Ðể dự án ngọt hóa Gò Công phát huy hiệu quả
Dự án ngọt hóa Gò Công (NHGC) được đánh giá là một trong những dự án mang lại hiệu quả ở đồng bằng sông Cửu Long. Dự án giải quyết tốt nhiệm vụ ngăn mặn, giữ và dẫn ngọt, tiêu úng, cấp nước sinh hoạt, kết hợp phát triển giao thông thủy và nuôi thủy sản, mang lại hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, phục vụ sinh hoạt cho nhân dân trong vùng. Tuy nhiên, hiện dự án đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được khắc phục.
Cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp
Ðiều dễ nhận thấy là trước khi có Dự án NHGC, người dân các huyện phía đông của Tiền Giang (Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Gò Công Ðông, Tân Phú Ðông) sản xuất nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế trọng yếu, nhưng lại hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là phụ thuộc vào tình hình hạn mặn quanh năm, khiến cây lúa mỗi năm chỉ sản xuất được một vụ bấp bênh, năng suất thấp, đời sống người dân rất cơ cực, vất vả, phải tha phương làm thuê, làm mướn khắp nơi. Ðây cũng là nguyên nhân chính mà lãnh đạo tỉnh Tiền Giang quyết tâm thực hiện bằng được dự án NHGC, mục tiêu hàng đầu là từng bước cải thiện đời sống người dân ở khu vực này. Năm 1999, Dự án NHGC bắt đầu đưa vào vận hành, tổng diện tích tự nhiên của vùng ngọt hóa là hơn 54 nghìn ha, trong đó, diện tích canh tác gần 40 nghìn ha. Hơn mười năm nhìn lại, có thể khẳng định rằng, thành công lớn nhất của Dự án NHGC là làm nên cuộc “cách mạng” trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất cây lúa từ một vụ bấp bênh nâng lên hai, ba vụ/năm, với năng suất bình quân từ 2 tấn/ha nâng lên 6 đến 10 tấn/ha; ngoài ra còn hình thành các vùng chuyên canh rau màu, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, đời sống người dân trong vùng ngọt hóa không ngừng được nâng cao. Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khi chưa có dự án, năng suất lúa chỉ đạt bình quân 2 tấn/ha, sản lượng lúa trong vùng năm 1976 là hơn 91 nghìn tấn, bình quân lương thực đầu người là 200 kg. Ðến những năm gần đây, tổng sản lượng lúa mỗi năm đạt gần 420 nghìn tấn (tăng gấp năm lần), bình quân lương thực đầu người đạt 976 kg. Ngoài ra, từ khi có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại thu nhập cho nông dân cao hơn lúa từ 2 đến 2,5 lần, cá biệt có mô hình cao gấp từ 5 đến 8 lần trồng lúa.
Bây giờ có dịp trở lại vùng đất đã từng một thời nổi tiếng khô cằn, nay là những cánh đồng lúa trĩu hạt, những vườn cây sum suê trái ngọt biểu hiện sự trù phú và phát triển của vùng đất phía đông Tiền Giang. Những vị cao niên ở vùng ngọt hóa hôm nay hồi tưởng lại: Trước kia, người dân nơi đây nghèo lắm, do chỉ sản xuất một vụ lúa, rau màu càng không thể trồng được, mùa khô lo thiếu nước ngọt sinh hoạt. Bây giờ sản xuất nông nghiệp tăng lên hai vụ, rồi ba vụ lúa trong năm. Theo đó, giao thông nông thôn cũng phát triển, không còn phải lo cảnh thiếu nước sinh hoạt. Lão nông Trịnh Văn Chót, ấp Bà Lẫy I, xã Tăng Hòa, Gò Công Ðông bày tỏ: “Trước năm 1975, gia đình tôi chỉ sản xuất mỗi năm một vụ lúa, năng suất chẳng bao nhiêu. Bây giờ thì đã khác, sản xuất ba vụ không sợ thiếu nước ngọt, năng suất lúa lên đến 6-7 tấn/ha, có khi lên đến 8-9 tấn/ha. Với ba ha lúa, mỗi năm gia đình thu hoạch 50 tấn lúa, sau khi trừ chi phí cũng lãi hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn lập trang trại chăn nuôi với hơn 500 con lợn thường xuyên trong chuồng. Tháng 6 năm nay, ông Chót đã xây được căn nhà mới khang trang, trị giá hơn 500 triệu đồng.
