cả toa sau đi chậm theo. Cho nên quy định cơ chế chính sách đặc thù phát triển TP.HCM không phải chỉ cho TP.HCM mà cho cả nước. Phải tiếp cận ở nhận thức như vậy, chúng ta mới thoát ra được”, Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm và lưu ý những năm gần đây tốc độ tăng trưởng của thành phố động lực này đang chậm lại.
Góp ý cụ thể và nội dung nghị quyết, về giao thẩm quyền từ của Thủ tướng cho HĐND Thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, theo Chủ tịch Quốc hội là cần phân cấp mạnh để thành phố giải quyết nhanh chóng, kịp thời đón nhận triển khai các dự án đầu tư.
Dự thảo cũng giao HĐND Thành phố quyết định dự toán ngân sách Thành phố, phân bổ ngân sách cấp mình bảo đảm phù hợp với các định hướng phát triển các lĩnh vực của Chính phủ, Quốc hội căn cứ dự toán NSNN hàng năm do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao.
Đồng tình với nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội nói: “Chúng ta cứ chốt đồng này mua mắm, đồng kia mua tương thì người muốn ăn mắm mà không ăn tương cũng không mua được. Nên phải thay đổi cơ chế giao quyền chủ động phù hợp với thực tế của địa phương”.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình việc ngân sách Thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước… cũng như cho phép ngân sách Thành phố được hưởng số thu từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP quản lý và phần thu được từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do UBND TP làm đại diện chủ sở hữu.
“Nếu tôi cần động lực phát triển, tôi có trong tay nguồn lực tôi sẽ cho ai trước, đầu tư vào chỗ nào trước? Tôi sẽ đầu tư vào chỗ động lực, người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để tạo ra lưc lượng của cải vật chất và tôi lấy cái đó làm đầu tàu kéo những người chưa biết làm ăn, người nghèo đi lên. Còn nguồn lực đó chia nhỏ ra thì tất cả nắm tay nhay cứ đi ngang, cùng nghèo và rất chậm để có người khá, người giàu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn lời cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu.
Có công việc không nhất thiết phải đến cơ quan
Ủng hộ chủ trương tăng thu nhập cho cán bộ, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội), đi kèm với đó nên cho TP. HCM quy định về tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài, không nên thi tuyển cứng nhắc như hiện nay.
Thậm chí, đại biểu này còn đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan. Theo ông Hiểu, nhiều lĩnh vực cán bộ công viên chức có thể chỉ đến cơ quan 1-2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Trong khi đó, người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước…
“Khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin nên có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả bằng ở nhà”, ông Hiểu nói.
Đồng tình với việc ban hành nghị quyết, song đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cân nhắc khi cơ chế đặc thù quá chú trọng vào tài chính, tăng thu để có đồng vốn nhiều hơn. Điều này là cần thiết, nhưng nếu quá chú trọng vào việc đó chưa chắc đã tạo được sự phát triển bền vững. Cần tăng đặc thù trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư, phải có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt.
Liên quan đến tăng thu cho cán bộ, theo ông Hoàng Văn Cường, TP. HCM có thể tăng thêm mức thu nhập, nhưng đi kèm theo đó phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém. Cũng theo đại biểu này, đã ủy quyền thì phải gắn với trách nhiệm của các cấp, tránh cấp đó không hoàn thành lại đùn đẩy công việc lên cấp trên.
Với lĩnh vực tài chính, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị phải hết sức cân nhắc trong việc tăng thuế, phí, vì giải pháp này chưa chắc đã tăng thu. Thay vào đó, theo ông Hoàng Văn Cường, có thể mở rộng đối tượng thu thuế mới. TP HCM có nhiều tiềm có thể áp dụng tăng thu, như thuế môi trường, hay thuế tài sản, phí du lịch lưu trú… Nếu TP HCM thí điểm làm tốt, có thể áp dụng rộng rãi ra cả nước.
Nguồn SGGP
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.