Phát triển nông nghiệp đô thị để nội đô tự chủ lương thực, thực phẩm
Hiện nay, phát triển nông nghiệp đô thị, ven đô thị có vai trò quan trọng trong việc tự cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho nội đô, tăng thu nhập.
ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, với các ngành hàng lúa gạo, thủy sản và trái cây… Những năm gần đây do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; sự phát triển nhanh chóng của các đô thị đã làm cho diện tích đất sản xuất ở vùng ven đô và ngoại thành ngày một thu hẹp.
Chính vì vậy, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đặc biệt là nông nghiệp đô thị và ven đô thị được xem là hướng đi phù hợp.
Anh Nguyễn Hoàng Khải, ở xã Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long chia sẻ, với 400m2 trồng cà chua và dưa leo áp dụng công nghệ cao đã giúp anh tiết kiệm được chi phí nhân công, phân và thuốc trừ sâu. Nông sản đảm bảo vệ sinh an toàn, các sản phẩm đều được phân phối vào siêu thị. Nhưng do diện tích nhỏ lẻ nên nhiều lúc không đủ hàng để cung cấp cho đối tác.
Dự định sắp tới, anh sẽ nhân rộng mô hình lên 3ha, tập trung chủ yếu vào những mặt hàng nông sản đang được người tiêu dùng lựa chọn. Một trong những khó khăn mà anh gặp phải khi mở rộng diện tích là vấn đề tiếp cận nguồn vốn.
“Cùng một sản phẩm nông sản sạch tôi trồng trong công nghệ cao thì diện tích chiếm khoảng 1/10 so với truyền thống cho nên dễ quản lý chăm sóc hơn. Ưu điểm thứ nhất là nó cho ra những sản phẩm sạch, an toàn. Thứ hai là dễ chăm sóc, quản lý và tiết kiệm công lao động” – anh Khải cho biết.
Xu thế tiêu dùng của người dân hiện nay cần là những sản phẩm an toàn, chất lượng, đảm bảo sức khỏe. Do đó, sản phẩm làm ra cần đáp ứng được vấn đề này thì mới đảm bảo chỗ đứng trên thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Chiểu, phụ trách kỹ thuật Công ty Cổ phần đầu tư Hợp Trí cho rằng, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đô thị là hướng đi đúng đắn, phù hợp. Đối với hộ gia đình có diện tích nhỏ nên sử dụng trồng theo hình thức thủy canh, tự cung cấp thực phẩm cho gia đình tạo thêm không gian xanh, mô hình này rất dễ trồng bởi kỹ thuật chăm sóc hay nước tưới đều tự động.
Theo ông Nguyễn Ngọc Chiểu: “Vốn nhiều thì mình làm nhiều, vốn ít thì mình làm ít. Hệ thống thủy canh tôi lắp đặt và có hướng dẫn, giống thì mình ươm lên, dinh dưỡng có sẵn chỉ pha theo hướng dẫn. Và tất cả đều hoàn toàn an toàn với sức khỏe. Như vậy, dù không có điều kiện chăm sóc hàng ngày, bận công việc cũng không sợ cây bị thiếu nước hay thiếu dinh dưỡng chết, vì tất cả đều là tự động”.
Muốn phát triển nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao cần có cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp cận nguồn tín dụng phục vụ đầu tư, phát triển. Trong đó, tùy từng mô hình, công nghệ mà có chính sách phù hợp, nếu như đầu tư với diện tích khoảng 1.000m2, thì chi phí đầu tư khoảng 500 triệu đồng, đây là số tiền lớn đối với người dân khi muốn mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Trương Vĩnh Yên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Long cho biết, để nông nghiệp đô thị thực sự phát triển bền vững, từ nay đến 2020 Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ trình diễn những mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân từng bước tiếp cận để nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, sẽ tập trung liên kết sản xuất để tìm đầu ra ổn định, tùy theo từng mô hình mà có những liên kết tiêu thụ thông qua đầu mối cũng như các doanh nghiệp.
“Đặc điểm của nông nghiệp đô thị khác với nông nghiệp truyền thống, yêu cầu về môi trường cao hơn. Khi triển khai các mô hình mà có áp dụng những kỹ thuật công nghệ cao thì nó ảnh hưởng môi trường ít. Chẳng hạn như chúng ta không đưa vào những mô hình chăn nuôi truyền thống, mà chúng ta áp dụng mô hình quy mô phù hợp với hộ gia đình, có giá trị cao, như vậy mới có điều kiện phát triển, nhân rộng mô hình nông nghiệp đô thị” – ông Trương Vĩnh Yên chỉ rõ.
Ông Trần Văn Khởi, Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, nông nghiệp đô thị là sản xuất nông sản phục vụ chính cho nội tại của đô thị đó, vì vậy các địa phương cần quy hoạch những cây, con phù hợp.
Chọn các sản phẩm lợi thế để đáp ứng nhu cầu của đô thị và thị hiếu của khách hàng. Ngoài ra, tùy từng điều kiện canh tác mà ưu tiên những giống mới, trong đó tăng cường cơ giới hóa tự động hóa. Xây dựng mô hình điểm để ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, liên kết đầu ra cho sản phẩm, khuyến khích hỗ trợ liên kết hình thành hợp tác xã kiểu mới tạo ra khối lượng sản phẩm lớn để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp cũng như thị trường.
Theo ông Khởi: “Hiện nay cũng có những chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp nói chung và nông nghiệp đô thị nói riêng. Ví dụ như vấn đề về trang bị cơ giới hóa, tự động hóa; xây dựng mô hình tập huấn cho nông dân, vấn đề tín dụng thì đều có chính sách tới các địa phương, nhưng phải tăng cường phổ biến hướng dẫn cho nông dân áp dụng.
Chúng ta phải xác định từng đối tượng cây con mà áp dụng theo từng cấp bậc một chứ không phải mọi sản phẩm đều phải ứng dụng công nghệ như của Israel vì điều kiện, khí hậu của chúng ta rất thuận tiện, có thể sản xuất quanh năm. Đấy cũng là một lợi thế của chúng ta làm cho giá thành sản xuất giảm đi”.
Từ thực tế cho thấy, phát triển nông nghiệp đô thị, ven đô thị có vai trò quan trọng trong việc tự cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho nội đô, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, thời gian qua sự phát triển của mô hình này còn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ và chịu tác động của đô thị hóa, môi trường, khí thải… nên chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế.
Ngoài ra, vốn, chính sách để phát triển mô hình chưa thực sự mang lại hiệu quả. Vì vậy, để mô hình này phát triển bền vững, thì vai trò của các địa phương là định hướng, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển từng loại hình, liên kết sản xuất để tìm đầu ra cho sản phẩm, khi đó nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao mới thực sự bền vững./.
Nguồn vov.vn
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.