Hội thảo hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh ĐBSCL

(THTG) Ngày 28/11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức hội thảo hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

vlcsnap-2017-11-28-14h57m22s122

vlcsnap-2017-11-28-14h57m54s789

Quang cảnh hội thảo hợp tác nông nghiệp giữa Ấn Độ và các tỉnh ĐBSCL. Ảnh: Minh Nguyên

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhấn mạnh: ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đồng thời cũng là vùng trọng điểm sản xuất rau – quả và nuôi trồng khai thác chế biến thủy hải sản. Hàng năm, khu vực này đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Vì vậy, có thể nói, ĐBSCL đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và là vùng nguyên liệu lớn trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Vì vậy, việc tổ chức hội thảo sẽ là diễn đàn kết nối các cơ quan, doanh nghiệp Ấn Độ với các cơ quan, doanh nghiệp các tỉnh vùng ĐBSCL và Thành phố Hồ Chí Minh ttong nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý là lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản.

vlcsnap-2017-11-28-15h23m53s172

Ông Lê Văn Hưởng – Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Minh Nguyên

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, hội thảo tiến hành 2 phiên toàn thể trọng tâm. Phiên thứ nhất có chủ đề: “Nhìn lại thực trạng phát triển của ngành nông nghiệp – thủy sản vùng ĐBSCL và cơ hội hợp tác với Ấn Độ trong phát triển nông nghiệp và thủy sản” và phiên toàn thể thứ hai có chủ đề: “Đối thoại chính sách”.

vlcsnap-2017-11-28-15h06m11s440 vlcsnap-2017-11-28-15h11m54s698 vlcsnap-2017-11-28-15h12m56s677 vlcsnap-2017-11-28-15h20m27s771

Các đại biểu tham dự hội thảo tham quan và thưởng thức những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Nguyên

Tham luận tại hội thảo, ông Cao Văn Hóa – Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho biết: Tiền Giang là một tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, với cây lúa là cây lương thực trọng điểm, diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 220.000 hecta, sản lượng 1,3 triệu tấn; bên cạnh đó, cây ăn trái có diện tích 73.000 hecta, sản lượng hàng năm trên 1,3 triệu tấn trái các loại. Về chăn nuôi và thủy sản, Tiền Giang cũng có những bước phát triển đáng kể. Với tìm năng và lợi thế của mình, Tiền Giang mong muốn hợp tác với Ấn Độ về nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao và hợp tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài ra, hội thảo còn ghi nhận nhiều tham luận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam, các cơ quan của Ấn Độ, các doanh nghiệp của ĐBSCL và Ấn Độ…

Cũng tại hội thảo, qua phiên đối thoại chính sách, các doanh nghiệp Ấn Độ được tìm hiểu rõ hơn về các chế độ chính sách ưu đãi đầu tư, các dự án kêu gọi đầu tư của các tỉnh thành ĐBSCL. Đồng thời các cơ quan, doanh nghiệp trong nước thông qua diễn đàn sẽ tìm hiểu về các chính sách về thuế quan, hàng rào kỹ thuật, điều kiện ưu đãi đầu tư, dịch vụ logistics, các đối tác xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ… phục vụ cho quá trình xuất nhập khẩu hàng hóa sang Ấn Độ và ngược lại.

Thanh Đào