Trên nền tảng tăng vụ, tăng năng suất, tăng sản lượng, những năm gần đây, nông dân các huyện phía đông Tiền Giang đã nâng trình độ canh tác lên một bước, thâm canh lúa đặc sản xuất khẩu bằng cách mạnh dạn thay giống lúa mùa địa phương bằng các giống lúa ngắn ngày, năng suất cao, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như IR64, VDN 95-20, AS 996… Dự án NHGC đã trở thành vùng trọng điểm lương thực của tỉnh và đang chuyển hướng vào sản xuất lúa đặc sản xuất khẩu. Trên cơ sở cải thiện được nguồn nước tưới mà dự án mang lại, các phong trào chuyển đổi cây trồng theo hướng luân canh, xen canh lúa màu đã hạn chế được sâu bệnh, nâng cao độ phì nhiêu của đất và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, khai thác hết tiềm năng của đất, tăng thu nhập cho nông dân. Từ đây, nổi lên những vùng xen canh lúa màu như hai vụ lúa - một vụ dưa hấu ở Bình Nhì, Thạnh Nhựt, Long Vĩnh, Bình Phú (Gò Công Tây), hay các mô hình luân canh lúa - lạc - ngô của nông dân huyện Chợ Gạo cho lợi nhuận từ 40 đến 50 triệu đồng/năm. Hay những nông dân trồng ngò gai, rau thơm các loại cho thu nhập hằng năm hơn 100 triệu đồng ở thị xã Gò Công. Hiện nay, diện tích rau màu trong vùng ngọt hóa khoảng 13 nghìn ha, sản lượng hơn 100 nghìn tấn mỗi năm. Ðặc biệt, đến nay các huyện trong vùng ngọt hóa đã phát triển được gần một nghìn ha vườn xoài, nhãn, sa-pô, mận, cây có múi, xơ-ri, sản lượng hằng năm hơn 100 nghìn tấn, góp phần phong phú thêm cho “vùng” cây ăn trái Tiền Giang về chủng loại và sản lượng.
Cần hoàn thiện dự án
Ngoài việc mang lại những thành tựu to lớn, Dự án NHGC hiện tại đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần nhanh chóng khắc phục. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang Nguyễn Thiện Pháp cho biết: Thực tế Dự án NHGC đã bộc lộ một số điểm yếu: Ô nhiễm môi trường ở một số điểm tập trung đông dân cư, nhất là thị xã Gò Công; tình hình rò rỉ mặn ở các vùng biên ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp vào mùa khô, điều này một phần do bà con nông dân chưa tuân thủ khuyến cáo chỉ sản xuất hai vụ lúa mà làm tới ba vụ/năm; đồng thời, ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh nguồn nước chưa cao. Bên cạnh đó, hệ thống đê bao ngăn mặn đã được khép kín, tuy nhiên có một số đoạn bị xuống cấp cần phải phục hồi nâng cấp và kết hợp việc xây dựng một số cống dưới đê để phát huy cao nhất ích lợi của dự án… Theo UBND huyện Gò Công Ðông thì những tồn tại của Dự án NHGC trên địa bàn là khu vực cuối nguồn của NHGC thường thiếu nước sinh hoạt và sản xuất; nhất là vào cuối vụ đông xuân, các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây xuống giống sau Gò Công Ðông nên địa phương thiếu nước sản xuất. Mặt khác, hiện nay cống Rạch Bùn đã xuống cấp và mất tác dụng, kênh dẫn 14 chỉ mới nạo vét được một phần, các kênh cặp đê chưa được nạo vét. Những tồn tại, bất cập của Dự án NHGC hiện nay là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng hạn đầu mùa thường xảy ra vào đầu vụ hè thu chính vụ và cuối vụ đông xuân tại những nơi xa nguồn nước; ngập cục bộ một số diện tích có địa hình thấp do cống Xuân Hòa, Vàm Giồng…, mở nhồi nước tưới cho vùng hạ nguồn; ô nhiễm môi trường ở cuối mùa khô và đầu mùa mưa ở một số khu vực trước và sau cống, tại những nơi tập trung đông dân cư…
Từ thực tế này, để hoàn thiện Dự án NHGC, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, trước hết là tiến hành xây bổ sung các công trình nhằm tăng nguồn nước tưới và hiệu quả sử dụng nước cho một vùng canh tác hơn 35 nghìn ha, kiện toàn quản lý vận hành và giảm ô nhiễm môi trường nước mặt, nhất là vào cuối mùa khô và đầu mùa mưa, khi các cống dưới đê bao buộc phải đóng ngăn mặn. Song song đó, tiến hành nạo vét các tuyến kênh chính đã bị bồi lắng; đồng thời triển khai các dự án nâng cấp đê biển Gò Công, dự án gây bồi đoạn xung yếu thuộc đê biển Gò Công để tái sinh rừng phòng hộ, bảo vệ từ xa đê biển. Mặt khác, cần tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ quản lý công trình cho cán bộ quản lý, khai thác công trình thủy lợi của tỉnh, huyện, xã. Xây dựng quy trình vận hành chung cho toàn hệ thống; xây dựng quy trình xử lý và xử phạt trong lĩnh vực ô nhiễm môi trường, vi phạm công trình thủy lợi. Tuy nhiên, cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, tổng vốn đầu tư nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Dự án NHGC trong thời gian qua quá lớn, hơn 800 tỷ đồng nên các công trình chưa được triển khai một cách đồng bộ, do đó tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng cục bộ, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp ở một số nơi vẫn chưa được khắc phục triệt để.
0 Bình luận
Hãy là người đầu tiên gửi bình luận.