Quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định
Luật Quy hoạch vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng nay (24/11) nêu rõ: Quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội quy định.
Nhiều hành vi bị cấm trong hoạt động quy hoạch
Trong ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV (24/11), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quy hoạch với tỷ lệ đại biểu bấm nút thông qua là 88,19%.
Theo quy định của Luật Quy hoạch, hệ thống quy hoạch quốc gia bao gồm: Quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
3 đặc khu hành chính – kinh tế sẽ được xây dựng tại Việt Nam là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc (Ảnh minh họa: KT) |
Luật quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quy hoạch gồm: Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không phù hợp với quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch liên quan đến việc đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ. Lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, tư vấn phản biện độc lập không đủ điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận hoặc trái với quy định của pháp luật.
Cản trở việc tham gia ý kiến của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân về quy hoạch. Không công bố, công bố chậm, công bố không đầy đủ quy hoạch hoặc từ chối cung cấp thông tin về quy hoạch, trừ trường hợp thông tin thuộc bí mật nhà nước; cố ý công bố sai quy hoạch; cố ý cung cấp sai thông tin về quy hoạch; hủy hoại, làm giả hoặc làm sai lệch hồ sơ, giấy tờ, tài liệu trong hoạt động quy hoạch. Thực hiện không đúng quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt. Can thiệp bất hợp pháp, cản trở hoạt động quy hoạch.
Trong báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, có ý kiến thống nhất quy hoạch đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia nhưng đề nghị làm rõ về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong khi Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt chưa được ban hành và chưa rõ đơn vị nào là đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt là mô hình mới đã được quy định trong Hiến pháp 2013, lần đầu tiên có chủ trương thành lập. Quy mô, tổ chức của các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đang được Quốc hội thảo luận, xem xét. Đây là các nội dung có liên quan trực tiếp đến việc lập quy hoạch của các đơn vị này.
Ông Vũ Hồng Thanh khẳng định: Trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đang được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp này đã dành 1 chương quy định về quy hoạch của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Chỉ một quy hoạch cho đặc khu
Trước đó, ngày 22/11, giải trình một số vấn đề của dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ tính đặc biệt so với quy định của pháp luật hiện hành và dự thảo Luật Quy hoạch.
Bộ trưởng Dũng giải thích: Chỉ có một quy hoạch tổng thể của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, tích hợp các quy hoạch liên quan về kinh tế – xã hội, kết cấu hạ tầng, các ngành, lĩnh vực, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh, nguồn lực, tiến độ thực hiện … với một tầm nhìn dài hạn và là một quy hoạch cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Luật cho phép các nhà đầu tư chiến lược tham gia lập và tổ chức triển khai quy hoạch sau khi được phê duyệt, ông Dũng nhấn mạnh.
“Tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư nêu rõ: Để đảm bảo tính cạnh tranh quốc tế và thuận lợi trong triển khai công tác xúc tiến đầu tư sau này thì luật cũng quy định cho phép thuê tư vấn nước ngoài có uy tín trên thế giới để xây dựng quy hoạch.
Bộ trưởng nêu rõ, luật cũng chỉ quy định những nguyên tắc xây dựng và nội dung cơ bản của quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt để tạo sự chủ động cho nhà đầu tư chiến lược và các tư vấn quốc tế sau này để xuất lập quy hoạch phù hợp với yêu cầu của thị trường và các xu thế phát triển, định hướng phát triển cũng như các chuẩn mực của quốc tế.
Luật Quy hoạch gồm 6 Chương, 59 Điều, 3 phụ lục và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.Luật này quy định việc lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá, điều chỉnh quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia; quản lý nhà nước trong hoạt động quy hoạch.
Các quy định của Luật này về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2018.
Chính phủ bảo đảm kinh phí lập, thẩm định quy hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về ngân sách nhà nước.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.