Thế giới tuần qua với những tiến triển và cả những điểm nóng chưa thể hạ nhiệt

Trong tuần qua, nhiều vấn đề nổi bật của thế giới đã đạt được các tiến triển nhất định sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN kết thúc với nhiều kết quả đáng ghi nhận, Campuchia và Thái Lan cam kết tiếp tục duy trì hòa bình ở biên giới… Tuy nhiên, tuần qua cũng là những thời khắc “không yên ả” đối với thế giới khi mà những điểm nóng tại khu vực Trung Đông, Đông Bắc Á vẫn chưa thể được xoa dịu.

Những tiến triển nhất định

ASEAN 22: “Người dân của chúng ta – Tương lai của chúng ta”
(Ảnh: ASEANCommunity)

*Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 diễn ra tại thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei trong hai ngày 24 – 25/4, với chủ đề “Người dân của chúng ta – Tương lai của chúng ta”. Hội nghị Cấp cao ASEAN 22 lần này tập trung bàn về các chủ đề: Đẩy mạnh tiến độ xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và định hướng tương lai của Hiệp hội; duy trì đoàn kết và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Đây là Hội nghị cấp cao đầu tiên trong năm Brunei đảm trách vai trò Chủ tịch ASEAN với nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít thách thức trong tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN.

Chiều ngày 25/4, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 22 kết thúc và ra Tuyên bố Chủ tịch, một lần nữa nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và an ninh hàng hải ở Biển Đông, khẳng định tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 đang trên đà phát triển thuận lợi với hơn 77% nội dung trong kế hoạch đã được thực hiện. Tuyên bố Chủ tịch cho biết các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí hoàn toàn ủng hộ mọi nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

*Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong cho biết Campuchia và Thái Lan sẽ tiếp tục duy trì hòa bình ở khu vực biên giới, bất kể phán quyết sắp tới của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) về vùng đất tranh chấp xung quanh khu vực ngôi đền cổ Preah Vihear ra sao.

Phát biểu với báo giới tại Phnom Penh ngày 22/4 sau khi kết thúc cuộc điều trần tại ICJ ở thành phố The Hague (Hà Lan) liên quan tới vụ kiện về khu vực tranh chấp xung quanh ngôi đền cổ Preah Vihear trên biên giới với Thái Lan, Bộ trưởng Hor Namhong tuyên bố ICJ có toàn quyền phán quyết về vấn đề này. Ông nhấn mạnh trong các cuộc gặp gần đây giữa Thủ tướng Campuchia Hun Sen và người đồng cấp Thái Lan Yingluck Shinawatra, cũng như giữa bộ trưởng ngoại giao hai nước, Phnom Penh và Bangkok đều nhất trí sẽ tuân thủ quyết định của ICJ một cách ôn hòa.

*Phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các nước vùng Caribe (AEC) tổ chức ở Haiti, Tổng thống Enrique Peña Nieto ngày 26/4 khẳng định lập trường của quốc gia Bắc Trung Mỹ là luôn sẵn sàng hợp tác với các nước vùng Caribe nói riêng và Mỹ Latinh nói chung, dựa trên cơ sở tôn trọng chế độ chính trị và sự cần thiết tiếp cận về kinh tế và văn hóa ngày càng lớn hơn, vì lợi ích chung của toàn khu vực.

Ông Nieto cho biết đối với Mehico, Caribe là một khu vực chiến lược có nhiều tiềm năng kinh tế và chính trị để thu hút vốn đầu tư phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, trong đó có tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo. Vì thế trong nhiều năm qua, Mehico luôn chú trọng phát triển mối quan hệ hợp tác nhiều mặt để cùng nhau khai thác những thế mạnh và thời cơ đem lại, song song với những thách thức và khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra.

* Trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày, ngày 26/4, tại Trung Nam Hải, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường.

Tại cuộc hội đàm, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho rằng quan hệ Trung-Pháp có tính toàn diện, chiến lược và sáng tạo, hai nước có lợi ích, nhận thức và chủ trương chung trên rất nhiều phương diện, phát triển quan hệ Trung-Pháp phù hợp với lợi ích của cả hai quốc gia và thế giới.

Tổng thống Pháp Hollande cho rằng quan hệ Pháp – Trung rất tốt, thành quả hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước hết sức to lớn. Hai nước cần cùng nỗ lực thúc đẩy đối phó và xử lý các thách thức toàn cầu. Kinh tế Pháp – Trung, châu Âu – Trung Quốc có sự phụ thuộc lẫn nhau, Pháp mong muốn cùng với Trung Quốc sâu sắc hóa và mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, cùng nhau phản đối chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, thực hiện hợp tác cùng có lợi, cùng thắng. Pháp cảm ơn sự ủng hộ của Trung Quốc đối với châu Âu và khu vực đồng ơrô (eurozone), mong muốn phát huy vai trò lớn hơn nữa trong việc phát triển quan hệ châu Âu – Trung Quốc.

*Ngày 26/4, khoảng 3.000 tay súng phiến quân Nam Sudan đã ra đầu hàng và chấp thuận lệnh ân xá của chính phủ, chấm dứt tình trạng xung đột lâu nay tại các khu vực giàu dầu mỏ ở phía Bắc nước này.Theo lệnh ân xá được Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir ban bố vào sáng cùng ngày, 6 thủ lĩnh phiến quân hàng đầu, bao gồm cả Bapiny Monytuil, thủ lĩnh của nhóm Quân đội Giải phóng Nam Sudan SSLA, và các tay súng của họ đều được ân xá.Người phát ngôn của Chính phủ Nam Sudan Joseph Arop Malual cho biết toàn bộ các tay súng thuộc SSLA ở miền Bắc đã đầu hàng chính phủ. Quan chức này cho hay dưới sự chỉ huy của một thủ lĩnh có tên Matthew Puljang, một nhóm lớn của SSLA cùng hơn 100 phương tiện đã vượt biên giới vào Nam Sudan từ Sudan, nơi nhóm này được cho là có một căn cứ huấn luyện.

