Nga trả đũa truyền thông phương Tây
Kênh truyền hình Russia Today
Việc ký ban hành đạo luật trên là phản ứng mới nhất của Mátxcơva trong bối cảnh thời gian gần đây Mỹ có nhiều hành động nhằm vào các cơ quan truyền thông Nga, như gây sức ép buộc kênh truyền hình RT America bản tiếng Anh của Nga phải đăng ký hoạt động với tư cách “một cơ quan đại diện nước ngoài” tại Mỹ theo Đạo luật đăng ký cơ quan nước ngoài (FARA) có hiệu lực từ năm 1938, hoặc tìm cách cản trở hoạt động của Hãng thông tấn TASS, hãng tin Sputnik cùng nhiều tờ báo và nhà báo của Nga tại Mỹ. Theo Russia Today, hành động từ phía Mỹ đã khiến Nga và nhiều chuyên gia quốc tế phải băn khoăn về quyền tự do ngôn luận tại Mỹ. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ một số cơ quan truyền thông của Nga đang phải đối mặt với áp lực chưa từng có tiền lệ khi hoạt động tại Mỹ. Ông cũng lên tiếng chỉ trích hành động của Washington là một sự vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do truyền thông.
Bộ Tư pháp Nga gần đây cũng đã gửi thư đến Đài tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America), Đài phát thanh châu Âu tự do (Radio Free Europe/Radio Liberty), và một số cơ quan truyền thông đại chúng khác để thông báo việc đưa các tổ chức này vào danh sách cơ quan đại diện nước ngoài tại Nga theo đạo luật mới.
Quyết định cần thiết
Cuộc chiến truyền thông giữa Nga và các nước phương Tây, đặc biệt là truyền thông Mỹ đã nổi lên sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Dù phía Nga đã khẳng định đây là những cáo buộc vô căn cứ, nhưng truyền thông Mỹ liên tục phát đi những cáo buộc cho rằng truyền thông Nga đã can thiệp vào quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ, dẫn đến kết quả là chiến thắng của tỷ phú Donald Trump. Hàng loạt các tờ báo đã nhằm vào cái gọi là sự can thiệp mạnh mẽ nhằm mục đích giúp ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành ông chủ Nhà Trắng. Điều đáng nói là những cáo buộc của truyền thông Mỹ dường như đã mở đường cho truyền thông Đức làm điều tương tự khi thổi bùng lên những nghi ngại về nguy cơ cuộc bầu cử ở Đức năm 2017 sẽ bị tin tặc nước ngoài can thiệp.
Phía Nga cũng đã bác bỏ nghi ngờ này khi cho rằng những tin đồn về việc tin tặc Nga có thể can thiệp vào bầu cử ở Đức là hoang đường và đây có thể là một nỗ lực để qua đó khai thác diễn biến tâm lý của các cử tri Đức phục vụ lợi ích cho riêng các ứng cử viên.
Nói về đạo luật mới, Phó Chủ tịch Duma quốc gia Nga Petr Tolstoi từng khẳng định việc ra luật này là một quyết định mà nước Nga buộc phải thực hiện, nhằm cho phép cơ quan hành pháp Nga áp dụng các biện pháp đáp trả tương xứng đối với những nước cản trở hoạt động tác nghiệp của các nhà báo, cũng như cơ quan truyền thông của Nga.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.