Bước tiến mới của Việt Nam về công nghệ vệ tinh

  Sự kiện này mở ra trang mới trong lĩnh vực nghiên cứu và chinh phục vũ trụ ở nước ta.

      Tiếp sau thành công của việc phóng vệ tinh Vinasat 1 và Vinasat 2, ngày 4/5, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên có tên gọi VNREDSat-1. Sự kiện này không chỉ ghi dấu sự trưởng thành của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KHCNVN) mà còn mở ra trang mới trong lĩnh vực nghiên cứu và chinh phục vũ trụ ở nước ta.

Theo kế hoạch, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ được phóng vào lúc 23h06 ngày 3/5/2013 (theo giờ Kourou- thuộc Pháp) tức 9h06 ngày 4/5/2013 (theo giờ Hà Nội).

Đội ngũ kỹ sư Việt Nam và chuyên gia Pháp

Dự án VNREDSAT-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu Euro, từ vốn vay viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Pháp và 65 tỷ đồng vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam. Vệ tinh quan sát Trái đất đầu tiên của Việt Nam sẽ được Công ty Arianespace phóng vào quỹ đạo bằng tên lửa đẩy VEGA từ sân bay vũ trụ Kourou, Guyana, thuộc Pháp. Công ty Arianespace cũng đã thực hiện phóng thành công 2 vệ tinh viễn thông Vinasat 1 và Vinasat 2 của Việt Nam.

TS. Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, Trưởng Ban quản lý Dự án vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm KHCNVN cho biết: “Dự án vệ tinh VNREDSAT-1 được xây dựng dựa trên những nghiên cứu và đánh giá về nhu cầu thực tế của Việt Nam, kết hợp với những xu hướng phát triển mới nhất của vệ tinh quan sát trái đất của thế giới. Sau khi phóng thành công VNREDSat-1 lên quỹ đạo, Việt Nam sẽ xây dựng được một hệ thống giám sát hoàn chỉnh từ vệ tinh, trạm thu mặt đất, hệ thống xử lý và phân phối ảnh. Hệ thống quan sát trái đất cũng cho phép chúng ta chủ động trong việc thu nhận các bức ảnh trên bề mặt trái đất, giúp cho các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn trong lĩnh vực điều tra, khảo sát điều kiện tự nhiên, phòng chống thiên tai”.

Cho đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho việc phóng vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên VNREDSat-1 đã được hoàn tất. 15 kỹ sư của Viện Hàn lâm KHCNVN sau khi thực tập 1 năm rưỡi ở Pháp, trở về nước lại tiếp tục được tập huấn với các chuyên gia của Pháp tại Việt Nam. Hiện tại, họ đã có thể làm chủ được quá trình điều khiển, khai thác vệ tinh cũng như xử lý hình ảnh.

Thạc sĩ Ngô Duy Tân, trưởng phòng điều khiển vệ tinh thuộc Trung tâm khai thác và điều khiển vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm KHCNVN cho biết: Tại đơn vị này, các kỹ sư của Việt Nam và chuyên gia Pháp đang làm việc hết sức khẩn trương nhằm chuẩn bị cho sự kiện lớn.

“Các hệ thống trang thiết bị, cơ sở hạ tầng dưới mặt đất đã sẵn sàng. Chúng tôi đã kiểm tra, chạy thử và kết quả chạy tương đối ổn định, sẵn sàng để đón nhận vệ tinh. Các thông tin mới nhất từ Kourou (Pháp) cho biết, sức khỏe của vệ tinh rất tốt, đã sẵn sàng để đưa vào thiết bị phóng”, Thạc sĩ Ngô Duy Tân nhấn mạnh.

Sau khi rời mặt đất 2 tiếng, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ tách ra khỏi tên lửa đẩy VEGA và khởi động động cơ đẩy của mình để tự điều chỉnh tới quỹ đạo làm việc. Thời điểm có thể thu nhận được tín hiệu đầu tiên từ vệ tinh VNREDSat-1 là 14h30 ngày 4/5.

Nếu mọi việc đúng như dự kiến thì  2 ngày sau chúng ta có thể thu nhận được những bức ảnh chụp Trái đất đầu tiên của vệ tinh VNREDSat-1; những bức ảnh chụp khu vực lãnh thổ Việt Nam có thể có sau đó 1 ngày nữa. Tiếp theo là giai đoạn vận hành thử nghiệm để đánh giá và hiệu chỉnh các thiết bị đặt trên vệ tinh kéo dài trong 3 tháng.

Dự án vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của nước ta có sự tham gia quản lý của 2 cơ quan là Viện Hàn lâm KHCNVN và Trung tâm Viễn thám Quốc gia thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đến thời điểm này, Việt Nam là nước thứ 5 trong khu vực ASEAN có vệ tinh quan sát trái đất riêng, sau Thái Lan, Inđônêxia, Malaixia và Singapo. Nếu phóng thành công, Việt Nam sẽ trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có vệ tinh quan sát trái đất riêng./.