Những điểm nóng vẫn chưa thể xoa dịu

Thông tin về các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên luôn được giới truyền thông
quan tâm và phát đi nhanh chóng (Ảnh: Bloomberg)

* Trong cuộc hội đàm quân sự cấp cao Trung – Mỹ diễn ra tại Bắc Kinh, ngày 22/4, Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tướng Phòng Phong Huy cho biết có khả năng Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 4 và cộng đồng quốc tế cần ngăn chặn hành động này bằng việc xúc tiến sớm việc nối lại đàm phán. Phía Trung Quốc cho rằng Triều Tiên có thể tiếp tục thử hạt nhân nhằm phản kháng Mỹ và Hàn Quốc. Vì vậy, cần làm mới các cuộc đàm phán của Bình Nhưỡng với các đối tác trong khu vực và Trung Quốc mong muốn đóng góp vào quá trình này.

Ngày 23/4, CHDCND Triều Tiên đã yêu cầu được công nhận là một nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Bên cạnh đó, Triều Tiên còn đồng thời bác bỏ điều kiện của Mỹ yêu cầu Bình Nhưỡng đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân trước khi nối lại đàm phán.

Yêu sách được công nhận là một cường quốc hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, ngay lập tức, đã bị Washington bác bỏ sau khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề An ninh quốc tế và Phi hạt nhân, ông Thomas Countryman tuyên bố: “Yêu sách của Triều Tiên đòi được công nhận là nhà nước sở hữu vũ khí hạt nhân không chỉ phi thực tế mà còn không thể chấp nhận được”.

* Mối quan hệ vốn đã có phần nguội lạnh giữa Nhật Bản với Hàn Quốc và Trung Quốc do liên quan tới những tranh chấp về chủ quyền biển đảo lại tiếp tục bị “dội một gáo nước lạnh” sau khi Seoul và Bắc Kinh đồng loạt bày tỏ quan điểm phản đối việc các nhà lãnh đạo cấp cao của Nhật Bản đã tới thăm ngôi đền tử sĩ Yasukuni – nơi mà các nước láng giềng của Nhật Bản coi là biểu tượng cho quá khứ xâm lược của Nhật Bản.

Ngày 25/4, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Kyou-hyun đã triệu Đại sứ Nhật Bản tại Hàn Quốc, ông Koro Bessho, để bày tỏ sự tiếc nuối sâu sắc trước những quan điểm mang tính chất lịch sử cũng những lời nhận xét “lỗi thời” của các chính trị gia Nhật Bản liên quan tới ngôi đền Yasukuni.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh kêu gọi Nhật Bản phải đối mặt với lịch sử của mình là một quốc gia xâm lược và nên tôn trọng xúc cảm của nạn nhân. Bà Hoa nhận định: “Chúng tôi tin rằng chỉ khi nào Nhật Bản hiểu biết sâu sắc về quá khứ mới có thể mở ra tương lai và phát triển quan hệ hợp tác với các nước khác ở châu Á”.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, ngày 24/4, ông Abe tuyên bố, Nhật Bản sẽ không khuất phục trước “thái độ” của Trung Quốc và Hàn Quốc nhằm phản đối việc các quan chức Nhật Bản thể hiện “lòng thành kính” trước những người đã ngã xuống tại ngôi đền Yasukuni. Ông Abe nhấn mạnh, việc các công dân Nhật Bản bày tỏ lòng thành kính trước những bậc tiền bối đã ngã xuống vì đất nước là một việc làm hoàn toàn phù hợp. Nhật Bản là một quốc gia có sự tự do riêng và sẽ không “khuất phục” trước bất kỳ lời đe dọa nào.

*Cuộc khủng hoảng chính trị đã bước sang năm thứ 3 liên tiếp tại Syria có nguy cơ rẽ sang một hướng mới, đáng lo ngại hơn sau khi Mỹ tuyên bố đã có bằng chứng về việc chính phủ Syria sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến tại quốc gia này. Thông tin này, nếu được xác thực có thể mở đường cho sự can thiệp của Mỹ và phương Tây vào cuộc khủng hoảng Syria.

Bức thư từ Nhà Trắng gửi tới hai nhân vật có tầm ảnh hưởng tại Mỹ là Thượng nghị sỹ John McCain và Carl Levin có đoạn viết, Nhà Trắng đã có những mẫu sinh hóa học cho thấy chất hóa học gây chết người sarin đã được sử dụng 2 lần trong cuộc nội chiến tại Syria mà vốn cho đến nay đã khiến ít nhất 70.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Nhà Trắng cho rằng, dù tới nay, họ vẫn chưa có được bằng chứng thuyết phục nào cho thấy vũ khí hóa học đã được sử dụng bởi phe nào trong cuộc xung đột tại Syria. Tuy nhiên, theo nhận định ban đầu thì rất có khả năng các loại vũ khí chết người này đã được lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad sử dụng và điều đó cho thấy tình hình đang ngày càng đi xuống nghiêm trọng tại Syria cũng như việc chính quyền Damascus sẵn sàng tăng cường bạo lực để chống lại thường dân.

Ngay lập tức, Syria đã bác bỏ những thông tin trên. Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi tuyên bố chính phủ nước này chưa bao giờ và sẽ không bao giờ sử dụng vũ thứ vũ khí chết người này làm công cụ để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Ông al-Zoubi quy trách nhiệm cho các nhóm khủng bố có vũ trang tại Syria trong trường hợp vũ khí hóa học được sử dụng ở nước này.